Mít siêu sớm đang có tiềm năng trở thành "cây làm giàu" cho nông dân Vĩnh Long (Ảnh Tư liệu) |
Hiệu quả nhờ sản xuất hữu cơ
Đang chuẩn bị đưa cây mít giống xuống 2,2 ha ruộng mà vụ trước trồng khoai lang, anh Ngô Văn Lành, xã Thành Trung, huyện Bình Tân cho biết, gia đình anh bắt đầu trồng mít Thái siêu sớm từ đầu năm 2018, các diện tích đang phát triển ổn định và cho năng suất cao.
“Mít dễ trồng và dễ chăm sóc, giá khoảng 10.000 đồng/kg cũng có lời. Hiện, tôi trồng với mật độ khoảng 130 cây/công. Dự tính cây 16 tháng tuổi sẽ có trái, 20 tháng sẽ thu hoạch vụ đầu. Tôi sẽ sản xuất theo hướng hữu cơ, kết hợp lấy lá mít để nuôi dê an toàn sinh học, vừa nâng cao năng suất vừa bảo vệ môi trường", anh Lành nói.
Anh Nguyễn Tấn Phúc, ngụ xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, cho biết gia đình anh có 8 công mít Thái hơn 7 năm tuổi trồng theo mô hình sử dụng phân sinh học có lợi cho môi trường để tạo ra sản phẩm an toàn.
Nhờ sản xuất sạch, sản phẩm sau thu hoạch của anh Phúc được HTX nông nghiệp sinh học Thành Lợi (xã Thành Lợi, huyện Bình Tân) bao tiêu theo giá thị trường. Nhờ vậy, 2 năm trở lại đây, sản xuất của gia đình anh luôn ổn định đầu ra và tránh được tình trạng thương lái ép giá vào thời điểm thu hoạch rộ.
Ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc HTX nông nghiệp sinh học Thành Lợi cho biết HTX đang tiến hành liên kết sản xuất và bao tiêu đầu ra cho nông dân trồng mít Thái theo hướng an toàn sinh học tại Vĩnh Long với diện tích khoảng 100ha, tại Kiên Giang khoảng 300ha.
“Để hỗ trợ nông dân, HTX sẽ bán chịu 50% chi phí cây giống và vật tư nông nghiệp cho bà con tham gia mô hình và thu mua sản phẩm theo giá thị trường vụ đầu tiên, giá cố định vụ thứ hai. Nếu giá thị trường xuống thấp hơn 10.000 đồng/kg, chúng tôi cam kết thu mua cho bà con giá 10.000 đồng/kg”, ông Phú cho hay.
Các HTX, tổ hợp tác sẽ là điểm tựa để nông dân trồng mít siêu sớm phát triển đúng hướng (Ảnh TL) |
Đẩy mạnh kết nối thị trường
HTX nông nghiệp sinh học Thành Lợi thành lập từ năm 2017, hiện có khoảng 30 thành viên với diện tích canh tác gần 100ha, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Bình Tân và thị xã Bình Minh.
Hiện, 100% thành viên của HTX nắm vững quy định về sản xuất an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái. Sản xuất khoa học giúp HTX vừa tạo sản phẩm sạch, giữ được thị trường lớn, vừa bảo vệ sức khỏe cho thành viên.
Thành công của hàng chục thành viên, hộ liên kết của HTX Thành Lợi cho thấy mít Thái có thể trở thành “cây làm giàu” nếu được tổ chức khai thác tốt từ chất lượng sản phẩm.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, diện tích trồng mít siêu sớm trên địa bàn tỉnh đang tăng nhanh kể từ cuối năm 2018 đến nay. Ước tính trên địa bàn tỉnh hiện đã có hơn 523 ha mít.
Chỉ riêng ở huyện Bình Tân trong 3 tháng đầu năm nay, nông dân đã trồng mới hơn 60ha, huyện Trà Ôn gần 40ha, thị xã Bình Minh hơn 30ha… Ngoài chuyển đổi trên diện tích vườn kém hiệu quả, nhiều hộ còn thuê đất ruộng để trồng mít.
Trong bối cảnh diện tích gia tăng, để giảm áp lực thị trường, đảm bảo giá trị cho sản phẩm, các địa phương bên cạnh kiểm soát tốt về diện tích, kỹ thuật thì rất cần quan tâm nhân rộng các mô hình như HTX Thành Lợi.
Hoạt động của các HTX, tổ hợp tác sẽ giúp người nông dân đi đúng hướng trong việc mở rộng diện tích và chủ động trong áp dụng khoa học – kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu của thị trường, đặc biệt là các đối tác doanh nghiệp.
Nếu phát huy được vai trò của các HTX, tổ hợp tác, đồng thời kiểm soát tốt vấn đề mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng sản phẩm, mô hình mít Thái siêu sớm hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích rất cao cho người nông dân trên địa bàn Vĩnh Long.
Nhật Minh