HTX hồ tiêu Cùa thành lập từ năm 2001, với sứ mệnh phục hưng lại các loại cây đặc sản của xứ Cùa, đặc biệt là sản phẩm hồ tiêu hữu cơ nức tiếng cả nước. Năm 2013, HTX chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, gồm 32 thành viên.
Liên kết sản xuất
Sản phẩm hồ tiêu vùng Cùa của tỉnh Quảng Trị nổi tiếng với vị đậm, cay nồng, hương sâu, hạt nhỏ, trọng lượng nặng, là kết tinh của thổ nhưỡng đất đỏ và khí hậu khắc nghiệt miền Trung.
HTX đang là cầu nối liên kết các hộ sản xuất hồ tiêu tại địa phương (Ảnh TL). |
Nhằm phát huy tối đa những thế mạnh của địa phương, HTX hồ tiêu Cùa được thành lập, thực hiện chức năng hỗ trợ kỹ thuật canh tác, trở thành cầu nối của các dự án hỗ trợ nông dân trồng tiêu, trực tiếp kết nối thị trường tiêu thụ cho thành viên, hộ liên kết.
Để liên kết các hộ sản xuất theo quy trình sản xuất mới, HTX đã chủ động tạo ra môi trường làm việc minh bạch và đảm bảo lợi ích kinh tế, tinh thần cho thành viên.
Sau đó, để quản lý chất lượng tiêu trên một diện tích lớn, đảm bảo các hộ thành viên làm đúng quy trình, HTX đứng ra kết nối nông dân và chính quyền, thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát tại các khu vực sản xuất.
Sau mỗi đợt thu mua, HTX tiến hành dán mã số (gồm tên hộ, địa chỉ, ngày thu mua, các chỉ số xét nghiệm…) của từng hộ trên mỗi bao. Sau khi kiểm tra, hộ nào không đạt tiêu chuẩn sẽ bị điều tra và xử lý nghiêm theo quy định.
Giám đốc HTX hồ tiêu Cùa, ông Trần Hà cho biết, bên cạnh các dịch vụ nông nghiệp và dịch vụ môi trường cho 60 nông hộ trồng lúa, cao su, hồ tiêu... thuộc địa phận quản lý, HTX còn thực hiện các hoạt động kinh doanh, kết nối thị trường trực tiếp cho sản phẩm bản địa.
Trong trung hạn, HTX tập trung vào phát triển 2 dòng sản phẩm trọng tâm là hồ tiêu Quảng Trị vùng Cùa và cao chè Vằng. Trong dài hạn, HTX sẽ phát triển thị trường cho sản phẩm nông nghiệp đặc trưng khác, được canh tác an toàn của địa phương.
Nâng cao thu nhập
Năm 2019, sản phẩm hồ tiêu của HTX được UBND tỉnh Quảng Trị chứng nhận là sản phẩm OCOP. Để đạt tiêu chí sản phẩm OCOP thì hồ tiêu Cùa phải đảm bảo nhiều tiêu chí.
Nhờ liên kết sản xuất, thu nhập của người trồng tiêu được nâng lên (Ảnh TL). |
Đầu tiên, HTX phải xây dựng vùng sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ, chế biến sản phẩm an toàn, có chỉ dẫn địa lý và sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng, sử dụng. Và một yêu cầu không thể thiếu đó là hàm lượng dinh dưỡng trong sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, không có hóa chất độc hại.
Việc xây dựng thành công thương hiệu đang giúp sản phẩm của HTX nâng cao uy tín, ổn định thị trường, từ đó nâng cao thu nhập cho thành viên.
Theo đó, các sản phẩm hồ tiêu tiêu chuẩn của các hộ thành viên được HTX bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường 3.000 - 7.000 đồng/kg, đồng nghĩa khi sản xuất sạch, nông dân có thêm vài triệu đồng/tấn. Thu nhập của người lao động HTX hiện cũng được đảm bảo mức 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Nhờ giá trị sản xuất được đảm bảo, 60 hộ thành viên HTX hiện đã thoát nghèo, nhiều hộ có “của ăn của để”.
Hoạt động của HTX hồ tiêu Cùa cũng đóng góp tích cực vào quá trình xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Trong 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của xã Cam Nghĩa giảm bình quân 7 - 10% năm, thu nhập người dân đạt trên 50 triệu đồng/người/năm.
Để tiếp tục phát huy vai trò “bệ đỡ” kinh tế hộ, đóng góp nhiều hơn vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, HTX dự kiến tiếp tục mở rộng vùng sản xuất hữu cơ, tích cực kết nối thị trường, hướng tới xuất khẩu để nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho thành viên.
Hưng Nguyên