Vụ năm 2024 này, toàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 32.000 ha sầu riêng, vượt xa con số thống kê giữa năm 2023 là 22.458 ha, giữ vị trí là tỉnh trồng sầu riêng lớn nhất cả nước. Sản lượng tăng nhanh đang khiến giới chuyên gia lo ngại giá sầu riêng sẽ không giữ được ở mức cao như kỳ vọng.
Giàu nhanh nhờ “trái cây vua”
Buôn Hồ là một trong những vùng trồng sầu riêng lớn nhất ở Đắk Lắk, sau vụ mùa năm 2023 trúng đậm, các HTX, hộ trồng sầu riêng trên địa bàn thị xã đang đặt nhiều kỳ vọng sẽ có một vụ mùa bội thu nữa vào tháng 8 tới. Ngay từ thời điểm này, các vùng trồng lớn đã bắt đầu nhộn nhịp.
Sở hữu vườn sầu riêng hơn 5.000m2, anh Võ Minh Hưng, thị xã Buôn Hồ, cho hay năm nay gia đình anh tiếp tục duy trì diện tích như năm ngoái với khoảng 85 cây sầu riêng Thái, năng suất đạt 1,4-1,8 tạ/cây, nếu không có biến động bất thường thì sẽ thắng lớn.
Vụ sầu riêng tại Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng... sẽ lần lượt bước vào chính vụ trong thời gian tới. |
Còn khoảng 1 tháng nữa, vườn sầu riêng của gia đình anh Hưng mới vào chính vụ thu hoạch (vụ sầu riêng ở Đắk Lắk kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10), song đã có thương lái vào tận vườn liên hệ thu mua với giá 80.000 đồng/kg. Giá bán tăng, anh Hưng và các hộ trong vùng khấp khởi mừng.
“Nếu giá ổn định như hiện tại, năm nay nhà tôi có thể thu về trên 600 triệu đồng, cao hơn năm ngoái khoảng 100 triệu đồng. Sầu riêng được giá nên chúng tôi “sống khỏe”, các hộ trồng sầu riêng giờ cũng không còn nghèo, rất nhiều hộ khá giả, giàu có”, anh Hưng tâm sự.
Cũng đặt nhiều kỳ vọng vào vụ sầu riêng năm 2024 đang cận kề, Giám đốc HTX nông nghiệp Buôn Hồ Bùi Thành Huỳnh cho biết, HTX hiện có 27 thành viên chính thức và liên kết với hơn 80 hộ dân, tổng diện tích canh tác gần 200 ha sầu riêng.
Kể từ năm 2022 đến nay, khi thị trường Trung Quốc mở toang cánh cửa nhập khẩu sầu riêng, hầu như các hộ thành viên, nông dân liên kết của HTX ai cũng “trúng”. Hộ ít thì thu vài trăm triệu đồng, hộ nhiều thì vài tỷ đồng, cuộc sống từ đó cũng khấm khá hơn, không còn bị cái nghèo đeo bám.
Từ vụ trước đến vụ này, theo vị đại diện HTX, tình trạng thương lái, doanh nghiệp vào tận vườn để liên hệ, chào mời rất nhiều. HTX đang liên kết với hàng loạt doanh nghiệp nhằm có sự hỗ trợ bền vững về kỹ thuật, tiêu thụ sầu riêng. Tuy nhiên, một số hộ quyết định ký hợp đồng bán cho thương lái.
Sản xuất sạch để tăng cạnh tranh
Nếu như các hộ trồng sầu riêng ở Đắk Lắk phải chờ thêm khoảng 1 tháng nữa, thì tại Gia Lai vụ mùa đã bắt đầu từ đầu tháng 6. Tại các vùng trồng sầu riêng lớn của tỉnh như Chư Prông, Ia Grai, Chư Păh… thương lái đổ xô đến các nhà vườn để chào giá cao.
Hiện, các vựa đóng hàng xuất khẩu tại Gia Lai thông báo giá sầu riêng Monthong (Dona) loại 1 dao động khoảng 82.000 - 84.000 đồng/kg, loại 2 giá 64.000-72.000 đồng/kg, sầu riêng Ri 6 loại 1 giá trên dưới 60.000 đồng/kg, loại 2 giá 45.000-50.000 đồng/kg.
Ông Châu Văn Hận, một hộ trồng sầu riêng có tiếng ở xã Ia Bang, huyện Chư Prông, cho hay năm nay tiếp tục là một vụ mùa được mùa, trúng giá của người trồng sầu riêng tại địa phương. Với sản lượng dự kiến trên dưới 35 tấn, gia đình ông có thể thu về khoảng 2,2-2,4 tỷ đồng lợi nhuận.
Nông dân các tỉnh Tây Nguyên đang kỳ vọng thu tiền tỷ từ sầu riêng, nhưng các mối lo cũng đang hiện hữu, đặc biệt là vấn đề xuất khẩu sang thị trường tỷ dân Trung Quốc. |
Vườn sầu riêng nhà ông Hận bắt đầu thu hoạch từ hơn 2 tuần trở lại đây, giá bán ổn định trên 80.000 đồng/kg với sầu riêng Dona loại 1. Cũng giống như nhiều nhà vườn khác trong vùng, nhà ông cũng liên tục có các đoàn thương lái đến “gạ” ký hợp đồng, giá trên dưới 80.000 đồng/kg.
“Để nâng cao giá trị sầu riêng, tôi đã cất công tìm hiểu kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu khó tính, từ Á sang Âu, trong đó chủ lực là Trung Quốc”, ông Hận chia sẻ.
Đáng chú ý, cùng với nhiều hộ sản xuất sầu riêng trên địa bàn tỉnh, ông Chu Văn Hận cũng đang đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật, “ép” cây ra hoa nhiều đợt để thu hoạch rải vụ trong khoảng 50-60 ngày.
Việc kéo dài thời gian thu hoạch giúp nhà vườn không bị dồn sản lượng tiêu thụ tại một thời điểm nên giá sẽ tốt hơn, không còn lệ thuộc quá nhiều vào thương lái, dễ dẫn đến việc bị ép giá.
Tương tự, các vùng trồng sầu riêng tại Lâm Đồng cũng chuẩn bị vào chính vụ. Thành công của trái sầu riêng trong 3 năm vừa qua đã giúp nhiều nông dân thoát nghèo, làm giàu. Nhiều vùng đất được “tỷ phú hóa” khi cứ ra vườn là gặp những người có thu nhập tiền tỷ, xã Hà Lâm là một điển hình.
Như tại HTX nông nghiệp du lịch Hà Lâm, sau 3 năm liên tục thắng lớn nhờ được mùa, trúng giá, hơn 30 hộ thành viên HTX hầu như ai cũng có thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng/năm từ cây sầu riêng. Ưu thế của HTX là vừa phát triển canh tác, lại vừa làm du lịch trải nghiệm.
Nhiều hy vọng, lắm mối lo
Trái sầu riêng thành công đến mức này có thể xem là “trái cây vua” hay “cây tỷ đô”, tuy nhiên, sau thời gian dài tăng trưởng mạnh, những nỗi lo đã bắt đầu xuất hiện, trong đó chất lượng các vùng trồng và sự khó tính của thị trường “ăn” sầu riêng lớn nhất thế giới là Trung Quốc ngày càng khó tính.
Như VnBusiness đã đưa tin, chỉ trong tháng 6/2024, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đình chỉ nhập khẩu sầu riêng từ 33 nguồn của Việt Nam, bao gồm 18 vùng trồng sầu riêng và 15 nhà máy đóng gói, do phát hiện hàm lượng "kim loại nặng" quá mức trong loại quả này.
Sầu riêng Việt Nam nhận “visa chính thức” vào Trung Quốc từ năm 2021 và trở thành nguồn cung cấp lớn thứ hai vào năm 2023, chỉ sau Thái Lan. Tuy nhiên, chất lượng sầu riêng Việt Nam lại bị đặt dấu hỏi lớn khi lượng sầu riêng tăng nhanh chóng nhưng không đi kèm với kiểm soát chất lượng tốt.
Phản ứng gay gắt từ phía Trung Quốc đang khiến không ít người trồng sầu riêng ở Tây Nguyên và trên cả nước lo lắng. Nếu tình trạng ùn ứ hàng hoá ở cửa khẩu vì Trung Quốc “siết chặt” giám sát (như đầu tháng 6 vừa qua), giá sầu riêng có thể sẽ không giữ được mức cao như kỳ vọng của người dân.
Trước diễn biến thực tế, ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, nhấn mạnh cần chú ý nguy cơ mất kiểm soát nếu cứ làm ồ ạt như hiện nay. Trước hết, cần phải điều tiết được sản xuất của người nông dân, tăng cường liên kết giữa nông dân với HTX, doanh nghiệp nhằm đảm bảo cơ sở quy hoạch và quản lý quy hoạch vùng trồng, cây trồng hợp lý.
Một khi sầu riêng thu hoạch có chất lượng kém, dẫn đến những quan hệ kinh doanh bất ổn, vi phạm các hợp đồng bền vững…, bị thị trường chấm điểm xấu, cơ hội tiêu thụ sẽ bị mất. Vì vậy, ông Côn cho rằng cần củng cố lại chính nội tại hoạt động canh tác sầu riêng ở các vùng trồng cụ thể, tổ chức lại mạng lưới thu hoạch bảo quản nông sản, và thu hút thêm HTX, doanh nghiệp đầu tư chế biến chuyên sâu, từ đó bảo đảm sự phát triển bền vững cho “trái cây vua”.
Trúc Như