Liên Mạc đang phát huy lợi thế mô hình trồng ổi |
Phát huy lợi thế
Nằm trên địa bàn huyện Thanh Hà, địa phương được mệnh danh là “thủ phủ” vải thiều của tỉnh Hải Dương, xã Liên Mạc trước đây cũng phát triển mạnh mô hình trồng vải thiều.
Tuy nhiên, kể từ những năm 1990, khi cây vải thiều không cho thấy sự thích hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương, nhiều hộ dân Liên Mạc đã bắt đầu chuyển sang mô hình trồng ổi.
Ông Mạc Văn Mạo – Giám đốc HTX nông nghiệp xã Liên Mạc, cho biết: “Ban đầu, các hộ trồng ổi chủ yếu triển khai giống ổi bo sần Thái Bình, sau đó chuyển sang giống ổi Thái Lan và đến nay triển khai đồng thời cả hai để đáp ứng nhu cầu thị trường”.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, những năm gần đây, các hộ trồng ổi đã bắt đầu ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật mới, chú trọng sản xuất an toàn, ATLĐ, vệ sinh thực phẩm trong quá trình canh tác, nhằm nâng cao năng suất, mẫu mã, chất lượng cho quả ổi.
“Sự thay đổi về thói quen sản xuất từ nhỏ lẻ sang tập trung, chú trọng ATLĐ, tuân thủ quy trình VietGAP giúp người dân tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị kinh tế của quả ổi, đồng thời giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất”, ông Mạc Văn Mạo nhấn mạnh.
Không chỉ trồng ổi thuận mùa, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Liên Mạc còn học hỏi kỹ thuật để trồng ổi trái vụ, ổi bốn mùa, từ đó giảm thiểu tình trạng “được mùa mất giá”, nâng cao giá trị sản xuất.
Có thời gian gần 20 năm gắn bó với cây ổi, chị Nguyễn Thị Hội (thôn Mạc Thủ 1) cho biết: “Gia đình tôi đang có hơn 1 mẫu ổi, nhiều năm qua, cây ổi trở thành cây kinh tế chính. Nhờ sản xuất an toàn, chú trọng khoa học – kỹ thuật, ATLĐ, vườn ổi nhà tôi cho thu nhập bình quân 65 – 80 triệu đồng/năm”.
Theo chị Hội, thay đổi lớn nhất của các mô hình trồng ổi hiện tại là phương thức sản xuất hiện đại hơn, cơ giới hóa được đẩy mạnh, người trồng ổi không cần vất vả “chân lấm tay bùn” như trước mà đầu tư nhiều hơn để nâng cao kiến thức, kỹ thuật, khả năng sử dụng máy móc…
Nhờ sản xuất an toàn, ổi Liên Mạc có chất lượng vượt trội |
Nâng tầm thương hiệu
Cây ổi đang cho thấy tiềm năng rất lớn tại Liên Mạc. Theo người trồng ổi địa phương, nếu chăm sóc tốt, tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP, ATLĐ, cây ổi có thể cho thu hoạch từ 5 - 7 năm.
Thu lãi gần 80 triệu đồng từ trồng ổi trong năm 2019, ông Phạm Văn Hậu (thôn Văn Mạc) cho hay: “Cây ổi cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lương thực truyền thống (lúa, ngô, sắn…) từ 30 - 50%. Đặc biệt, việc phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với ATLĐ giúp người dân mang lại lợi ích kép về kinh tế và sức khỏe”.
Với những hiệu quả đang có, xã Liên Mạc đang thực hiện nhiều chính sach để phát triển mô hình trồng ổi theo hướng hiện đại gắn với ATLĐ. Hiện, toàn xã đang có khoảng 500 ha trồng ổi, trong đó trên 125 ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, với tiêu chuẩn cao về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm.
Nhiều vùng trồng ổi đang hình thành liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán cao cho người dân. Các HTX, tổ hợp tác, nhóm sở thích cũng đang tích cực hoạt động, trở thành điểm tựa cho các hộ trồng ổi phát triển sản xuất an toàn, hiệu quả.
Anh Dương Văn Nam – Giám đốc HTX nông nghiệp sạch Nam Vũ, chia sẻ: “Hiện, bình quân mỗi tháng, HTX đang cung cấp 8 tấn ổi cho siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. Nhờ sản xuất an toàn, thương hiệu ổi Liên Mạc ngày càng được khẳng định, thu hút sự chú ý của nhiều đối tác lớn”.
Mộc Miên