Lạp sườn đang là sản phẩm thế mạnh của HTX |
Đa dạng sản xuất
Xuất phát điểm từ hộ kinh doanh, lên tổ hợp tác rồi chính thức “lên đời” HTX vào năm 2018, HTX Nhung Lũy có một nền tảng khá vững vàng để phát triển các cây trồng, vật nuôi thế mạnh tại địa phương.
Chị Đinh Tuyết Nhung – Giám đốc HTX, chia sẻ: “Năm 2018, khi biết đến chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh, tôi cùng 7 thành viên quyết định chuyển đổi từ tổ hợp tác lên HTX để hướng tới sản xuất lớn, thực hiện đồng thời các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho người dân”.
Chỉ sau năm đầu tiên phát triển, HTX đã nâng tổng số thành viên lên con số 14, 60 hộ nông dân liên kết, tổ chức sản xuất trên tổng diện tích hơn 50 ha, trong đó, có 40 ha rừng và 10 ha quỹ đất sản xuất để trồng các loại cây dược liệu, rau an toàn…
Để nâng cao giá trị sản phẩm, HTX đang đẩy mạnh chế biến sâu và phát triển nhãn hiệu hàng hóa. Điển hình phải kể đến sản phẩm lạp sườn được chế biến từ thịt lợn do chính thành viên HTX chăn nuôi.
“HTX đang có đàn lợn trên 300 con để đáp ứng nguồn nguyên liệu sạch và an toàn cho chế biến lạp sườn. Sản phẩm lạp sườn của HTX luôn tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, được đóng gói, hút chân không kỹ càng nên rất được thị trường ưa chuộng và có giá bán cao”, chị Nhung cho hay.
Bên cạnh đó, HTX cũng đang có nhiều sản phẩm khác như chè giảo cổ lam, măng, miến, rau an toàn, hạt mác khén… Điển hình là giảo cổ lam, hiện HTX đang liên kết với nông dân và dự kiến nâng tổng diện tích lên 3 ha vào năm 2020. Chè giảo cổ lam của HTX đang có giá trên 1 triệu đồng/kg.
Hay với rau an toàn, HTX đang có trên 5 ha phát triển nhiều loại rau được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo quy trình sản xuất an toàn, ATLĐ, cho giá trị cao. Đặc biệt, kể từ năm 2019, HTX đang phát triển mô hình trồng đỗ mèo trên diện tích hơn 1.000 m2 và đang có thấy triển vọng tích cực.
HTX sẽ chú trọng sản xuất khoa học gắn với ATLĐ |
Phát triển bền vững
Sản xuất trong nhiều lĩnh vực, tuy nhiên, trong từng lĩnh vực, HTX luôn chú trọng vấn đề sản xuất an toàn, ATLĐ và vệ sinh thực phẩm. Đây cũng chính là chìa khóa để HTX phát triển bền vững, mang lại lợi ích lâu dài, toàn diện cho thành viên, hộ liên kết.
Đơn cử, trong quá trình sản xuất rau an toàn, thành viên HTX được hướng dẫn quy trình sử dụng máy móc, nông cụ an toàn, giúp nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời đảm bảo ATLĐ cho người sản xuất. Hay trong quá trình sản xuất lạp sườn, người lao động bên cạnh kỹ năng về chế biến, còn được trang bị kiến thức về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm.
Nhờ sản xuất an toàn, hiện đại, HTX đang liên tục gặt hái nhiều thành công. Năm 2019, HTX dự kiến doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng. HTX Nhung Lũy cũng đang cùng một số HTX trên địa bàn tỉnh thành lập Liên hiệp HTX Bắc Kạn, tạo thành chuỗi sản xuất hàng hóa, vừa nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, vừa nâng cao các tiêu chuẩn về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm, môi trường trong sản xuất.
Hiện, sản phẩm của Liên hiệp HTX Bắc Kạn đang được bày bán tại hơn 80 siêu thị, chuỗi cửa hàng tại miền Bắc, có gian hàng trưng bày tại nhiều tỉnh, thành phố như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bình Định…
“Sản xuất khoa học gắn với ATLĐ giúp HTX nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng giá bán, nâng cao thu nhập cho thành viên, mở ra hướng đi bền vững cho người dân địa phương”, Giám đốc HTX Đinh Tuyết Nhung nhấn mạnh.
Phượng Vỹ