Mô hình Hội quán cùng nhau làm du lịch tại Làng hoa Sa Đéc (TP. Sa Đéc) là một trong những mô hình điểm trong quá trình xây dựng nông thôn mới, mang lại ưu điểm vượt trội cả về kinh tế và môi trường cho người dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp từ nhiều năm qua.
Hiệu quả của hội quán
Ông Trần Thanh Hùng, Chủ nhiệm Hội quán cùng nhau làm du lịch tại Làng hoa Sa Đéc cho biết, từ năm 2015 trở về trước, nhiều hộ gia đình trồng cây kiểng ở làng hoa hơn 100 tuổi này thiếu sự liên kết, quy mô nhỏ lẻ, nên sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, thu nhập bấp bênh.
Thực hiện chủ trương của tỉnh, từ năm 2015, nhiều hộ dân đã liên kết hình thành Hội quán cùng nhau làm du lịch, đến nay thu hút được 27 thành viên, mở rộng quy mô hoạt động lữ hành, lưu trú, homestay, khách sạn. Với 12 khu điểm du lịch được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, mỗi năm hội quán thu hút hơn 1 triệu lượt khách, lợi nhuận gấp 4 - 5 lần so với nghề trồng hoa truyền thống.
Cùng với hội quán làm du lịch, ở Đồng Tháp còn nhiều mô hình hội quán nổi bật, đã và đang góp phần xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm đặc thù như xoài Cao Lãnh, xoài Cát chu Cao Lãnh, chanh Cao Lãnh, hoa kiểng Sa Đéc, quýt hồng Lai Vung…
![]() |
Nông nghiệp Đồng Tháp đang có chuyển biến toàn diện nhờ các mô hình Hội quán, HTX, làng thông minh. |
Theo thống kê, đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã có 122/143 xã, phường, thị trấn thành lập ít nhất 1 mô hình hội quán, 4 hội quán đã được cấp mã số vùng trồng. Đặc biệt, có 35 HTX nông nghiệp được thành lập trên cơ sở các hội quán.
Điển hình như ở huyện Châu Thành, có tới 13 HTX được hình thành từ hội quán. Đơn cử, ở xã An Hòa, từ Hội quán Canh Tân, 2 HTX sản xuất và dịch vụ thủy sản Châu Thành và HTX nông sản an toàn An Hòa được thành lập, tạo điểm tựa vững chắc cho hàng trăm nông dân.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX sản xuất và dịch vụ thủy sản Châu Thành, cho hay cù lao An Hòa được như ngày hôm nay, có hơn 800 ha trồng nhãn đạt chuẩn, 35 ha mặt nước nuôi cá tra, đời sống bà con sung túc, yên bình chính là nhờ liên kết cùng phát triển trong hội quán, trong HTX.
Cũng có thể kể đến HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới (TP. Cao Lãnh) được thành lập trên nền tảng Đồng Tâm Hội quán và Thịnh Hưng Hội quán vào năm 2018. HTX này hiện có 176 thành viên, vốn điều lệ gần 700 triệu đồng, tổng diện tích sản xuất xoài hơn 138ha, sản phẩm chủ lực là xoài cát chu.
Tham gia HTX, thành viên, hộ liên kết được tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, được doanh nghiệp liên kết bao tiêu. Đây là HTX đầu tiên của tỉnh xuất khẩu thành công xoài cát chu, đem lại giá trị hàng tỷ đồng mỗi năm.
Ấn tượng làng thông minh
Không chỉ là điểm tựa cho các HTX, chính từ mô hình hội quán, tỉnh Đồng Tháp đã và đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng đề án “Làng thông minh” giúp người nông dân chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, hướng tới phát triển bền vững.
Đầu tháng 4/2023, tỉnh Đồng Tháp đã chính thức ban hành Khung cấu trúc mô hình và Bộ tiêu chí Làng thông minh, áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Khung cấu trúc mô hình làng thông minh gồm: Quy mô làng thông minh dựa trên ít nhất một ấp; làng thông minh là mô hình kết nối cộng đồng mang tính tự nguyện; làng thông minh được xác định tại một khu vực địa lý, địa bàn cụ thể; làng thông minh cần gắn liền với ít nhất một Hội quán nông dân hoặc một HTX hay Tổ hợp tác sản xuất.
![]() |
Chuyển biến trong nông nghiệp là động lực giúp các địa phương tỉnh Đồng Tháp xây dựng nông thôn mới. |
Đặc biệt, làng thông minh phải có sản phẩm đặc thù của địa phương, sản phẩm này đạt chuẩn từ 4 sao trở lên thuộc Chương trình OCOP; làng thông minh có quy định/quy chế về quản trị và vận hành phù hợp với việc đầu tư, khai thác và phát triển các hạng mục công trình liên quan.
Ông Đặng Văn Những, Chủ nhiệm Tâm Quê Hội quán, cho biết các thành viên trong hội quán rất phấn khởi khi địa phương được chọn để triển khai mô hình làng thông minh.
Hiện, một số nội dung của mô hình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo ra tiện ích lớn, rất thông minh như: hệ thống camera ứng dụng trí tuệ nhân tạo giám sát an ninh trật tự; hệ thống quan trắc môi trường, đo các chỉ số về nước, khí, đất, giám sát các thông số cơ bản về pH, nhiệt độ, độ ẩm...; hệ thống tưới tự động; hệ thống đèn chiếu sáng công cộng thông minh sử dụng năng lượng mặt trời...
“Rất mong mô hình sớm hoàn thành, được chuyển giao công nghệ, hướng dẫn vận hành các thiết bị để ứng dụng thiết thực vào sản xuất đời sống”, ông Những bày tỏ.
Được biết, để triển khai mô hình làng thông minh, tỉnh Đồng Tháp đã lựa chọn một số ấp thuộc địa bàn xã Tân Thuận Tây, TP. Cao Lãnh, trên nền tảng của 2 hội quán Tâm Quê và Thuận Tân. Thực hiện Đề án chuyển đổi số, UBND tỉnh Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025 sẽ xây dựng 7 Mô hình làng thông minh và đến năm 2030 tăng lên 14 mô hình.
Kiến tạo giá trị bền vững
Có thể thấy, hiệu quả của các mô hình điểm như hội quán, làng thông minh và HTX, với cách làm sáng tạo, tư duy hiện đại, đang góp phần giúp Đồng Tháp gặt hái nhiều thành công trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống cho người dân.
Đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 103 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 10 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Toàn tỉnh có 269 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao, các sản phẩm này được kết nối đưa vào hệ thống các cửa hàng đặc sản tại các điểm du lịch…
Trong giai đoạn 2021- 2025, Đồng Tháp tiếp tục gắn kết chặt chẽ Chương trình xây dựng nông thôn mới với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, đi vào chiều sâu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của người dân nông thôn.
Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có thêm 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số lên 104 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 90%). Trong đó, có 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt tỷ lệ 30%) và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt tỷ lệ 10%).
Để công tác xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp mang lại hiệu quả tích cực hơn trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các Sở ban ngành liên quan rà soát lại công việc cụ thể của các địa phương để tiếp tục tập trung thực hiện tốt các tiêu chí nông thôn mới, trong đó duy trì phát triển tốt các mô hình hiệu quả.
Mỹ Chí