Đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Tin Lành ở Tây Bắc phát triển kinh tế tập thể, HTX
Tây Bắc là vùng có địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và môi trường sinh thái đối với cả nước. Tuy nhiên, đây cũng là vùng đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và phức tạp, kết cấu hạ tầng kém, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ đói nghèo cao nhất cả nước.
Phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng cho các tỉnh Tây Bắc đã và đang được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, trong đó vấn đề thực hiện chính sách dân tộc và tôn giáo nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc các tỉnh Tây Bắc nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo, trong đó có đạo Tin Lành nói riêng, là một giải pháp quan trọng trong hệ thống chính sách để thực hiện thắng lợi phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng trung du miền núi Bắc bộ.
Vì vậy, những năm gần đây, vùng Tây Bắc đã có bước phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Nhiều chính sách vĩ mô đã được thực hiện, quy hoạch tổng thể phát triển vùng dân tộc đã được xây dựng và bổ sung qua các năm, tạo nên những bước chuyển, thay đổi cơ bản và toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh Tây Bắc.
Đồng thời với việc xây dựng kết cấu hạ tầng, Nhà nước đã định hướng và chỉ đạo các tỉnh Tây Bắc đẩy mạnh phát triển kinh tế, khai thác thế mạnh của vùng đất rộng lớn giàu tiềm năng thông qua nhiều chương trình, dự án cụ thể. Nhiều vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu đã được mở rộng, công nghiệp chế biến bước đầu đã phát huy hiệu quả.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể: Tốc độ tăng GDP toàn vùng bình quân 8,4%/năm; cơ cấu kinh tế bước đầu có sự chuyển dịch tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ theo hướng hiện đại.
Đặc biệt, trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc đã dần hình thành vùng sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ hiện đại tạo ra giá trị cao; GRDP bình quân năm 2019 đạt 42,5 triệu đồng/người; hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư khá đồng bộ, giáo dục và đào tạo, y tế được quan tâm, an sinh xã hội được đảm bảo; công cuộc xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả to lớn, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện rõ rệt; hệ thống chính trị được củng cố một bước, an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được ổn định, quốc phòng và an ninh biên giới được củng cố vững chắc…
Theo thống kê, nhờ các chính sách đầu tư đồng bộ, có hiệu quả của Nhà nước, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng Tây Bắc giảm khá nhanh, bình quân mỗi năm giảm 4 - 5% số hộ nghèo.
Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp và khó khăn nội tại, đến nay, Tây Bắc vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước. Quy mô kinh tế còn khá khiêm tốn so với các vùng khác; nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác phù hợp, hiệu quả; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế của phần lớn các địa phương còn chậm; cơ cấu kinh tế chưa mang dấu ấn vùng. Thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế vào vùng còn hạn chế. Tỷ lệ cấp xã, cấp huyện đạt tiêu chí nông thôn mới toàn vùng còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo và tái nghèo còn rất cao, đặc biệt số hộ nghèo là đồng bào các dân tộc thiểu số.
Hiện nay, ở vùng Tây Bắc nước ta có một cộng đồng Tin Lành là người dân tộc thiểu số khá đông đảo. Đạo Tin lành đã ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực đến lối sống, đạo đức, văn hóa và kinh tế - xã hội.
Về mặt kinh tế - xã hội, đức tin tôn giáo khuyến khích đồng bào trong làm ăn kinh tế. Môi trường sống của thôn bản cũng sạch sẽ, gọn gàng hơn. Bạo lực gia đình có biểu hiện giảm. Đồng bào dân tộc thiểu số theo Tin Lành cũng thực hiện khá tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và quy định của các địa phương.
Trong cộng đồng theo đạo Tin Lành, người phụ nữ trở nên năng động và tích cực hơn trong việc tham gia các hoạt động xã hội và tôn giáo, phụ nữ có nhiều cơ hội tham gia các công việc trong cộng đồng và thể hiện mình hơn.
Theo đó, đồng bào theo đạo được sự giúp đỡ của Mục sư Tin Lành và những người đồng đạo trong việc phát triển kinh tế của bản thân. Khi gia nhập đạo, tham gia các buổi lễ ở nhà thờ, họ có sự giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của những người đồng đạo trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình. Họ cũng có thể nhận được sự giúp đỡ của chính các Mục sư hay của những người khác trong nhà thờ về vốn và công ăn, việc làm.
Hầu hết những người theo Tin Lành khi nói đời sống kinh tế của mình đã khá hơn đều cho rằng việc đi lễ nhà thờ, được gặp đồng đạo đã giúp họ có thêm rất nhiều kinh nghiệm, sự giúp đỡ về vốn và con, cây giống trong sản xuất kinh tế ở hộ gia đình. Một số khác thì giải thích rằng, họ thấy xấu hổ nếu bản thân có đời sống kinh tế khó khăn so với những đồng đạo khác. Điều này đã trở thành động lực để họ tìm tòi và quyết tâm chăm chỉ làm ăn, cải thiện đời sống kinh tế của bản thân và gia đình.
Theo khảo sát, bản Sima 2, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên hiện có gần 80 hộ dân với khoảng 420 người, đa số là dân tộc H’Mông.
Đồng bào ở đây chủ yếu theo đạo Tin Lành. Các tín đồ, giáo dân luôn ý thức sống tốt đời, đẹp đạo, kính Chúa, yêu nước, phụng sự quốc gia, dân tộc.
Cứ vào sáng Chủ nhật hàng tuần, giáo dân ở bản Sima 2 cùng nhau đến nhà sinh hoạt cộng đồng để nghe giảng về lòng yêu kính Chúa, yêu thương con người, không nghe theo kẻ xấu xúi giục đi lầm đường lạc lối. Tại đây, bà con cũng trao đổi kinh nghiệm làm ăn, phát triển kinh tế gia đình như trồng cây ăn quả, nuôi trâu bò, làm nương rẫy…
Từ nay đến năm 2025, xã Chung Chải đặt mục tiêu hoàn thành 15/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, 13/13 (100%) bản có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng và có điện lưới quốc gia. Thời gian qua, xã Chung Chải thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Xã thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với các chức sắc, chức việc, những người có uy tín, trưởng nhóm đạo ở các bản, làng để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tín đồ.
Bà con giáo dân bản Sima 2 tin tưởng vào các chính sách, pháp luật của Nhà nước, “Sống phúc âm trong lòng dân tộc, kính Chúa yêu nước”. Các phong trào thi đua yêu nước, nhân đạo từ thiện, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, bảo vệ môi trường... được giáo dân tự nguyện thực hiện và đạt hiệu quả cao. Người dân trong bản đoàn kết một lòng, sống tốt đời đẹp đạo, tích cực lao động sản xuất nông nghiệp, cùng nhau xây dựng quê hương bình yên, ấm no, hạnh phúc.
Chính quyền xã Chung Chải khẳng định, không ép buộc nhu cầu tín ngưỡng của người dân, tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo của tất cả các dân tộc. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao cảnh giác không nghe theo kẻ xấu bên ngoài xúi giục lôi kéo chống phá Nhà nước. Địa phương mời trưởng nhóm đạo vào giao lưu với dân, có lúc cán bộ xã vào trực tiếp, cử cán bộ nắm tình hình... Đồng bào làm ăn, sinh sống ổn định, góp phần vào sự phát triển chung của xã.
Theo thống kê, tính đến tháng 6/2018, Tây Bắc có 2.462 HTX, chiếm 11,7% tổng số HTX toàn quốc, trong đó, có 1.420 HTX nông nghiệp. Về cơ bản, Tây Bắc có số lượng HTX khá đồng đều, trung bình 352 HTX/tỉnh.
Tính đến 30/10/2019, toàn Cụm thi đua các tỉnh Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình, Lào Cai, Phú Thọ và Sơn La) có 2.654 HTX, 6 liên hiệp HTX đang hoạt động với 205.241 thành viên, giải quyết việc làm cho hơn 50.770 lao động; tổng số vốn hoạt động là 7.175 tỷ đồng; doanh thu đạt 1,214 tỷ đồng/HTX, thu nhập của thành viên HTX đạt 4 triệu đồng/người/tháng.
Từ đó, phong trào phát triển kinh tế tập thể, HTX tại vùng Tây Bắc ngày càng mạnh cả về số lượng và chất lượng hiệu quả. Điển hình như ở Yên Bái, tính đến giữa năm 2022, toàn tỉnh có 619 HTX, trong đó riêng 7 tháng đầu năm 2022 có 53 HTX thành lập mới với số vốn điều lệ 102,4 tỷ đồng.
Trong quá trình hoạt động, Liên minh HTX Cụm thi đua các tỉnh Tây Bắc đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các HTX đăng ký hoạt động theo Luật HTX năm 2012; tư vấn, hỗ trợ thành lập mới HTX.
Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành và thực hiện hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách phát triển HTX tại địa phương; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ các mô hình HTX sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị; bám sát cơ sở, kịp thời kiến nghị với cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng xử lý, giải quyết tốt những kiến nghị, vướng mắc trong hoạt động của HTX thành viên, góp phần đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp cho thành viên.
Đa phần các HTX nông nghiệp trong vùng tổ chức tốt các khâu dịch vụ đầu vào như cung cấp dịch vụ vật tư phân bón, dịch vụ bảo vệ sản xuất, dịch vụ thú y, bảo vệ thực vật, chế biến sản phẩm cho thành viên…
Tuy nhiên, các HTX nông nghiệp trong vùng gặp một số khó khăn, như nguồn lực còn yếu, nhiều HTX chưa chủ động tìm nguồn thu từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh do HTX cung cấp…
Các HTX chưa xác định được hướng sản xuất, tìm được sản phẩm chủ lực của HTX để đầu tư sản xuất bán ra thị trường, do đó chưa chú trọng đến bảo hộ, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm.
Thời tiết biến đổi thất thường, một số HTX bị ảnh hưởng do các đợt lũ lớn, làm ngập úng, cuốn trôi nhiều hoa màu, ao nuôi cá, vật nuôi đến ngày thu hoạch…
Kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn các tỉnh vùng Tây Bắc đã có nhiều phát triển vượt bậc từ sau Luật HTX 2012. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém về tổ chức, quản trị, hoạt động, chưa đáp ứng yêu cầu về doanh thu, lợi nhuận của các thành viên HTX...
Các HTX nông nghiệp hiện nay đang gặp khó trong việc liên kết giữa các thành viên HTX với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Việc thu hút nhân lực chất lượng cao, nguồn lực đầu tư còn ít, chưa xác định được sản phẩm chủ lực, chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm.
Lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam nhận định các HTX nông nghiệp tại Tây Bắc đã làm tốt công tác hỗ trợ cho kinh tế hộ phát triển thông qua các hoạt động đầu vào, đầu ra; hướng dẫn các hộ thành viên ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn.
Tuy nhiên, Liên minh các tỉnh Tây Bắc cần tập trung phát triển HTX nông nghiệp gắn với sản phẩm chủ lực của vùng và du lịch cộng đồng theo thế mạnh của từng địa phương.
Các tỉnh Tây Bắc cũng cần có cơ chế đặc thù để khuyến khích phát triển HTX nông nghiệp vùng dân tộc thiểu số, gắn với phát triển kinh tế xã hội của vùng và phù hợp với chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong đó, cần tập trung nguồn lực cho đào tạo nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng, tích tụ ruộng đất...
Trong thời gian tới, Liên minh HTX Việt Nam sẽ tăng cường đầu tư cho vùng Tây Bắc, trong đó tập trung chủ yếu vào xây dựng mô hình HTX gắn với chuỗi liên kết. Đồng thời, Liên minh HTX Việt Nam cũng sẽ tranh thủ các nguồn lực quốc tế để đầu tư cho sự phát triển của HTX, cũng như kinh tế hợp tác của vùng Tây Bắc.
Thời gian tới, Liên minh HTX Cụm thi đua các tỉnh Tây Bắc cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong xây dựng hệ thống Liên minh HTX các tỉnh; tập trung triển khai tốt và có hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho các HTX, liên hiệp HTX; xây dựng các mô hình HTX sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị; hướng dẫn, tư vấn, giúp đỡ các HTX xây dựng dự án vay vốn triển khai thẩm định và cho các HTX vay từ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX theo quy định… Phấn đấu mỗi tỉnh thành lập mới 25 HTX; vốn doanh thu, lợi nhuận, thu nhập của thành viên và lao động tăng 10% trở lên…
Liên minh HTX Cụm thi đua các tỉnh Tây Bắc cũng cần tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế tập thể, HTX; triển khai hiệu quả đề án hỗ trợ, xây dựng mô hình HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị; nâng cao chất lượng cung ứng các dịch vụ hỗ trợ, đổi mới công tác tư vấn, hỗ trợ… giúp HTX, liên hiệp HTX tại các địa phương phát triển ổn định.
Có thể khẳng định, một trong những đóng góp lớn nhất của khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX và tổ hợp tác là dần làm thay đổi tư duy sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Tin Lành nói riêng. Từ phương thức sản xuất tự phát nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, đồng bào ở nhiều địa phương Tây Bắc đã chuyển sang phương thức sản xuất hàng hóa, quy mô lớn hơn trước nhiều lần, có sự liên kết cùng thực hiện theo tiêu chuẩn chung, từ đó gia tăng giá trị nông sản và đặc sản. Việc sản xuất cũng có kế hoạch, theo quy hoạch của địa phương, giảm được tình trạng được mùa rớt giá hoặc phải giải cứu. Bà con tham gia làm thành viên HTX cũng có điều kiện để trao đổi kinh nghiệm sản xuất, được học tập, chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến, thực hiện nghiêm các quy định của HTX về chất lượng sản phẩm, giữ chữ tín với đối tác doanh nghiệp thu mua trong việc tuân thủ hợp đồng.
HTX nông nghiệp xanh Sapa, xã Tả Phìn cũng là một điển hình thành công về thay đổi tư duy sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Tin Lành nói riêng thị xã Sapa.
Theo đó, nhằm khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, ổn định đầu ra cho sản phẩm và nâng cao thu nhập cho nông dân, ngày 7/7/2017, HTX được thành lập, gồm 3 tổ sản xuất, với 129 hộ thành viên, chủ yếu là người theo đạo Tin Lành.
HTX nông nghiệp xanh Sapa được Phòng NN&PTNT thị xã Sapa hỗ trợ 75% kinh phí xây dựng 5.000m2 nhà lưới và hệ thống tưới. Nhờ vậy, hoạt động của HTX gặp nhiều thuận lợi, việc sản xuất được chủ động, năng suất rau các loại ổn định, chất lượng rau bảo đảm an toàn, giá thành ổn định, doanh thu đạt hơn 1,3 tỷ đồng/ha/năm.
Phương châm của HTX là tiếp tục mở rộng sản xuất; mở rộng thị trường tiêu thụ bằng cách xây dựng thêm một số điểm giới thiệu, cung cấp sản phẩm rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại thị trường trong, ngoài tỉnh.
Những thống kê về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và những năm đầu thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 cho thấy, khu vực kinh tế tập thể, HTX đóng góp vai trò quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con là thành viên và các hộ dân liên kết. Đặc biệt, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Bắc, thành viên và người lao động tại nhiều HTX đã đạt mức thu nhập hơn 5 triệu đồng/người/tháng - là mức thu nhập đáng mơ ước của người dân nông thôn miền núi. Nhờ sản xuất quy mô lớn, chất lượng đảm bảo, đầu ra ổn định, một số hộ dân là thành viên có lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm, cá biệt có những hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.
Điển hình như tại xã Sa Pả (thị xã Sapa) - nơi có đông đồng bào dân tộc theo đạo Tin Lành sinh sống, HTX rau quả Thắng Lợi là một trong số những HTX mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng, HTX đã xây dựng 2,5ha khung nhà màng, trang bị hệ thống tưới nước tự động, hệ thống giá trồng cây, hệ thống lọc nước, đèn led… Theo thời vụ, HTX sản xuất những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như dâu tây, dưa lưới, cà chua, dưa pepino, dưa chuột…
Do trồng hoàn toàn trong hệ thống nhà lưới kiên cố nên HTX bảo đảm mưa cũng như các loại côn trùng không thể gây hại đến cây trồng, sẽ hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Đồng thời, cây được trồng bằng giá thể đã qua xử lý, các luống cây đều được phủ một lớp nylon ngăn cỏ cạnh tranh dinh dưỡng, giúp cây sinh trưởng tốt, không phải sử dụng thuốc diệt cỏ..
Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, HTX tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nói không với các loại hóa chất độc hại. 100% diện tích dâu tây của HTX được trồng trên giá cách mặt đất 1m để tránh ẩm mốc, giúp cây khô thoáng và hạn chế nấm, bệnh.
Nhờ áp dụng sản xuất khoa học, HTX trở thành điểm tựa vững chắc cho các thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động là người dân tộc thiểu số theo đạo Tin Lành ở địa phương với thu nhập ổn định khoảng 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Linh Phương