Bưởi da xanh có tiềm năng lớn để phát triển tại Bến Tre (Ảnh Tư liệu) |
Hiệu quả từ liên kết
Đến nay, toàn tỉnh có xấp xỉ 100 tổ hợp tác (THT) trồng bưởi da xanh với hơn 2.530 thành viên, 6 HTX chuyên về bưởi da xanh, 26 HTX nông nghiệp có thành viên trồng bưởi da xanh, 4 tổ liên kết trồng bưởi da xanh được củng cố nâng cấp thành THT.
Trong bối cảnh nhiều mặt hàng nông sản liên tục rơi vào tình trạng phải giải cứu, sự ra đời của các HTX, THT đang giúp quả bưởi giải hết bài toán thị trường, ổn định giá bán cho người nông dân.
Hiện tại, có 37 THT, 4 HTX bưởi da xanh trên địa bàn tỉnh ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, siêu thị thực phẩm uy tín. Các THT, HTX bưởi có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, bán được giá cao, ổn định hơn so với những hộ nhỏ lẻ từ 10% trở lên.
Không chỉ đầu ra, các HTX, THT cũng đang làm rất tốt các khâu dịch vụ đầu vào cho thành viên, hộ dân liên kết. Hiện đã có 37 THT và 2 HTX đã ký được hợp đồng mua phân, thuốc bảo vệ thực vật với các doanh nghiệp thấp hơn đại lý từ 10 - 20%.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, sự ra đời và hoạt động hiệu quả của khối kinh tế hợp tác, HTX đang giúp ngành nông nghiệp các địa phương giải quyết các vấn đề nâng cao chất lượng trồng trọt theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, nâng cao ATLĐ trong sản xuất nông nghiệp.
Hình thành THT và HTX là yếu tố then chốt, cùng với liên kết doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm là 2 vấn đề quan trọng trong xây dựng chuỗi giá trị cây bưởi da xanh.
“Trong sản xuất, các HTX, THT cần lưu ý đến đảm bảo quy trình canh tác chuẩn, để trái bưởi da xanh bán ra thị trường đồng đều về chất lượng. Trong liên kết, mỗi nông dân và cả doanh nghiệp đều cần giữ chữ tín với nhau để duy trì làm ăn lâu dài”, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh cho hay.
Các HTX bưởi tại Bến Tre đang phát triển theo hướng an toàn, hiện đại (Ảnh TL) |
Nhiều điểm sáng được hình thành
Sự chủ động trong liên kết phát triển sản xuất của người dân, cùng sự đồng hành của ngành nông nghiệp các địa phương đã mở ra cơ hội cho các HTX, THT vươn tầm thành những đơn vị sản xuất điểm.
Có thể kể đến HTX bưởi da xanh Quới Sơn, huyện Châu Thành được thành lập với 65 thành viên, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, mua bán bưởi da xanh, dịch vụ và vật tư nông nghiệp; sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường cả về chất lượng và số lượng.
Ông Nguyễn Phước Nữa - Giám đốc HTX, chia sẻ: “HTX ra đời với mục tiêu phát triển mô hình bưởi da xanh theo hướng VietGAP, cung ứng đầy đủ dịch vụ cho các hộ sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm và đảm bảo ATLĐ cho thành viên”.
Tham gia HTX, các thành viên được tham gia các khóa tập huấn định kỳ hàng tháng để bổ sung các kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, quy định về ATLĐ trong sản xuất.
“Tại các buổi họp, tập huấn kỹ thuật, các hộ có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn để chăm sóc cây trồng đạt hiệu quả. Đặc biệt là các kiến thức về ATLĐ trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vận hành máy móc… giúp thành viên HTX làm việc hiệu quả, an toàn hơn”, ông Nữa nhấn mạnh.
Tương tự, THT bưởi da xanh Hưng Nhơn, huyện Bình Đại cũng đang liên tục gặt hái thành công nhờ phương thức sản xuất an toàn, chú trọng khoa học – kỹ thuật và ATLĐ.
Tổ trưởng THT Võ Phúc Hậu cho biết trước khi thành lập THT bưởi da xanh, trên địa bàn ấp hầu hết nông dân đều canh tác nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên cây bưởi phát triển chậm, đầu ra sản phẩm hạn chế, thường bị thương lái ép giá.
THT bưởi da xanh Hưng Nhơn được thành lập, vị thế của người dân được nâng lên. Nhờ biết cách chăm sóc, phòng trừ các loại bệnh nên vườn bưởi của thành viên THT cho năng suất cao. Đến nay, THT đã xây dựng thành công cánh đồng lớn rộng hơn 13 ha, trở thành mô hình trồng bưởi điển hình tại huyện Bình Đại.
Nhật Minh