Cách đây gần 20 năm, một số người dân ở thôn Ninh Yển, xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa đã đem giống tỏi Lý Sơn, Quảng Ngãi đến thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng để trồng. Thấy hiệu quả cao, nhiều người dân chuyển hướng làm theo, từ đó diện tích trồng tỏi phát triển nhanh chóng.
Sức sống mới với cây tỏi
Triển khai mô hình trồng tỏi hữu cơ từ năm 2011, anh Phan Hữu Tín, xã Vạn Hưng, hiện đang sản xuất trên tổng diện tích gần 1 ha. Được sự đồng hành của HTX tỏi Vạn Hưng, cánh đồng tỏi phát triển ổn định, kinh tế gia đình anh ngày càng được nâng lên.
Cây tỏi đang góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân (Ảnh TL). |
“Liên kết với HTX, các hộ sản xuất được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ dịch vụ đầu vào cơ bản như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, và đặc biệt là mở rộng thị trường tiêu thụ, ổn định giá bán, loại bỏ tình trạng “được mùa dội chợ”, thương lái ép giá”, anh Tín chia sẻ.
Nhờ được hỗ trợ về kỹ thuật, cánh đồng tỏi của gia đình anh Tín luôn đạt năng suất bình quân 6,5 - 7 tấn/ha, giá bán trung bình ở mức 25 - 32 nghìn đồng/kg. Với gần 1 ha sản xuất, anh Tín thu về hơn 80 triệu đồng mỗi năm, sau khi trừ chi phí.
“Nhờ có cây tỏi, tôi và rất nhiều hộ gia đình trong xã đã thoát nghèo, ổn định kinh tế, nâng cao đời sống. Đặc biệt, sự ra đời của HTX tỏi Vạn Hưng đang giúp mô hình này phát triển khoa học, có hiệu quả và nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ cơ quan chức năng”, anh Tín nhấn mạnh.
Theo đại diện HTX tỏi Vạn Hưng, toàn xã Vạn Hưng hiện có trên 150 ha trồng tỏi, tập trung ở 3 thôn Xuân Đông, Xuân Vinh và Xuân Tây. Với quy mô hiện tại, xã đang chiếm trên 70% diện tích trồng tỏi trên địa bàn huyện.
Với năng suất bình quân 7 tấn/ha, người trồng tỏi thu lãi từ 80 - 100 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, vào vụ thu hoạch, cây tỏi còn giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với việc cắt tỉa lá, phân loại, đóng bao và đưa đi tiêu thụ. Bình quân một lao động được trả từ 250 - 300 nghìn đồng/ngày.
Định hướng bền vững
Hiệu quả của mô hình trồng tỏi đang góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, thu nhập cho người dân xã Vạn Hưng.
Theo thống kê, thu nhập bình quân toàn xã Vạn Hưng hiện đạt trên 40 triệu đồng/người/năm. Trong giai đoạn 2015 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm bình quân 3 - 6%/năm, hiện còn dưới 5%.
Xã Vạn Hưng đang tập trung vào nâng cao chất lượng để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tỏi (Ảnh TL). |
Nhận thức rõ hiệu quả của mô hình trồng tỏi trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương, xã Vạn Hưng đang chủ trương phát triển sản xuất tỏi theo hướng VietGAP, hữu cơ, hướng tới xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường cho sản phẩm.
Minh chứng rõ nhất là sự ra đời của HTX tỏi Vạn Hưng vào năm 2017. Hơn 20 ha tỏi của HTX được đưa vào mô hình chuỗi, cung cấp tỏi an toàn theo chuẩn VietGAP.
Nhờ sản xuất đúng quy chuẩn, 100% diện tích tỏi của HTX đã được cơ quan chức năng chứng nhận đạt chuẩn VietGAP từ cách đây 2 năm, mở ra hàng loạt cơ hội liên kết tiêu thụ với các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch.
Hiện tại, các hộ dân ở xã Vạn Hưng cùng với chính quyền địa phương đang phối hợp nghiên cứu đem thêm các giống tỏi mới về vùng đất này, trong đó có giống tỏi voi Nhật Bản.
Hoạt động xây dựng thương hiệu và hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ tỏi cũng tiếp tục được xã chú trọng xúc tiến, triển khai.
Đại diện UBND xã Vạn Hưng cho hay, trong thời gian tới, khi đã hình thành được mô hình sản xuất tỏi tiêu chuẩn, cùng với sự đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật của người dân và sự hỗ trợ của ban ngành các cấp trong việc hình thành thương hiệu, xây dựng chuỗi giá trị, sản phẩm tỏi Vạn Hưng sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa giá trị, mang lại cuộc sống ấm no hơn cho người trồng.
Nhật Minh