10 năm qua, hàng loạt mô hình sản xuất chuyên canh quy mô lớn trên địa bàn huyện được hình thành và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, điển hình như vùng lúa nếp Gà Gáy tại các xã Mỹ Lung, Mỹ Lương; vùng chè tại các xã Ngọc Đồng, Ngọc Lập, Minh Hòa; cây quế ở Thượng Long, Trung Sơn…
Lực đẩy từ các HTX
Những chuyển biến tích cực trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của huyện Yên Lập những năm qua là kết quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó đóng góp của các HTX, tổ hợp tác có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Theo thống kê, toàn huyện đang có hơn 30 HTX hoạt động hiệu quả, trong các lĩnh vực như dịch vụ nông nghiệp, thủy lợi, thủy sản, lâm nghiệp, vệ sinh môi trường, giao thông vận tải… đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế tại địa phương.
HTX đang đóng góp quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo huyện Yên Lập (Ảnh TL). |
Điển hình, trong lĩnh vực nông nghiệp, HTX dịch vụ nông nghiệp Hưng Long (xã Hưng Long), thành lập từ năm 2013, chính thức chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 vào năm 2015, đang đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân địa phương.
Kể từ năm 2017 đến nay, HTX luôn duy trì sự phát triển ổn định, doanh thu bình quân khoảng 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm với thu nhập ổn định cho 50 thành viên và 35 lao động, mức lương trung bình đạt 3,5 – 6 triệu đồng/người/tháng.
Hay như HTX nông nghiệp hữu cơ Sơn Thủy (xã Ngọc Đồng) đang xây dựng thành công mô hình trồng nghệ, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân tại 5 xã gồm Ngọc Đồng, Đồng Thịnh, Hưng Long, Thượng Long, Mỹ Lung.
Đại diện HTX Sơn Thủy cho biết đơn vị đang triển khai mô hình trồng nghệ trên diện tích hơn 6 ha. Đã có 3 đơn vị chuyên sản xuất dược liệu ký hợp đồng liên kết và bao tiêu sản phẩm với HTX trong 5 năm (2017 - 2021) trên diện tích 20 – 50 ha.
Bên cạnh nông nghiệp, các HTX trong lĩnh vực vệ sinh môi trường của huyện cũng đang phát huy vai trò trong xoá đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đơn cử như HTX Xuân Viên (xã Xuân Viên) đang có 15 thành viên, ngoài việc thu gom xử lý rác thải sinh hoạt, HTX đang được UBND xã giao quản lý chợ nông thôn, bán vé vào chợ, trông giữ xe.
Sau gần 3 năm hoạt động, HTX Xuân Viên đã đi vào hoạt động ổn định, đảm bảo thu nhập 4 – 6 triệu đồng/người/tháng cho thành viên, người lao động.
Dấu ấn giảm nghèo bền vững
Không chỉ phát huy tốt vai trò của khu vực kinh tế hợp tác, HTX, huyện Yên Lập cũng đang triển khai hiệu quả nhiều chương trình, chính sách giảm nghèo bền vững.
Các mô hình giảm nghèo sẽ tiếp tục được huyện nhân rộng trong thời gian tới (Ảnh TL). |
Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã huy động được trên 71,5 tỷ đồng thực hiện các chương trình, dự án, hỗ trợ giảm nghèo cho người dân ở các xã.
Đại diện UBND huyện cho biết những năm qua, huyện xác định giảm nghèo là một nhiệm vụ lâu dài, cần sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, vươn lên của bản thân người dân.
Theo đó, huyện đã chủ động nâng cao vai trò của các HTX, tổ hợp tác, thu hút các doanh nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất trong nông nghiệp, qua đó gia tăng giá trị sản xuất, mở hướng thoát nghèo, làm giàu cho người dân.
Kết quả, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 21,2% năm 2016 xuống còn 10,21% vào cuối năm 2019, phấn đấu đến hết năm 2020 giảm xuống còn 7,71%. Trung bình mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 3,4%.
Trong thời gian tới, huyện Yên Lập dự kiến tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh để đa dạng nguồn thu nhập cho người nghèo, hướng đến phát triển sản xuất hàng hóa, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.
Nhật Minh