HTX An Xuân thực hiện sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn. Khi trồng giống lúa nào, HTX sẽ bàn bạc với doanh nghiệp trước khi vào vụ nhằm bảo đảm đầu ra thuận lợi. Doanh nghiệp cung ứng lúa giống, cùng nhiều loại vật tư đầu vào và bao tiêu lúa tươi ngay đầu vụ ít nhất là 5.500 đồng/kg. Nếu giá thị trường lúc thu hoạch lúa tăng, doanh nghiệp sẽ thương lượng với nông dân để điều chỉnh tăng lên; còn giá giảm, doanh nghiệp vẫn mua ở mức tối thiểu theo giá sàn.
An toàn là bạn
Để nhà nông chủ động với công việc đồng áng và không lo thiếu nhân công mỗi khi vào chính vụ, HTX năng động phát triển các dịch vụ hậu cần, hỗ trợ từ khâu gieo trồng đến thu hoạch và bảo quản nông sản.
Nổi bật là HTX tập hợp các thành viên có máy cày, máy gặt đập liên hợp hiện đại… cùng thực hiện các dịch vụ bơm tưới, cày xới, chăm sóc, thu hoạch. Theo Ban giám đốc HTX, trong canh tác lúa, nếu năng suất thấp hoặc chi phí đầu tư cao sẽ khiến nông dân không có lời, từ đó ảnh hưởng đến đời sống. Vì vậy, việc đẩy mạnh cơ giới hóa là một trong những bước cần thiết trong quá trình thực hiện sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung nhằm giúp người trồng lúa đạt hiệu quả cao trong sản xuất.
Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả từ việc đưa máy móc vào đồng ruộng như tăng năng suất, giảm hao hụt, giảm công lao động, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… thì khó khăn đặt ra là phải bảo đảm được an toàn lao động (ATLĐ). Giải quyết được điều này sẽ giúp HTX nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển một cách toàn diện.
![]() |
Cơ giới hóa đồng ruộng cần đi đôi với an toàn lao động để nâng cao hiệu quả sản xuất. |
Thực tế trên địa bàn huyện Cờ Đỏ, việc sử dụng máy gặt đập liên hợp đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên đã có không ít người bị thương tật do không bảo đảm được ATLĐ. Trong khi đó, các loại máy móc nông nghiệp hiện đại có cấu tạo phức tạp, nhiều bộ phận dễ tiếp xúc với người lao động lại không được bảo hộ kỹ lưỡng, nên dễ dẫn tới tai nạn khi hoạt động.
Từ thực tế trên, HTX đã tạo mọi điều kiện để thành viên được đi học các lớp tập huấn, hướng dẫn thực hiện an toàn cơ giới hóa trong nông nghiệp. Chỉ những người có đủ điều kiện sức khỏe, không bị thương tật mới được đảm nhận việc điều khiển từng loại máy móc phù hợp.
Anh Nguyễn Văn Đệ - lái máy gặt đập liên hợp, cho biết ngoài tập huấn và thực hành bài bản, người lái máy không được chủ quan và cần sử dụng bảo hộ phù hợp nhằm bảo đảm sức khỏe làm việc ngoài trời.
Chỉ riêng việc lái máy gặt đập liên hợp, HTX chủ động thành lập hẳn một tổ gồm 4 người để có thể thay phiên nhau làm việc. Các thành viên tổ lái cũng bảo đảm về mặt thời gian, không tranh thủ làm việc lúc trời chập tối vì đây là khoảng thời gian thiếu ánh sáng, lại thêm tinh thần mệt mỏi sau một ngày dài làm việc nên dễ bất cẩn trong điều khiển máy móc, dẫn tới tai nạn.
Ngay cả khi vận hành các loại máy nông nghiệp từ nhà kho ra ngoài đồng ruộng cũng phải tuân theo Luật giao thông đường bộ. Khi qua ngã ba, ngã tư, đường vòng hay qua cầu cống, chỗ đông người…, người điều khiển máy phải giảm tốc độ, báo hiệu cho mọi người biết. Nếu cần, phải dừng máy xuống quan sát, chú ý không để các vật cồng kềnh trên máy, tránh tình trạng va quẹt vào người và vật trên đường.
Nhờ đó, quá trình hoạt động của HTX được hoàn thiện, không để xảy ra vụ tai nạn nào do mất ATLĐ. Người điều khiển máy của HTX cũng ý thức hơn về vai trò của mình, nên chủ động tham gia và tìm hiểu các kiến thức về ATLĐ trong sản xuất nông nghiệp.
Nông dân yên tâm
Để nâng chất lượng và giá trị hạt lúa làm ra, HTX đầu tư 4 lò sấy và 1 kho trữ lúa có công suất 1.300 tấn và sẵn sàng thu mua lúa tươi, lúa ướt về làm khô. Người dân không phải lo chỗ chứa hay thóc nảy mầm khi mùa thu hoạch vào những ngày mưa gió.
Máy sấy với công nghệ hiện đại giúp hạt lúa có có độ ẩm hợp lý để phục vụ chế biến. Sau khi sấy, giá trị nông sản được gia tăng, nên phía doanh nghiệp đánh giá rất cao. Cách làm này không chỉ giúp HTX tạo gắn kết giữa các thành viên, mà còn mở rộng liên kết với doanh nghiệp để cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật và đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân.
![]() |
Người lao động đảo thóc trong quá trình sấy lúa. |
Ông Nguyễn Văn Xuân, thành viên của HTX Nông nghiệp An Xuân cho biết: "Vào HTX, nông dân đã có “bà đỡ” là Ban giám đốc HTX lo! Nông dân trồng lúa ở các cánh đồng lớn, bây giờ chỉ cần tập trung vào khâu chăm sóc lúa sao cho đạt năng suất và chất lượng tốt để bán được giá cao. Không những vậy, nhà nông được trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hỗ trợ cả đầu ra. Nhờ đó, thu nhập của nông dân tăng lên và ngày càng yên tâm, chăm lo sản xuất".
HTX An Xuân hiện có 233 thành viên, diện tích sản xuất 420ha. Mục tiêu của HTX là tiếp tục liên kết các hộ dân lại để sản theo mô hình cánh đồng lớn nhằm hình thành vùng lúa sạch thông qua việc áp dụng quy trình “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”. Việc này không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn tạo nguồn nguyên liệu lớn cung cấp cho doanh nghiệp, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm lúa gạo.
Huyền Trang