Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới với mục tiêu cốt lõi là nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho người dân, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhân dân, các HTX, diện mạo kinh tế, xã hội của huyện Phú Lương đã và đang có chuyển biến tích cực.
Nông thôn chuyển mình
Những năm qua, chương trình xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trong toàn huyện Phú Lương, góp phần tạo nên những đổi thay ngỡ ngàng. Đặc biệt, kết cấu hạ tầng từng bước được phát triển, phục vụ thiết thực cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Đến nay, toàn huyện có 12/13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 92,3%. Trong đó, nhóm 1 có 4 xã Tức Tranh, Vô Tranh, Cổ Lũng, Phủ Lý đạt chuẩn 19 tiêu chí, nhóm 2 có 8 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, riêng xã Yên Trạch thuộc nhóm 3 đạt dưới 15 tiêu chí. Bình quân trên toàn huyện đạt 17,53 tiêu chí/xã.
Quá trình xây dựng nông thôn mới ở Phú Lương đang có sự đồng thuận rất lớn từ người dân. |
Đối với thực hiện bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đến nay, toàn huyện có 3/13 xã được công nhận đạt nông thôn mới nâng cao (Vô Tranh, Tức Tranh, Cổ Lũng), 1/13 xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (xã Tức Tranh).
Trong thực hiện bộ tiêu chí đạt chuẩn đô thị văn minh, đến tháng 7/2023, thị trấn Đu hoàn thành 3/9 tiêu chí. Đối với thị trấn Giang Tiên đến hết tháng 7/2023 cũng đã hoàn thành 3/9 tiêu chí.
Tính đến tháng 7/2023, huyện Phú Lương đạt 2/9 tiêu chí, 21/36 chỉ tiêu huyện nông thôn mới. Năm 2023, huyện Phú Lương tiếp tục huy động các nguồn lực tập trung xây dựng xã Yên Trạch hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới, xã Cổ Lũng đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, xã Tức Tranh trở thành xã nông thôn mới thông minh...
Dấu ấn từ các HTX
Để có được những thành công tích cực trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, huyện Phú Lương đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị canh tác cho nông dân, với vai trò chủ lực từ kinh tế hợp tác, HTX.
Những năm qua, để tạo đà cho kinh tế hợp tác, HTX phát triển, Phú Lương đã có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực quản lý HTX cho cán bộ và thành viên, đẩy mạnh cơ giới hóa gắn với an toàn lao động, rút ngắn thủ tục đổi mới, thành lập HTX...
Kết quả là hàng loạt điểm sáng HTX được hình thành, điển hình như HTX dịch vụ và kinh doanh tổng hợp Cổ Lũng, HTX chăn nuôi động vật bản địa Phú Lương, HTX dịch vụ, chăn nuôi và trồng trọt Phấn Mễ, HTX nông nghiệp Động Đạt, HTX nông nghiệp xanh T&D Tức Tranh…
Theo thống kê, toàn huyện Phú Lương hiện có 66 HTX, trong đó có 59 HTX nông nghiệp, một số HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp hoạt động có hiệu quả, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân tại địa phương. Huyện cũng có 40 tổ hợp tác sản xuất, chủ yếu là các tổ hợp tác sản xuất chè.
Các cây trồng thế mạnh đang được huyện Phú Lương nhân rộng nhằm nâng cao đời sống cho người dân. |
Nghề trồng chè tại Khe Cốc, xã Tức Tranh đã có từ gần 60 năm trước, nhưng trước đây các hộ chủ yếu trồng, chế biến theo hình thức “mạnh ai nấy làm”. Sản phẩm chế biến xong chỉ có thể đem ra chợ địa phương để tiêu thụ, nên giá trị kinh tế không cao, đời sống người làm chè gặp nhiều khó khăn.
Với quyết tâm theo đuổi chiến lược chè sạch, nâng cao giá trị kinh tế, giúp người dân xoá đói giảm nghèo, năm 2018, ông Tô Văn Khiêm cùng với một số hộ trong xóm thành lập HTX chè an toàn Khe Cốc và chọn phương thức sản xuất chè theo hướng hữu cơ.
Khi tham gia chuyển đổi sang sản xuất chè hữu cơ, các thành viên được đào tạo hướng dẫn kỹ thuật, chuyển đổi sản xuất, như: sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo hướng sinh học. Tiến hành ủ phân chuồng hoai mục để phục vụ cho việc bón chè sau khi thu hoạch. Qua đó, cây chè sinh trưởng ổn định, năng suất bình quân 125 tạ/ha, chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên.
Kiên định mục tiêu cốt lõi
Hiện nay, HTX chè an toàn Khe Cốc có hơn 20ha chè hữu cơ, toàn bộ là chè trung du được trồng trên đồi thấp. Mỗi năm, HTX sản xuất được hàng chục tấn chè búp khô với chất lượng cao và đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, giá trị sản phẩm chè cũng được nâng lên từ 30-50% so với trước đây.
“Sau 5 năm tham gia sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam, sản lượng chè có giảm đôi chút nhưng bù lại chất lượng tăng gấp đôi. Do đó, giá chè cũng tăng gấp đôi nên bà con HTX rất yên tâm sản xuất. Trong thời gian tới, HTX phấn đầu mở rộng diện tích chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam lên 55 ha”, ông Tô Văn Khiêm cho hay.
Theo UBND huyện Phú Lương, mục tiêu cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương là tập trung nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, phát triển kinh tế, xã hội bền vững.
Kiên định với mục tiêu đó, cùng với thúc đẩy vai trò của các HTX, huyện đã đồng loạt triển khai nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là đầu tư cho nông nghiệp sạch, an toàn theo hướng hữu cơ, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn, từ đó tăng thu nhập người dân một cách bền vững.
Giai đoạn 2022-2025, huyện Phú Lương đề ra mục tiêu có 13/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đồng thời có thêm 34 xóm đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu đạt huyện nông thôn mới trong năm 2024.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên, huyện Phú Lương đề ra 5 giải pháp trọng tâm, gồm: Tiếp tục tập trung chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, liên tục, đồng bộ và huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cả hệ thống chính trị và người dân hiểu rõ; Thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên địa bàn huyện; Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, số hóa OCOP; Đa dạng hóa việc huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của các doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là cần thiết”.
Mỹ Chí
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 -2025 |