Vụ vừa qua, trên các cánh đồng trồng khóm Cầu Đúc ở TP. Vị Thanh và huyện Long Mỹ, thương lái thu mua khóm với giá bình quân 10-13 nghìn đồng/trái (loại 1, khóm đạt trọng lượng từ 1kg trở lên). Giá bán không quá cao nhưng ổn định nên lợi nhuận của các hộ canh tác vẫn đảm bảo.
Trái ngọt trên đất phèn
Triển khai hơn 5 công đất trồng khóm trong niên vụ 2023-2024, ông Bùi Văn Toàn, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, cho hay sau vụ mùa năm ngoái bội thu, giá cao, thì trong vụ năm 2024 này, năng suất khóm bị ảnh hưởng khá nhiều vì hạn hán và nắng nóng.
Giá khóm hồi đầu năm cũng không quá cao, nhưng càng về cuối vụ càng khan hàng và giá được đẩy lên. Giữa tháng 5 vừa qua, những chuyến hàng cuối của gia đình ông Toàn được thương lái săn đón tận vườn, giá ổn định ở mức 11 nghìn đồng/trái, cao hơn 2-3 nghìn đồng so với thời điểm Tết.
Khóm Cầu Đúc là đặc sản nức tiếng, mang lại thu nhập cao cho nông dân Hậu Giang. |
Cũng giống như ở Long Mỹ, những người trồng khóm ở Vị Thanh năm nay cũng đối diện với nhiều khó khăn hơn vì thời tiết bất lợi so với năm 2023. Nhưng nhìn chung, các hộ sản xuất vẫn có một vụ mùa có lời khá. Đơn cử như ở xã Hỏa Tiến, giá khóm từ đầu năm đạt bình quân 8 - 12 nghìn đồng/trái, sản lượng đạt trung bình trên 16 tấn/ha, đem lại niềm vui cho nông dân.
Ông Huỳnh, một người trồng khóm ở Hỏa Tiến, chia sẻ những năm gần đây, để đảm bảo hiệu quả, các hộ sản xuất đã bắt đầu chuyển đổi canh tác theo hướng an toàn, VietGAP, đồng thời thực hiện trồng khóm rải vụ, giảm tải cho thời điểm chính vụ. Khóm trái vụ cũng cho giá cao hơn.
“Năm nay, với hơn 3 ha khóm VietGAP, giá bán ổn định, sau khi trừ đi mọi chi phí, nhà tôi có lời khoảng 250 triệu đồng. Chỉ riêng 1 ha thu hoạch vào cuối tháng 5 vừa qua, tôi thu về hơn 120 triệu đồng, nguồn cung ít nên thương lái tranh mua”, ông Huỳnh hồ hởi nói.
Thực tế, từ nhiều năm qua, khóm Cầu Đúc (thương hiệu chung của trái khóm Vị Thanh) đã không còn lo “được mùa, mất giá” bởi cái bắt tay liên kết giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp. Một trong những “lá cờ đầu” phải kể đến HTX Thương mại dịch vụ Thạnh Tiến (xã Tân Tiến, TP. Vị Thanh).
Mở hướng kinh doanh mới
Giám đốc Trần Văn Bá cho biết, tình hình sản xuất của các hộ thành viên, nông dân liên kết của HTX Thạnh Tiến hiện rất ổn định, khóm trái sau khi thu hoạch được các doanh nghiệp tại Đồng Nai, Bình Dương… hợp đồng bao tiêu, đưa vào các siêu thị và khắp nơi trên cả nước.
Để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp liên kết, khâu sản xuất được HTX định hình, định hướng ngay từ đầu là tuyệt đối tuân thủ quy trình sản xuất sạch, chất lượng cao. Thành viên HTX cùng nhiều hộ nông dân liên kết được tham gia dự án trồng khóm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Nhờ sản xuất khoa học, chú trọng cả chất và lượng, cây khóm trên địa bàn xã Hỏa Tiến hiện đạt năng suất bình quân 15 - 20 tấn/ha/năm, doanh thu trung bình đạt trên dưới 200 triệu đồng/ha/năm.
Ngồi thuyền len lỏi giữa các vựa khóm, khách tham quan sẽ có những trải nghiệm thú vị. |
“Để bán khóm được giá cao, người trồng khóm Cầu Đúc chủ động rải vụ, trong đó tập trung vào mùa nghịch nên năm nào cũng có lợi nhuận cao. Cùng với đó, việc ứng dụng sản xuất GlobalGAP giúp nâng cao chất lượng, hướng tới xuất khẩu trong thời gian tới”, Giám đốc HTX Trần Văn Bá cho hay.
Đáng chú ý, trong những năm gần đây, bên cạnh bán trái tươi, các HTX đã chủ động định hướng thành viên, nông dân liên kết trồng khóm theo chuẩn VietGAP, hữu cơ, nhằm xây dựng các vùng khóm an toàn sinh thái, từ đó thu hút khách du lịch tới tham quan, trai nghiệm.
Đến với các vùng trồng khóm chủ lực ở Hậu Giang hiện nay như Hỏa Tiến, Tân Tiến..., khách du lịch có thể tận mắt ngắm nhìn, “check in” với những cánh đồng khóm xanh mát, bình dị. Du khách cũng có thể tự mình thực hành các khâu chăm sóc, thu hái khóm.
Đặc biệt, thực khách gần xa có thể thưởng thức không chỉ trái khóm tươi đậm vị ngọt, thanh mát, mà còn có những thức quà khác từ khóm như củ hủ khóm, mứt khóm, kẹo khóm, nước màu khóm đến bánh xèo nhân củ hủ khóm, món nào cũng chinh phục thực khách gần xa..., món nào cũng ngon “nức nở”, chinh phục mọi vị khách khó tính nhất.
“Chắp cánh” thương hiệu
Là thành viên trong Làng du lịch Cánh đồng khóm Cầu Đúc, anh Huỳnh Đức Phong (ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến) cho hay: “Lúc đầu chưa hiểu nhiều về du lịch nên tôi hơi sợ vì nghĩ du lịch là gì đó quá cao xa, phải có kinh tế nhiều, sau được HTX hướng dẫn rồi mình bắt tay vào làm, chủ động trồng rải vụ cho trái quanh năm đón du khách”.
Có thể nói, trải qua bao thăng trầm, cây khóm Cầu Đúc đã bén rễ và xanh tốt suốt gần 100 năm nơi vùng đất Vị Thanh, Long Mỹ... “Nói chung, nhờ cây khóm, dân hầu như bây giờ thoát nghèo hết, giá khóm hiện nay thấp nhất cũng từ 8 nghìn đến 10 - 11 - 12 nghìn đồng/trái. Bèo thì mỗi năm, người trồng khóm có thể thu về trên 100 triệu đồng lời”, anh Phong nói.
Hậu Giang hiện có khoảng 3.000 ha trồng khóm, tập trung tại TP Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Riêng TP Vị Thanh trồng khoảng 2.700ha với giống khóm Queen và đã xây dựng thành công thương hiệu khóm Cầu Đúc.
Khóm là một trong loại nông sản chủ lực theo chương trình phát triển nông nghiệp tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu đến năm 2025, diện tích trồng khóm 3.500ha, sản lượng 45.000 tấn/năm.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất khóm trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo các HTX, nông dân quan tâm đến khâu chọn giống, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật để thích ứng với hạn hán, giảm tác động tiêu cực lên môi trường.
Bên cạnh đó, các hộ trồng khóm cần tích cực thực hiện kiểm tra định kỳ để quản lý sinh vật gây hại, trồng mới thay thế hoặc trẻ hóa diện tích khóm đã bị già cỗi, hiệu quả kinh tế kém, kết hợp với áp dụng các biện pháp chăm sóc, xử lý cho cây ra trái rải vụ để bán được giá cao, tăng thêm thu nhập.
Đặc biệt, các địa phương cần đồng hành cùng HTX, nông dân xây dựng và phát triển loại hình “du lịch cộng đồng” phục vụ các món ăn chế biến từ khóm nhằm thu hút du khách, quảng bá thương hiệu khóm Cầu Đúc Hậu Giang và tăng thu nhập cho nông dân.
Để tăng cường kết nối tiêu thụ giúp đảm bảo đầu ra cho nông sản, trước hết nông dân phải tham gia, thành lập các HTX, sản xuất theo vùng tập trung, quy mô lớn để có được sản lượng lớn, sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP…) nhằm nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm...
Song Ngư