Anh Bùi Đức Tuyển cùng người dân thu hoạch bí đao sạch |
Chia sẻ về sở thích của mình, Tuyển kể, từ những năm còn là sinh viên đại học, anh đã rất thích làm trang trại chăn nuôi. Tuyển thường tìm sách, các chương trình hướng dẫn về chăn nuôi lợn để học hỏi kiến thức kinh nghiệm, rồi đi thực tế.
Làm giàu từ HTX
‘Thời sinh viên tôi đã tiết kiệm tiền tự bắt xe đi khắp nơi để tham quan mô hình trang trại chăn nuôi, học hỏi kinh nghiệm’, Tuyển kể.
Năm 2014, trong lúc chờ nhận bằng tốt nghiệp đại học, Tuyển nhờ bố mẹ vay 300 triệu đồng về quê mở trang trại chăn nuôi lợn. Quyết định ‘ngược đời’ của Tuyển khiến nhiều người ngạc nhiên vì người ta mất công mất sức đi học đại học để có nghề, có nghiệp trên thành phố chứ ai lại…
Tuy nhiên, quyết định của anh lại nhận được sự ủng hộ hết mình của bố mẹ. Từ một cậu sinh viên mới ra trường chân ướt, chân ráo bắt tay vào làm trang trại chăn nuôi, thời gian đầu Tuyển gặp không ít khó khăn. Do thiếu kiến thức, kinh nghiệm nên lứa lợn đầu hầu như con nào cũng bị tiêu chảy cấp, chết gần trăm con, khiến anh lao đao. Lúc này, những lời dị nghị về con đường làm ăn của Tuyển ngày càng tăng lên khiến anh không khỏi buồn chán.
Được sự động viên của người thân, Tuyển đã nhanh chóng lấy lại tinh thần, tích cực học hỏi thêm kinh nghiệm từ các mô hình khác về áp dụng vào chăn nuôi. Anh nhanh chóng khôi phục lại sản xuất và chỉ sau một năm rưỡi đã trả hết khoản nợ vay và bắt đầu sinh lãi. Tuyển lấy phần tiền lãi mua thêm đất để mở rộng trang trại và trồng thêm cây ăn quả.
Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, anh thấy rằng nếu như sản xuất nhỏ lẻ, riêng biệt thì chi phí sản xuất quá cao, khó cạnh tranh về đầu ra. Trong khi thực tế sản xuất cho thấy không ít mô hình cũng đang gặp phải khó khăn do sản xuất nhỏ lẻ như anh.
Chính vì vậy, sau một thời gian nghiên cứu và vận động những người cùng chung chí hướng muốn phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, năm 2016, HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Xuân Phúc ra đời và đăng ký hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm sạch.
Xuất phát từ những mong muốn của các thành viên trong việc mở rộng sản xuất, HTX đã mạnh dạn kết nạp thành viên, đầu tư sản xuất, tổ chức giao khoán cho các thành viên để mỗi người chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm do mình sản xuất ra.
Mỗi người một thế mạnh đã giúp HTX đa dạng sản phẩm từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt rau xanh, cây ăn quả, trong đó thế mạnh là chăn nuôi lợn và trồng cây mít thái da xanh.
Thúc đẩy kinh tế xã hội
Hiện, HTX có 500 lợn nái, 2.000 lợn thịt, 2.500 cây mít thái da xanh. HTX còn mở rộng sang chăn nuôi gà đen và phát triển du lịch nông nghiệp. Doanh thu năm 2019 của HTX đạt gần 9 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho thành viên với thu nhập khá. Không ít thành viên HTX trước đây không có việc làm, thuộc hộ nghèo giờ có thể thu nhập hàng chục và hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ liên kết sản xuất thực phẩm sạch.
Giám đốc Bùi Đức Tuyển hướng dẫn khách tham quan mô hình sản xuất của HTX |
Đặc biệt, hiện HTX Xuân Phúc cung cấp thực phẩm sạch cho 60 trường mầm non, tiểu học trên địa bàn huyện Hạ Hồi và Thanh Ba của tỉnh Phú Thọ.
‘Cung cấp thực phẩm cho trường học điều quan trọng nhất là đặt chữ tâm lên hàng đầu. Nếu làm xổi là tự đạp đổ miếng cơm của chính mình’, Tuyển chia sẻ.
Không chỉ là tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương, mô hình sản xuất của HTX Xuân Phúc do anh Bùi Đức Tuyển dẫn dắt đã góp phần không nhỏ giúp xã nâng cao chỉ tiêu kinh tế khi chuyển đổi từ sản xuất đơn lẻ sang sản xuất hàng hóa, từ đó góp phần đẩy mạnh mục tiêu xây dựng nông thôn.
Đến nay, xã đã hoàn thành 14/19 tiêu chí nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người tăng khá và đạt bình quân đầu người là 32 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6%, cận nghèo là 7%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Theo UBND xã, trong thời gian tới, xã tiếp tục tạo điều kiện để HTX Xuân Phúc phát triển, làm nền tảng nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất, từ đó góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thân cho nhân dân.
Xã phấn đấu đến năm 2025, đạt tổng thu ngân sách 20 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người trên 60 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo là 0,5 và cận nghèo 0,7%, 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế, 80 tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên và phấn đấu đến năm 2024 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Huyền Trang