Thanh long đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Mang Thít (Ảnh Tư liệu) |
HTX khẳng định vai trò
Tại Vĩnh Long, ông Võ Văn Thạch là người đầu tiên đưa thanh long ruột đỏ, giống H.14 về trồng trên đất An Phước (huyện Mang Thít), cách đây hơn 10 năm với diện tích 3 ha.
Ông Thạch cho biết nếu trồng đúng cách, sau 8 - 10 tháng, cây thanh long ruột đỏ có thể cho trái và mỗi năm thu hoạch khoảng 7 - 8 lần.
Vụ thanh long ruột đỏ vừa qua, sản lượng thanh long của gia đình ông Thạch đạt hơn 30 tấn/ha. Giá thị trường dao động mức 20.000 - 40.000 đồng/kg, sau khi trừ hết các chi phí, ông thu lời gần 400 triệu đồng/ha.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Mang Thít, toàn huyện hiện có trên 70 ha thanh long, chủ yếu là thanh long ruột đỏ. Nhiều nhất là ở các xã An Phước, Chánh An, Mỹ Phước…
Để định hướng cho người dân sản xuất thanh long theo hướng bền vững, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường sinh thái, huyện đã thành lập được 3 tổ hợp tác sản xuất thanh long ở 2 xã An Phước và Hòa Tịnh.
“Bên cạnh hoạt động hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác tại địa phương, tỉnh còn hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, tổ chức cho nông dân tham quan ở các HTX sản xuất thanh long ở Long An.Từ đó, nhiều người đã mạnh dạn đầu tư, nhất là đầu tư để xử lý cho ra trái nghịch vụ, cho thu nhập cao”, đại diện Phòng NN&PTNT huyện Mang Thít cho hay.
Đặc biệt, dưới sự dẫn dắt của HTX, phần lớn nông dân trồng thanh long đã áp dụng sản xuất VietGAP, với các tiêu chuẩn cao về vệ sinh thực phẩm, môi trường sinh thái.
Đơn cử, trong quá trình sản xuất, người dân không dùng hóa chất độc hại, ưu tiên phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học…
Cần thúc đẩy vai trò HTX, chú trọng khoa học - kỹ thuật để đảm bảo hiệu quả bền vững (Ảnh TL) |
Phát triển bền vững
Theo kinh nghiệm của nhiều nhà vườn, thanh long là một trong những loại cây dễ trồng và dễ chăm sóc. Đặc biệt, trái thanh long phù hợp với nhiều loại đất và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, muốn thanh long cho năng suất cao, chất lượng trái bảo đảm, người trồng phải nắm vững kỹ thuật, nhất là về giống, phân, nước và cách chăm sóc.
Ông Võ Văn Đồng (ấp Thanh Thủy, xã An Phước, huyện Mang Thít) đang sở hữu khu vườn gần 6.000m2, với 600 gốc thanh long ruột đỏ 2 năm tuổi. Mỗi năm, khu vườn của gia đình ông cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng.
Theo ông Đồng, trong bối cảnh thị trường ngày càng khó, việc từ bỏ lạm dụng thuốc hóa học để theo đuổi sản xuất sạch, ứng dụng khoa học – kỹ thuật là đòi hỏi tất yếu để phát triển bền vững.
“Việc đổi mới phương thức sản xuất, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP giúp người trồng thanh long gia tăng chất lượng, từ đó đảm bảo giá bán cao, đồng thời mang lại những lợi ích lớn về môi trường sinh thái, ngâng cao sức khỏe”, ông Đồng nhấn mạnh.
Đặc biệt, hiện ông Đồng cũng là Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất thanh long ở xã An Phước, tổ có 12 thành viên với khoảng 5ha diện tích canh tác thanh long theo chuẩn VietGAP.
Ngoài việc kinh nghiệm canh tác của từng người thì các công nghệ, kỹ thuật khác đều được các thành viên của tổ hợp tác chia sẻ, áp dụng giống nhau. Từ đó, chất lượng trái thanh long của tổ hợp tác tương đối đồng đều, rất được lòng đối tác.
Nhận thấy vai trò của liên kết sản xuất lớn, những năm qua, huyện Mang Thít đã đẩy mạnh xây dựng vùng chuyên canh cây thanh long.
Đồng thời vận động bà con nông dân vào tổ hợp tác, HTX để dễ quản lý, tìm đầu ra và xây dựng thương hiệu. Nếu tiếp tục được hỗ trợ, các HTX, tổ hợp tác sẽ là đầu tàu dẫn dắt người nông dân từ bỏ sản xuất nhỏ lẻ, tiến tới sản xuất lớn, đảm bảo giá trị bền vững.
Hưng Nguyên