Mường Khương vốn là vùng đất dốc, nhiều núi đá. Đất đai ở đây cỗi cằn và rắn. Một đặc điểm nữa là Mường Khương thiếu nước sinh hoạt và khó phát triển nông nghiệp.
Được mùa, được giá
Tuy vậy, quýt là một trong những loại cây ăn quả có múi lại phát triển phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng đặc trưng của vùng và trở thành cây trồng chủ lực, tiềm năng.
Đặc biệt, từ khi triển khai Dự án sản xuất quýt an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP thông qua mô hình HTX và xác lập chỉ dẫn địa lý, giá trị kinh tế mang lại từ loại cây trồng này được nâng lên rõ rệt.
Hiện, Mường Khương đang tập trung canh tác loại cây ăn quả này tại thị trấn Mường Khương và các xã Thanh Bình, Tung Chung Phố, Tả Ngài Chồ với tổng diện tích hơn 815 ha, trong đó có 400 ha đang cho thu hoạch quả.
Ở các vùng trồng tập trung đều đã hình thành được các HTX nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số người Pa Dí, Phù Lá, Nùng… chuyển đổi đất ruộng bậc thang thiếu nước hoặc đất đồi trồng ngô sang trồng quýt rải vụ theo tiêu chuẩn an toàn để nâng cao hiệu quả kinh tế, xóa nghèo nhanh và bền vững.
Theo các thành viên HTX Nông nghiệp công nghệ cao Mường Khương (thị trấn Mường Khương), trồng quýt theo tiêu chuẩn VietGAP giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi hơn trước rất nhiều, đặc biệt là giá bán mỗi kg quýt đã tăng từ 1,2 - 1,5 lần so với trước đây.
![]() |
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất và tiêu thụ quýt đang được người dân quan tâm. |
Chỉ tính riêng những đồi quýt chín sớm (thu hoạch từ tháng 8-10) cho năng suất trung bình 10 tấn/ha, giúp thành viên, người dân thu về 150 triệu đồng/ha, cao gấp 8-10 lần so với trồng ngô.
Vườn nhà chị Lò Dìn Phủng (thị trấn Mường Khương) có 8.000 cây quýt, trong đó một nửa diện tích đang cho thu hoạch. Dự tính doanh thu của gia đình từ quýt trong năm 2022 đạt khoảng 500 triệu đồng. Nếu tất cả diện tích trên đều cho thu hoạch, gia đình chị sẽ có doanh thu tiền tỷ từ trồng quýt.
Ngoài HTX Mường Khương, huyện còn có nhiều HTX tham gia trồng quýt VietGAP như: HTX Châu Thịnh Phong, HTX cộng đồng Mường Khương… Các HTX này đều chú trọng áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật giúp cây quýt ra quả và chín sớm hơn mang lại hiệu quả cao hơn cho người dân. Bên cạnh cây quýt chín sớm và chính vụ đã và đang cho thu hoạch, các HTX còn đang hỗ trợ người dân áp dụng kỹ thuật để cho ra quýt chín muộn, cho thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau.
Việc trồng quýt rải vụ khiến nông dân trồng quýt không phải chịu áp lực tiêu thụ sản phẩm, lại tạo điều kiện cho du khách đến tham quan, thu hái tại vườn. Việc làm này giúp khách hàng, nhất là các nhà phân phối yên tâm hơn và đảm bảo mua được đúng sản phẩm quýt Mường Khương. Các HTX, hộ trồng quýt cũng giảm được công thu hái để có thời gian mở rộng thị trường.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương, sản lượng quýt trên địa bàn hiện là trên 5.000 tấn. Năm 2022, quýt Mường Khương không chỉ được mùa mà giá bán cũng cao hơn năm trước khoảng từ 2.000 -3.000 đồng/kg.
Tận dụng lợi thế công nghệ
Những năm trước, do ảnh hưởng dịch COVID-19, nên ngành nông nghiệp hướng dẫn bà con bán hàng thông qua các trang điện tử hoặc sử dụng điện thoại thông minh để giới thiệu và bán sản phẩm. Năm nay, dù dịch bệnh đã đi qua nhưng người dân, các HTX vẫn đang khai thác rất tốt lợi thế này để bán hàng, gửi hàng đi khắp nơi trên cả nước tạo thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Tiêu biểu như HTX Châu Thịnh Phong không chỉ bán hàng online mà còn tích cực livestream để bán hàng trực tiếp luôn tại vườn. Đặc biệt, Ban giám đốc HTX còn mở các lớp bán hàng online, livestream qua zoom để hướng dẫn thành viên áp dụng công nghệ.
Từ chỗ chỉ đơn thuần bán hàng online, giờ đây các thành viên HTX Châu Thịnh Phong còn livestream để chia sẻ cảnh đẹp, phong tục tập quán quê hương với mong muốn tương lai sẽ xây dựng mô hình trồng quýt sạch gắn với phát triển du lịch, giúp bà con từng bước phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và đi lên làm giàu.
Với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt tại các xã vùng cao của huyện Mường Khương, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp là rất quan trọng. Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn huyện đang chuyển đổi hàng trăm ha ngô sang canh tác quýt. Việc mở rộng diện tích trồng quýt đã và đang giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, góp phần từng bước hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Từ năm 2015 về trước, Mường Khương được đánh giá là địa phương có tỷ lệ hộ thoát nghèo thấp. Năm 2015, huyện vẫn còn gần 4.000 hộ nghèo, chiếm 31,4% và 22% hộ cận nghèo.
Tuy nhiên, từ khi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, đưa quýt thành cây hàng hóa chủ lực, quá trình giảm nghèo ở Mường Khương đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Mường Khương giảm xuống còn 14,8%. Như vậy, tính trung bình trong giai đoạn này, huyện đã giảm được khoảng 8% số hộ nghèo mỗi năm, một con số hết sức ấn tượng so với con số giảm nghèo bình quân chung của toàn tỉnh.
Để đảm bảo thực hiện mục tiêu giảm nghèo bình quân khoảng 10% mỗi năm, Mường Khương đang định hướng, hỗ trợ người dân tập trung phát triển kinh tế từ cây quýt theo hướng xanh thân thiện với môi trường.
Theo đó, không chỉ tập trung hướng dẫn bà con kỹ thuật sản xuất ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP và tiêu chuẩn hữu cơ, Mường Khương sẽ tiếp tục thành lập các tổ hợp tác, HTX liên kết sản xuất quýt tạo mối liên kết ngang giữa những người nông dân trồng quýt nhằm tiết kiệm chi phí đầu vào và hỗ trợ nhau về mặt kỹ thuật. Đồng thời, các tổ hợp tác, HTX này cũng sẽ có vai trò tăng cường liên kết dọc giữa những người nông dân và các tổ chức tiêu thụ quýt trên địa bàn huyện như các siêu thị hoặc các chuỗi cửa hàng hoa quả sạch.
Minh Nhương