Thanh Ba là huyện trung du miền núi của tỉnh Phú Thọ, thời gian qua, huyện luôn xác định phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội là khâu đột phá, tạo động lực cho sản xuất. Đến nay, sau những nỗ lực không biết mệt mỏi, huyện đã có 18/18 xã về đích, hoặc cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới.
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã và đang chú trọng nâng cấp hệ thống giao thông đi lại, đồng thời được người dân tại các xã, thị trấn tích cực hưởng ứng, tham gia. Nhiều hộ chủ động hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc, đóng góp tiền, ngày công lao động để làm đường.
Với sự đồng lòng của cả người dân và chính quyền, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đã có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư, tạo liên kết vùng. Các đường trục chính nội đồng, công trình thủy lợi đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, giao thông và giao thương của người dân.
Cơ sở hạ tầng huyện Thanh Ba ngày càng hoàn thiện trong quá trình xây dựng nông thôn mới (Ảnh: BPT) |
Bên cạnh giao thông, huyện cũng đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng khác như hệ thống lưới điện, y tế, giáo dục,... Đặc biệt, trong năm 2023, huyện tiếp tục thực hiện khâu đột phá về đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá ứng dụng công nghệ cao, hình thành chuỗi giá trị.
Cụ thể, ngành nông nghiệp huyện đã chủ động phát huy thế mạnh từng địa phương để xây dựng các vùng nông nghiệp quy mô lớn. Đẩy mạnh hỗ trợ nông dân, thu hút các HTX, doanh nghiệp đầu tư, nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến.
Trong đó, huyện đã và đang đẩy mạnh lồng ghép hỗ trợ, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua các chương trình, dự án, từ đó từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi liên kết bền vững với nòng cốt là các HTX nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề.
Đến nay, trên địa bàn huyện ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu, mang lại hiệu quả vượt trội, điển hình như mô hình trồng bưởi công nghệ cao tại xã Đông Thành, trồng rau theo công nghệ Israel tại xã Thanh Hà, liên kết sản xuất chuối tại xã Đỗ Sơn, cây gai xanh AP1 tại xã Hoàng Cương…
Đổi mới, sáng tạo trong sản xuất
Một trong những điển hình thành công nhờ nông nghiệp thông minh trên địa bàn huyện Thanh Ba thời gian qua là mô hình trồng bưởi ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, đo khí tượng ở xã Đông Thành.
Mô hình trồng bưởi ở Đông Thành đang gây nhiều chú ý không chỉ bởi hiệu quả kinh tế vượt trội, bình quân 200-350 triệu đồng/ha/năm, mà còn nhờ tính ưu việt, lợi ích cho môi trường như tiết kiệm nước, giảm thiểu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật độc hại...
Theo người trồng bưởi ở Đông Thành, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất tuy số vốn ban đầu bỏ ra lớn hơn nhưng sẽ tiết kiệm khoản lớn chi phí nhân công, chủ động về chất lượng sản phẩm.
Từ khi đưa hệ thống tưới nhỏ giọt vào sản xuất, cây trồng được tưới một lượng nước, phân bón vừa đủ, thuận lợi cho quá trình sinh trưởng. Dù không có mặt trực tiếp tại khu vực sản xuất, việc chăm sóc cây bưởi vẫn được thực hiện tốt nhờ hệ thống giám sát.
Hiệu quả sản xuất nông nghiệp là chìa khóa xây dựng nông thôn mới ở Thanh Ba (Ảnh: BPT). |
Kết quả từ thực tế chứng minh hầu hết các mô hình có ứng dụng công nghệ cao, sản xuất thông minh trên địa bàn huyện Thanh Ba đều đang cho giá trị kinh tế ổn định. Đáng chú ý, để nâng cao hiệu quả, huyện đang tăng cường hoạt động của các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp, đến nay, toàn huyện có trên 30 HTX, hàng chục tổ hợp tác hoạt động hiệu quả và nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Điển hình, hoạt động trên phạm vi toàn xã, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đông Thành đang thu hút xấp xỉ 600 hộ thành viên tham gia, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Ông Vi Văn Giao - đại diện HTX Đông Thành, cho biết: “HTX đã và đang phối hợp chặt chẽ với Trạm bảo vệ thực vật của huyện, tổ khuyến nông của xã để làm tốt công tác dự thính, dự báo, phòng trừ sâu bệnh, tập huấn kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi, bảo đảm ổn định sản xuất cho người dân”.
Nhiều năm qua, HTX Đông Thành đã tích cực đẩy mạnh nâng cao trình độ quản lý cho đội ngũ cán bộ, đồng thời, liên tục mở các buổi tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức sản xuất an toàn, khoa học cho các hộ thành viên.
Sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn, máy móc và công nghệ là những điều kiện bắt buộc. Do đó, HTX luôn có một đội ngũ vận hành máy chuyên nghiệp, có trình độ cao, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân địa phương.
Nâng chất nông thôn mới
Ông Hà Anh Tuấn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện, cho biết: “Thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ có trọng tâm, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương để xây dựng nông thôn mới. Phong trào đã thu hút sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân”.
Đáng chú ý, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện về phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, kết quả đã phát triển được ngày càng nhiều mô hình sản xuất ở lĩnh vực nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, huyện tập trung chỉ đạo phát triển các sản phẩm theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay toàn huyện có 19 sản phẩm OCOP, gồm có 12 sản phẩm 4 sao, 7 sản phẩm 3 sao, trong đó có một sản phẩm 4 sao đang trình Trung ương chấm hạng 5 sao là chè búp tím - sản phẩm đặc trưng, độc đáo và quý hiếm của địa phương...
Thu nhập bình quân đầu người trên toàn huyện đến hết năm 2022 đạt 45,5 triệu đồng/người, giá trị sản phẩm bình quân/ha đất canh tác nông lâm nghiệp và thủy sản đạt 110 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 5%, tỉ lệ đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa đạt 71%...
Thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, đến nay có 18/18 xã đạt các tiêu chí về quy hoạch nông thôn mới, kinh tế, tổ chức sản xuất, giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn. Phấn đấu cuối năm 2023, huyện có thêm hai xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, gồm Đông Thành và Chí Tiên và huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Mỹ Chí