Các mô hình trồng trọt theo hướng an toàn đang được tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh đầu tư |
Nâng chất trồng trọt
Những năm qua, chuyển biến trong công nghiệp, dịch vụ, du lịch khiến diện tích đất canh tác nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, nhờ việc thay đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, chú trọng sản xuất an toàn, sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn đem lại hiệu quả tích cực cho người nông dân.
Không ít hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh trở nên giàu có nhờ đầu tư quy mô lớn và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào trồng trọt. Bên cạnh cây lúa, một số loại cây ngắn ngày như ngô ngọt, dưa chuột, dưa lê, bí đỏ, khoai tây… đã trở thành cây trồng chính ở một số địa phương như Tam Dương, Bình Xuyên, Yên Lạc…
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, tỉnh Vĩnh Phúc đã dành nhiều nguồn lực để đẩy mạnh cơ giới hóa. Đơn cử, trong năm 2019, tỉnh đã dành hơn 11 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân mua các loại máy nông nghiệp như máy làm đất, máy cấy, máy gặt đập liên hợp, máy thái cỏ, máy nghiền, trộn thức ăn chăn nuôi…
Cơ giới hóa giúp người sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, giảm chi phí, công lao động, gia tăng hiệu quả kinh tế. Ví dụ, một chiếc máy làm đất có thể giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế lên hơn 2,5 triệu đồng/ha so với phương thức truyền thống.
Đặc biệt, trong quá trình cơ giới hóa, yếu tố ATLĐ được cơ quan chức năng tỉnh đặt lên hàng đầu. Cụ thể, khi hỗ trợ máy móc, thiết bị cho người dân, các cán bộ chuyên trách còn đóng vai trò là người thẩm định chất lượng máy và hướng dẫn nông dân vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa… đảm bảo an toàn, hiệu quả cao nhất trong quá trình canh tác.
Xu hướng nông nghiệp hữu cơ gắn với ATLĐ cũng đang được tỉnh Vĩnh Phúc chú trọng mở rộng. Đến nay, hàng loạt vùng trồng rau an toàn, các mô hình canh tác đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP đã được hình thành ở Vĩnh Phúc. Nhờ sản xuất an toàn, chất lượng nông sản tăng lên, người nông dân không còn phải lo lắng về thị trường tiêu thụ.
Các mô hình chăn nuôi cũng sẽ được tỉnh đầu tư phát triển theo hướng hàng hóa gắn với ATLĐ |
Hoàn thiện chăn nuôi
Cùng với trồng trọt, chăn nuôi cũng được xác định là một ngành mũi nhọn của Vĩnh Phúc trong những năm qua. Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí mua máy móc, thiết bị chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm, Vĩnh Phúc khuyến khích các hộ chăn nuôi sử dụng chính các sản phẩm trồng trọt tại địa phương để vừa thúc đẩy trồng trọt, vừa góp phần hạ giá thành sản phẩm chăn nuôi.
Bên cạnh đó, người chăn nuôi được hướng dẫn và chuyển giao quy trình chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng; mô hình chăn nuôi phù hợp với từng vùng và từng loài vật nuôi cũng như các biện pháp xử lý chất thải để bảo vệ môi trường.
Một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn theo phương thức chăn nuôi công nghiệp, đạt tiêu chuẩn VietGAP, với các tiêu chuẩn cao về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm, môi trường… đã hình thành ở nhiều địa phương như chăn nuôi gia cầm ở Tam Đảo, Tam Dương, chăn nuôi bò sữa ở Vĩnh Tường, chăn nuôi lợn ở Lập Thạch…
Nhờ chăn nuôi an toàn, hiệu quả, đến nay, tổng đàn gia súc, gia cầm của Vĩnh Phúc đạt trên 11 triệu con, với năng suất, sản lượng không ngừng gia tăng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo ATLĐ cho người chăn nuôi.
Hưng Nguyên