Việc phát triển HTX tạo thuận lợi kéo theo ít nhất 8 tiêu chí khác trong xây dựng NTM. Cụ thể, ngoài tiêu chí 13, quá trình phát triển HTX ở cấp xã đã hỗ trợ hoàn thành các tiêu chí 2, 3, 6 và 7 (cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi và chợ, nhà văn hóa), hay các tiêu chí 10, 11, 12 (việc làm), 16 (văn hóa), 17 (môi trường và sản xuất nông sản an toàn)… Nếu cấp xã quan tâm phát triển HTX đương nhiên bảo đảm ổn định an sinh xã hội và sự bền vững xây dựng NTM.
Xuất hiện nhiều mô hình HTX kiểu mới
Trong Bộ tiêu chí xã NTM, tiêu chí 13 quy định rất rõ: cấp xã NTM phải đạt chuẩn có HTX hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX 2012 và đạt chuẩn có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản bảo đảm bền vững.
Tổng diện tích sản xuất của HTX Rau quả sạch Chúc Sơn là 17,8ha, trong đó diện tích nhà lưới là trên 2ha, diện tích chứng nhận VietGAP là 12,8ha, chứng nhận GlobalGAP là 5ha. |
Các HTX đã góp phần thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, giải quyết việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội khu vực nông thôn, đồng thời thể hiện vai trò quan trọng là cầu nối trong việc tiếp thu, hướng dẫn ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đảm bảo nhiều khâu dịch vụ đầu vào mà từng người dân không làm được hoặc làm nhưng không hiệu quả như: Dịch vụ giống, phân bón, thủy lợi, làm đất, bảo vệ sản xuất, bảo vệ thực vật, thu hoạch, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Một số HTX đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tham gia xây dựng chuỗi giá trị, gắn với liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên HTX.
Tại Hà Nội đã xuất hiện một số mô hình HTX kiểu mới hoạt động sản xuất liên kết có hiệu quả như HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đa Tốn (Gia Lâm); mô hình sản xuất giống và hoa lan hồ điệp của HTX Đan Hoài (Đan Phượng), HTX Tiền Lệ, xã Tiền Yên (Hoài Đức), HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (Quốc Oai), HTX rau quả sạch Chúc Sơn (Chương Mỹ)…
Tổng hợp số liệu cho thấy, trong thời gian qua, Hà Nội đã hình thành và phát triển các vùng sản xuất chất lượng, tập trung: 157 cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại 14 huyện ngoại thành Hà Nội; diện tích rau an toàn được quản lý đạt hơn 5.000ha; đã hình thành rõ nét 76 xã chăn nuôi trọng điểm và khoảng 4.000 trại quy mô lớn ngoài khu dân cư, 26 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.
Toàn thành phố hiện có 126 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, trong đó, các địa phương có nhiều mô hình là: Mê Linh (18 mô hình), Gia Lâm (17 mô hình), Thường Tín (14 mô hình), Sóc Sơn (9 mô hình), Thanh Oai (9 mô hình), Phúc Thọ (8 mô hình), Đông Anh (8 mô hình)...
Quy mô các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tuy còn nhỏ nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay. Bên cạnh đó, Liên minh HTX TP Hà Nội đã phối hợp cùng các sở, ngành để hình thành 121 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ.
Chính sách hỗ trợ để HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả
Sở NN&PTNT Hà Nội đánh giá, nhiều xã trên địa bàn TP đã hoàn thành tiêu chí số 13, nhờ có sự đóng góp tích cực của các HTX qua việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, chuyển đổi mô hình, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy quá trình xây dựng NTM.
“HTX là một trong những trụ cột chính, giữ vai trò trung tâm trong việc tổ chức sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng nông thôn. Với vai trò đó, HTX được ví như những “trợ thủ” đắc lực, góp sức cùng các địa phương hoàn thiện công cuộc xây dựng NTM”, lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội nhấn mạnh.
Để tiếp tục nhân rộng mô hình HTX kiểu mới làm ăn có hiệu quả, mới đây UBND TP ưu tiên lựa chọn HTX có nhiều thành viên, tích cực tham gia các hoạt động. HTX có quy mô lớn, sản xuất sản phẩm chủ lực của địa phương theo hướng xuất khẩu, liên kết với doanh nghiệp, tham gia chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, gắn với tăng trưởng xanh. HTX có đông thành viên là nữ hoặc phụ nữ tham gia quản lý; vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; HTX do thanh niên khởi nghiệp.
5 HTX đã được Hà Nội lựa chọn làm điểm là: HTX Hoàng Long (huyện Thanh Oai), HTX Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Dương Liễu (huyện Hoài Đức), HTX Nông nghiệp An Mỹ (huyện Mỹ Đức), HTX Rau quả an toàn Hồng Hà (huyện Phú Xuyên), HTX Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng (huyện Đông Anh). Đây là các HTX bảo đảm những yêu cầu thuộc Đề án như đã chuyển đổi và hoạt động có hiệu quả theo quy định của Luật HTX năm 2012, đảm bảo tỷ lệ cung ứng sản phẩm và dịch vụ cho thành viên, có lãi liên tục trong 3 năm gần nhất, có định hướng phát triển phù hợp với mô hình được Đề án lựa chọn…
Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP. Hà Nội Nguyễn Tiến Phong cho biết, các HTX được lựa chọn sẽ được Thành phố hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện mô hình hoạt động theo Quy định tại Nghị định số 193/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật HTX năm 2012; Nghị định số 107/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 193/NĐ-CP. Đặc biệt, Thành phố sẽ xem xét, hỗ trợ 100% kinh phí cho các HTX tham gia thí điểm theo Nghị quyết của HĐND TP, cụ thể hóa Quyết định số 1804/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2025.
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Phong, bên cạnh 5 HTX đã được lựa chọn, từ nay đến năm 2025, Thành phố sẽ nghiên cứu, lựa chọn thêm 20 HTX, liên hiệp HTX đáp ứng các điều kiện để tham gia Đề án của Thủ tướng Chính phủ và được hỗ trợ từ ngân sách Thành phố. Xây dựng phương án nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả trên phạm vi toàn Thành phố giai đoạn 2026 - 2030.
Việc xây dựng các mô hình HTX kiểu mới nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tạo sức hút để người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia liên kết với HTX. Từ đó làm cơ sở để nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển, đồng thời góp phần xây dựng thành công NTM.
Hoàng Hà