Ngành trồng trọt huyện Tri Tôn đang có chuyển biến mạnh mẽ |
Mở rộng sản xuất
Số liệu thống kê của UBND huyện Tri Tôn cho thấy, năm 2019, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện ước đạt 113.105ha, đạt 102,04% so với kế hoạch và tăng 2,65% so cùng kỳ 2018 (tăng 2.921 ha). Trong đó, diện tích lúa đạt 108.914ha (tăng 2.607 ha so cùng kỳ), hoa màu các loại đạt 4.191ha (tăng 314 ha).
Nhờ sản xuất an toàn, chú trọng đổi mới kỹ thuật, ATLĐ, áp dụng quy trình sản xuất sạch, năng suất các loại cây trồng trên địa bàn đều có sự tăng trưởng tích cực, trong đó năng suất lúa bình quân cả năm 2019 ước đạt 5,75 tấn/ha, sản lượng 626.693 tấn, tăng 26.245 tấn so với năm 2018.
Hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những thành công lớn nhất của huyện trong năm 2019. Khi cây lúa đã phát triển đến độ bão hòa về cả diện tích, thị trường, huyện Tri Tôn đã khuyến khích người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây có giá trị cao hơn, được thị trường ưa chuộng, như cây ăn quả, cây lâm nghiệp…
Nhờ sự đầu tư đúng hướng, huyện đã nâng tổng diện tích cây ăn trái toàn địa bàn lên 1.113 ha, tăng 95ha so năm 2018, gồm nhiều loại cây giá trị kinh tế cao như xoài, chuối cấy mô, cây có múi, mãng cầu ta, dừa, bơ, sầu riêng, nhãn idor…
Huyện đã hình thành vùng trồng xoài VietGap gắn với ATLĐ trên diện tích 60ha tại xã Lê Trì; UBND tỉnh đã công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Vifaba của công ty Vĩnh Phát (trồng chuối cấy mô).
Tri Tôn còn phát triển trên 131ha trồng dược liệu, gồm: các loại tần dày lá (17ha), đinh lăng (18,83ha), nghệ vàng (18,7ha), nhàu (67,2ha), cà gai leo (9,3ha) và các loại khác như: sâm đất, thiềng liềng đen, đu đủ lấy mủ...
Huyện sẽ chú trọng sản xuất an toàn |
Chú trọng an toàn
Để có được những thành công ấn tượng trong năm 2019, huyện Tri Tôn đã có những chính sách hỗ trợ thiết thực để nông dân phát triển sản xuất an toàn cũng như ứng phó với diễn biến khô hạn, thiếu nước tưới, xâm nhập mặn.
Năm 2019, huyện Tri Tôn đã triển khai thi công 115 công trình thủy lợi với tổng mức đầu tư 70,43 tỷ đồng. Các công trình đang triển khai quyết liệt để hoàn thành đúng tiến độ. Huyện triển khai thực hiện Dự án VnSAT tại 6 xã với 1.147 hộ nông dân tham gia trên diện tích khoảng 5.000ha.
Ông Đỗ Minh Trí – Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, cho biết: “Bên cạnh sự đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, sản xuất an toàn, chú trọng ATLĐ, khoa học – kỹ thuật là một trong những nhân tố trọng điểm giúp ngành trồng trọt của huyện vượt qua khó khăn, duy trì được đà tăng trưởng”.
Đơn cử, những năm qua, huyện đã tổ chức 28 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất “1 phải, 5 giảm”, nâng cao kiến thức về ATLĐ cho 883 nông dân; xây dựng 8 mô hình trình diễn về sản xuất lúa “1 phải, 5 giảm” với diện tích 2ha/mô hình, giúp người dân tiếp cận với phương thức sản xuất an toàn, đảm bảo ATLĐ, vệ sinh thực phẩm.
Khu vực kinh tế hợp tác, HTX cũng đang được huyện chú trọng. Huyện đang có 8 HTX đang hoạt động, trong đó 7 HTX nông nghiệp và 1 HTX giao thông vận tải; có 34 tổ hợp tác và 23 trang trại (gồm 2 trang trại tổng hợp, 14 trang trại trồng trọt, 7 trang trại chăn nuôi).
“HTX sẽ là nhân tố quan trọng để huyện phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng trọt theo hướng hiện đại gắn với ATLĐ, qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, khơi thông thị trường, gia tăng thu nhập, đảm bảo sức khỏe cho người nông dân”, ông Đỗ Minh Trí nhấn mạnh.
Sáu Ngạn