Những năm qua, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và cơ giới hóa vào sản xuất được mở rộng, diện tích gieo trồng lúa cả năm của huyện đạt 49.954ha, góp phần đưa tổng sản lượng trong 2,5 năm qua đạt trên 775.000 tấn. Nhiều năm qua, huyện Vị Thủy duy trì sản lượng lúa đạt trên 310.000 tấn.
Thúc đẩy cây trồng chủ lực
Nhằm phát huy thế mạnh chủ lực của cây lúa, thời gian qua, huyện Vị Thủy thực hiện tốt chủ trương quy hoạch sản xuất, đặc biệt là quy hoạch cánh đồng lớn dần phát huy hiệu quả.
Địa phương từng bước kêu gọi nhà đầu tư cùng nhân dân thực hiện liên kết trong sản xuất nhằm tạo đầu ra cho nông sản. Hàng năm đã thực hiện liên kết được 4.374ha/5.022 hộ, với trên 1.706ha được tiếp cận hình thức hỗ trợ một phần kinh phí sản xuất như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...
So với cách đây 3 năm, nông dân trên địa bàn huyện hiện đã tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất lúa sang giống chất lượng cao như: ST, RVT, Đài thơm 8... góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng diện tích. Nếu năm 2020 sản lượng lúa chất lượng cao của huyện chỉ chiếm 50%, thì đến cuối quý I/2023 toàn huyện đã có khoảng 90% lúa chất lượng cao.
Cánh đồng lớn ở Vị Thủy đang được mở rộng, cho hiệu quả kinh tế cao. |
Đáng chú ý, sự tham gia của các HTX đã và đang góp phần giúp nông dân địa phương dễ dàng tiếp cận các ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất. Đơn cử, HTX Tân Long, ấp Tân Long, xã Vĩnh Tường đang là một trong những đơn vị điển hình trong phát triển nông nghiệp hiện đại theo hướng hàng hóa.
Kể từ năm 2020 đến nay, từ việc tham gia các lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao kỹ thuật về trồng lúa sạch, các thành viên của HTX Tân Long đã nắm chắc kiến thức, tự tin tổ chức mô hình sản xuất lúa hữu cơ với những quy trình nghiêm ngặt.
Điển hình, ông Châu Thanh Bạch, thành viên HTX Tân Long chia sẻ: "Sau khi tham gia lớp tập huấn, tôi nhanh chóng triển khai áp dụng quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Điều này vừa tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng, vừa mang lại giá trị cao hơn cho cây lúa".
Thích ứng biến đổi khí hậu
Theo ông Bạch, trong các khóa đào tạo, tập huấn nông nghiệp ngắn hạn của xã và huyện, ông và các thành viên HTX được học cách sử dụng máy móc thuần thục, cách khắc phục những sự cố cơ bản khi vận hành máy móc, đảm bảo an toàn lao động, nâng cao hiệu quả.
Hay trong quá trình chăm sóc lúa, các thành viên HTX tự tin triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, áp dụng quản lý dịch hại IPM, sử dụng hiệu quả các loại thiên địch để tiêu diệt côn trùng có hại…
Nhờ sản xuất khoa học, năng suất lúa của HTX Tân Long đạt trung bình 5,2 - 6,7 tấn/ha, chỉ thấp hơn sản xuất lúa vô cơ 0,5 - 0,8 tấn/ha nhưng giá thành bán ra cao hơn khoảng 500 đồng/kg, chi phí đầu tư cho 1 ha lúa cũng giảm 7-8 triệu đồng do sử dụng chất hữu cơ. Như vậy, tính bình quân, nông dân sản xuất lúa hữu cơ có lợi nhuận gấp khoảng 1,2 lần so với lúa vô cơ.
Bên cạnh cây lúa, huyện Vị Thủy đã triển khai thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm nâng cao giá trị các loại cây trồng, vật nuôi thế mạnh khác trên địa bàn.
Đề án này bao gồm nhiều nội dung như khảo sát chọn lựa HTX nông nghiệp tham gia, ứng dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất các HTX, phát triển sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm, xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp…
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Vị Thủy có vai trò quan trọng của các HTX. |
Báo cáo mới công bố vào cuối tháng 4/2023 của UBND huyện Vị Thủy cho thấy, qua 3 đợt khảo sát tại địa phương, huyện được UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt chọn HTX Kim Ngoan (xã Vị Đông) đủ tiêu chí tham gia đề án. Sau khi được đầu tư, HTX Kim Ngoan tập trung sản xuất chế biến sản phẩm từ thủy sản để xây dựng các sản phẩm OCOP và bước đầu cho hiệu quả vượt trội.
Nhờ thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, đến nay trên địa bàn huyện tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất được nâng lên, đặc biệt là canh tác, thu hoạch lúa. Nhiều HTX đã áp dụng trên 80% cơ giới hóa trong các công đoạn sản xuất như: làm đất, gieo cấy, phun phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch...
Bên cạnh đó, công tác sơ chế biến và bảo quản sau thu hoạch cũng được thực hiện bài bản. Thời gian qua huyện cũng xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, sạch, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...
Hàng năm, toàn huyện có trên 8.000 ha sản xuất lúa được thực hiện liên kết với các doanh nghiệp từ đầu vào đến bao tiêu đầu ra và đảm bảo lợi nhuận cho người dân. Về rau màu, cây ăn trái công tác liên kết sản xuất từng bước được nâng cao.
Hiện thực hóa các mục tiêu
Huyện Vị Thủy hiện cũng có 18 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh (4 sản phẩm đạt 4 sao, 14 sản phẩm đạt 3 sao). Để góp phần thực hiện tốt đề án nêu trên, huyện cũng đã xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện, bền vững, thực hiện chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
Đặc biệt, huyện còn quan tâm củng cố, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp. Đến nay, huyện có 30 HTX, trong đó có 27 HTX nông nghiệp, 3 HTX phi nông nghiệp. Đồng thời, có 54 tổ hợp tác và 2 làng nghề truyền thống đang hoạt động hiệu quả, trở thành điểm tựa làm giàu cho người dân.
Thời gian tới, huyện tiếp tục đặt mục tiêu thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương, phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mở rộng việc ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất, tập trung sản xuất nông sản theo các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và canh tác thông minh.
Huyện cũng sẽ tiếp tục củng cố, nâng chất lượng hoạt động các HTX, tổ hợp tác, câu lạc bộ... Chỉ đạo xây dựng mô hình mới có lợi nhuận cao, tập trung cải tạo vườn. Nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới (huyện đang có 5/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 14-18 tiêu chí). Chuyển tư duy phát triển nông nghiệp từ ưu tiên tăng sản lượng sang tư duy phát triển chất lượng cao theo định hướng thị trường, chuỗi giá trị sạch, an toàn và canh tác thông minh, xây dựng cánh đồng lớn. Tập trung phát triển nông nghiệp xanh, hướng tới nền nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và tiếp cận nông nghiệp 4.0 vào quá trình sản xuất một số loại nông sản, thủy sản chủ lực.
Lệ Chi