Vùng trồng cây ăn quả của anh Nguyễn Thế Độ ở xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil trải dài trên diện tích hơn 14,6 ha, chuyên canh các loại cây ăn trái theo mùa, kết hợp với trồng điều, cây rừng và hơn 7.000 m2 nhà màng phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao
Dưa lưới đang là một trong những dòng trái cây chủ lực tại khu trồng cây ăn quả của anh Độ, với hơn 4.000 m2 nhà màng, mỗi năm thu hoạch 3 vụ, năng suất đạt xấp xỉ 20 tấn. Nhờ chất lượng vượt trội, dưa lưới của trang trại đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Bên cạnh dưa lưới, trang trại của anh Độ còn có vườn nho 3.000 m2. Không chỉ cho thu nhập cao, vườn nho còn là mô hình được nhiều người đến học hỏi, trải nghiệm. Đáng chú ý, 100% khu vực trồng cây của trang trại đang được áp dụng sản xuất VietGAP, hữu cơ, mang lại lợi ích lớn về môi trường sinh thái.
Không chỉ là những 'cánh chim' đơn lẻ, thời gian qua, huyện Đăk Mil đã và đang đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thu hút, hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp đầu tư phát triển nông thôn, các HTX, doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp…
Cây ăn quả là một trong những thế mạnh của huyện Đắk Mil (Ảnh: BĐN). |
Đáng chú ý, phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến sâu và tạo ra nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực cho nông sản là một trong 3 khâu đột phá được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đắk Mil nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định rõ.
Đến nay, Đắk Mil đã hình thành 1 vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao, với quy mô 335 ha tại xã Thuận An, được UBND tỉnh công nhận. Trong đó, huyện đã thành lập và hoạt động hiệu quả HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An và 186 hộ nông dân tham gia.
Để giúp người dân trong vùng canh tác cà phê theo hướng bền vững, HTX Công Bằng Thuận An đã đăng ký tham gia vào Hiệp hội Thương mại công bằng (Fairtrade). Sự chủ động của HTX trong tổ chức sản xuất đang thay đổi tư duy canh tác của người dân địa phương, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, hướng tới xuất khẩu.
Nâng cao quy mô sản xuất
Với vai trò “bà đỡ” của HTX Công Bằng Thuận An, các thành viên và các hộ liên kết đã áp dụng các quy trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, RainForest, UTZ, hữu cơ… để nâng cao giá trị, đáp ứng thị trường. Trong đó, sản phẩm cà phê bột Đắk Đam của HTX được xếp hạng sản phẩm OCOP Đắk Nông đợt I năm 2020, với tiêu chuẩn 4 sao.
Việc sản xuất cà phê sạch đã mang lại cho HTX Công Bằng Thuận An nhiều lợi thế trong xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ mỗi năm hàng trăm tấn sản phẩm. Nhờ đó đã tạo việc làm cũng như thu nhập ổn định cho hàng trăm thành viên, hộ liên lết.
Tương tự ở xã Thuận An, huyện Đắk Mil đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chí để công nhận vùng sản xuất xoài ứng dụng công nghệ cao tại xã Đắk Gằn. Việc phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm, tạo vùng nguyên liệu tập trung, gắn với chế biến và xuất khẩu.
Có thể thấy, so với các ngành nghề khác, sản xuất nông nghiệp của huyện Đắk Mil những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đắk Mil đang hướng nông dân vào sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao (Ảnh: BĐN). |
Nhiều năm qua, các loại cây cà phê, hồ tiêu, cao su, ca cao, cây ăn trái là nhóm chủ lực, tạo thu nhập chính cho nhiều người dân. Nhóm cây trồng thế mạnh cũng đang là nguồn nguyên liệu chính tạo ra nhiều sản phẩm nông sản có giá trị, chất lượng cao tại địa phương.
Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, ngành nông nghiệp huyện đã, đang chuyển giao cho người dân nhiều giống cây con mới vào sản xuất đại trà, giúp đa dạng hóa nguồn hàng nông sản, tăng giá trị kinh tế trên diện tích đất.
Trên địa bàn huyện hiện có 1.410,9 ha cà phê được áp dụng quy trình sản xuất bền vững theo bộ tiêu chuẩn 4C, UTZ, Fairtrade. Trong đó HTX Công Bằng xã Thuận An có hơn 330 ha; xã Đức Mạnh có 710 ha; xã Đắk Lao có 410 ha. Toàn bộ diện tích cà phê này đều được liên kết với doanh nghiệp để áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất hữu cơ và được bao tiêu sản phẩm.
Bên cạnh đó, huyện Đắk Mil chú trọng phát triển mạnh diện tích cây ăn trái các loại. Hiện nay, tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện là 2.773 ha, trong đó, xoài 918 ha, sầu riêng 803 ha và 1.052 ha cây ăn trái khác.
Nhóm cây ăn trái trên địa bàn huyện đã cho hiệu quả kinh tế cao, nhất là cây xoài, sầu riêng, bơ... Giá trị thu nhập bình quân từ các loại cây ăn trái trên địa bàn huyện hiện đạt khoảng 250 triệu đồng/ha/năm.
Cần thêm điểm tựa để bứt phá
Ngoài cây trồng, trên địa bàn huyện Đắk Mil còn có nhiều trang trại chăn nuôi. Toàn huyện hiện có gần 30 trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô tương đối lớn, có liên kết với HTX, doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm. Trong đó, 6 cơ sở chăn nuôi lợn liên kết với HTX, doanh nghiệp, với quy mô từ 600 - 2.400 con/cơ sở.
Đơn cử, trang trại nuôi gà của ông Hoàng Tiến Dũng, ở xã Long Sơn (Đắk Mil). Năm 2020, ông Dũng đã đầu tư xây dựng 2 trang trại, quy mô khoảng 32.000 – 34.000 con/lứa nuôi. Mỗi năm, ông Dũng nuôi được 2 lứa, lợi nhuận mang lại gần 1 tỷ đồng.
Ông Dũng chia sẻ: "Lợi thế của việc chăn nuôi trang trại là được hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp thức ăn và bao tiêu sản phẩm. Khi bán, đơn vị thu mua sẽ đến tận trại để bắt và vận chuyển đi tiêu thụ. Việc sản xuất theo quy mô trang trại giúp tôi yên tâm đầu tư sản xuất, trở thành bạn hàng tin cậy của các đối tác".
Đang có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận Đắk Mil chưa có nhiều sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, mang tính đột phá, đặc trưng.
Do đó, huyện cần đẩy mạnh tổ chức sản xuất mang tính lợi thế để mang lại giá trị cao. Đơn cử như cây xoài có thể sản xuất diện tích ít, nhưng bảo đảm về giá cả và chế biến sâu sẽ mang giá trị cao hơn. Địa phương cũng nên lấy HTX Công Bằng Thuận An làm mô hình điểm để nhân rộng trong sản xuất nông nghiệp.
Thời gian tới, huyện Đắk Mil cũng cần chú trọng quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp cụ thể, mang tính bền vững, đồng thời phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác để làm “bệ đỡ”, giúp người dân chuyển dần từ sản xuất tự phát, chạy theo phong trào, sang sản xuất theo hướng hàng hóa, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao.
Mỹ Chí