Trên những sườn dốc xã Chiềng Mung (Mai Sơn, Sơn La), trang trại trồng nho hạ đen của gia đình ông Nguyễn Đình Tuấn đang liên tục cho những vụ mùa bội thu. Hơn 3 năm qua, năm nào vườn nho cũng cho thu hoạch hàng chục tấn quả, giá bán ổn định, ông Tuấn thu về trên dưới 1 tỷ đồng/năm.
Từ những sườn đồi trên cao nguyên
Hơn 30 năm gắn bó với cao nguyên Nà Sản, nhận thấy đây là mảnh đất tiềm năng để phát triển cây ăn quả, ông Tuấn đã liên kết gần 20 hộ dân địa phương thành lập HTX Đoàn Kết, xã Chiềng Mung, trồng hàng trăm ha cây ăn quả thế mạnh như nhãn, thanh long, nho...
Mô hình trồng nho, theo vị đại diện HTX Đoàn Kết, được khởi phát sau khi ông được tạo điều kiện đi tham quan các trang trại trồng nho hạ đen tại Hà Nội và Bắc Giang. Sau thời gian nghiên cứu, ông đầu tư làm nhà màng, hệ thống tưới tự động và mua 1.500 cây giống về trồng thử nghiệm.
Nho hạ đen đang bén rễ và lan rộng trên nhiều vùng đất ở phía Bắc, mang lại giá trị kinh tế cao. |
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, ông Nguyễn Đình Tuấn cùng các cộng sự trong HTX Đoàn Kết đã chủ động thuê kỹ sư nông nghiệp tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật ban đầu. Vừa trồng thử nghiệm, vừa rút kinh nghiệm và nhân giống để mở rộng diện tích vụ sản xuất.
“Nho hạ đen được mệnh danh là một trong những giống nho ngon nhất thế giới. Sau thời gian thử nghiệm, vườn nho nhà tôi cho thu vụ đầu vào năm 2021 với 9 tấn quả tươi, giá bán trung bình 140.000 đồng/kg, tổng doanh thu trên 1,2 tỷ đồng. Nho ngon nên khách chen nhau đặt hàng”, ông Tuấn chia sẻ.
Sau vụ đầu thắng lớn, cây nho vẫn tiếp tục cho những vụ mùa bội thu đến nay. “So với nhiều nơi khác, quả nho Sơn La có vị đậm, ngon và ngọt hơn. Mục tiêu của chúng tôi là mở rộng mô hình trong toàn HTX, biến nho thành cây làm giàu của thành viên”, đại diện HTX Đoàn Kết nói thêm.
Không chỉ là những “cánh chim lẻ”, mô hình trồng nho trên đất dốc ở Sơn La đang được phát triển rất bài bản, với sự tham gia liên kết của nhiều HTX, doanh nghiệp. Sau gần 5 năm thúc đẩy, toàn tỉnh đã có hàng chục ha trồng nho hạ đen chất lượng cao. Doanh thu trung bình của cây nho đạt từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/vụ, giá trị kinh tế cao hơn so với một số loại cây ăn quả khác, như: xoài, nhãn, bưởi…
Đến những cánh đồng lớn ở đồng bằng
Rời cao nguyên Nà Sản đầy nắng và gió, ngược về ngoại thành Hà Nội, giống nho ngon nhất thế giới cũng đang cho thấy tiềm năng nhân rộng, với không ít mô hình bạc tỷ. Điển hình như trang trại trồng nho hạ đen của HTX Sinh Phát Phương Đình (xã Phương Đình, huyện Đan Phượng).
Cầm trên tay chùm nho trĩu quả, óng ánh mọng nước, ông Nguyễn Văn Nội, Giám đốc HTX bồi hồi kể lại với phóng viên VnBusiness, rằng vào những thời điểm đầu mới thành lập HTX, trên diện tích hơn 1,5ha, HTX chủ yếu canh tác các loại rau theo mùa, trồng quất, gần Tết thì có trồng thêm các loại hoa.
Tuy nhiên, do lợi nhuận thu về thấp, công chăm lại rất lớn, nên về sau này, trong một lần tình cờ xem trên truyền hình thấy mô hình trồng nho hạ đen mang lại giá trị kinh tế cao, ông Nội đã cất công tìm hiểu, nghiên cứu và đem về trồng thử nghiệm với nhiều kỳ vọng tìm ra hướng đi mới.
Thúc đẩy các chuỗi liên kết với đầu tàu là các HTX, doanh nghiệp là chìa khóa để nho hạ đen cho giá trị bền vững. |
Ở phía Bắc, nho vẫn là một loại cây trồng mới, không dễ để thành công. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm nỗ lực không biết mệt mỏi, mô hình trồng nho của gia đình ông Nội cùng các thành viên HTX đang cho thấy những ưu điểm vượt trội, mang lại giá trị kinh tế cao.
Mỗi năm, nho hạ đen của HTX cho thu hoạch 2 vụ vào tháng 6 và tháng 10. Ước tính sản lượng thu hoạch vụ tới đạt gần 3-4 tấn, giá bán dao động từ 110.000-140.000 đồng/kg. Doanh thu bình quân khoảng 500 triệu/vụ, tạo thu nhập ổn định cho thành viên HTX và người lao động từ 6-6,5 triệu đồng/người/tháng.
Đến nay, có thể khẳng định mô hình trồng nho hạ đen của HTX Sinh Phát là mô hình có lợi thế và tiềm năng, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng hữu cơ và những cây trồng thế mạnh, cho năng suất cao. Năm 2023, sản phẩm “Nho Hạ đen” của HTX Sinh Phát Phương Đình đã được chứng nhận OCOP 3 sao.
Không chỉ có Sơn La hay Hà Nội, cây nho hạ đen cũng đang bén rễ, mang lại thu nhập cao cho người nông dân ở nhiều tỉnh thành khác ở phía Bắc như Vĩnh Phúc, Hà Nam, Phú Thọ...
Điển hình như tại Hà Nam, chỉ sau 3 năm đưa vào triển khai, mô hình trồng nho của HTX Đồng Du (xã Đồng Du, huyện Bình Lục) đã cho thấy những ưu điểm vượt trội. Hàng năm, doanh thu từ nho của HTX đạt trên dưới 3 tỷ đồng.
Phát triển bài bản, hình thành chuỗi giá trị
Ông Phạm Văn Đức, Giám đốc HTX Đồng Du, chia sẻ HTX triển khai mô hình từ năm 2019, với hai giống nho chủ lực là nho hạ đen, nho Mẫu Đơn. Đây là 2 giống nho có khả năng chống chịu tốt với biến động thời tiết, cho năng suất cao, chất lượng, hương vị tuyệt vời.
Nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn xanh và sạch, chỉ trong thời gian ngắn, trang trại nho của HTX đã cho “trái ngọt”. Chi phí đầu vào giảm 10-30%, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Sức khỏe của thành viên, người lao động được đảm bảo vì không phải tiếp xúc với hóa chất độc hại.
Bên cạnh cây trồng chủ lực là nho, HTX Đồng Du còn triển khai mô hình trồng thanh long ruột đỏ, bưởi đào, bưởi diễn, bí ngô, dưa lê và các loại rau màu khác, trên diện tích gần 3ha, cho thu nhập bình quân hơn 1 tỷ đồng/năm.
Nhờ doanh thu ổn định, HTX đã tạo việc làm cho khoảng 10 lao động địa phương, với mức thu nhập ổn định 4 triệu đồng/người/tháng. Mô hình của HTX trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Đi qua nhiều vùng trồng nho lớn ở phía Bắc, có thể thấy, tính ưu việt của mô hình trồng nho là đầu tư giống một lần, cho thu hoạch liên tục từ 10-15 năm. Nho hạ đen cho thu hoạch 2 vụ/năm, sản lượng cao nhất đạt 25 tấn/năm, doanh thu có thể đạt đến vài tỷ đồng/ha/năm.
Nho trồng càng lâu năm, năng suất càng ổn định, chi phí sản xuất càng thấp. Hơn nữa, nhu cầu sử dụng lao động phổ thông làm việc tại vườn theo mùa vụ lớn, tạo cơ hội việc làm, thu nhập cho lao động phổ thông, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Với những ưu điểm đó, nho hạ đen là mô hình có tiềm năng để nhân rộng. Tuy nhiên, để phát triển bài bản, mang lại giá trị bền vững, theo chuyên gia, các địa phương cần xây dựng quy hoạch vùng trồng, tích cực đồng hành cùng các hộ suất theo hướng an toàn, chất lượng cao. Đặc biệt, cần đẩy mạnh hình thành các liên kết chuỗi với sự tham gia của HTX, doanh nghiệp, giúp nông dân nâng cao nội lực sản xuất, hướng tới sản xuất công nghệ cao, thúc đẩy chế biến sâu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ...
Minh Khuê