Nông nghiệp công nghệ cao mang lại hiệu quả cao, tạo sinh kế làm giàu cho nông dân (Ảnh Tư liệu) |
Giá trị của nông nghiệp hiện đại
Năm 2017, tỉnh Long An chính thức triển khai “Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, hướng tới mục tiêu giúp nông dân giảm chi phí, tăng năng suất, nâng cao thu nhập, phát triển ổn định và thân thiện với môi trường.
Kết quả, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng thành công hơn 1.500 ha lúa ứng dụng công nghệ cao, với 500 ha áp dụng cơ giới hóa, 1.000 ha ứng dụng tia laser để san phẳng mặt ruộng. Ngoài ra, 20.000 ha đất nông nghiệp của hơn 8.000 hộ tham gia trồng lúa theo mô hình cánh đồng lớn được bao tiêu sản phẩm.
Ông Trương Hữu Trí - Giám đốc HTX nông nghiệp Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng), cho biết: “Sản xuất trên cánh đồng lớn giúp nông dân tiết kiệm công lao động nhờ sự trợ giúp của máy móc. Công nghệ hiện đại giúp nông dân giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận”.
Hiện, các hộ dân tham gia canh tác trên diện tích sản xuất do HTX Gò Gòn quản lý luôn có lợi nhuận cao hơn hộ sản xuất cá thể 2 - 3 triệu đồng/ha/vụ. 100% sản phẩm “Gạo sạch Gò Gòn” sản xuất theo quy trình VietGAP của HTX được các doanh nghiệp bao tiêu. HTX cũng xuất khẩu gạo thành công sang Mỹ.
Tại Châu Thành, ngành nông nghiệp huyện đã đẩy mạnh triển khai kế hoạch xây dựng 2.000 ha trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, toàn huyện đã có xấp xỉ 1.000 ha thanh long được công nhận VietGAP, GlobalGAP với gần 2.000 hộ nông dân tham gia.
Chủ tịch HĐQT HTX thanh long Tầm Vu, ông Trương Quang An cho hay: “Việc tuân thủ quy trình sản xuất sạch giúp thành viên HTX nâng cao chất lượng sản phẩm và được bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường 3.000 - 5.000 đồng/kg”.
Không chỉ có chỗ đứng vững tại thị trường trong nước, sản phẩm thanh long của HTX Tầm Vu đã xuất khẩu thành công sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan…
Ngành nông nghiệp Long An đang đẩy mạnh thu hút các nguồn lực phát triển nông nghiệp hiện đại (Ảnh TL) |
Thu hút các nguồn lực đầu tư
Những năm qua, cây chanh là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh, chỉ đứng sau lúa gạo và thanh long. Cây chanh đã giúp nông dân trong tỉnh thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững.
Toàn tỉnh Long An hiện có khoảng 6.000 ha trong số 8.400 ha đang cho trái, sản lượng ước đạt hơn 110.000 tấn/năm. Trong đó, có gần 50% sản lượng chanh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, được 35 cơ sở và 2 HTX tổ chức sản xuất, thu mua xuất khẩu sang EU, Trung Quốc, Trung Ðông…
Với những nền tảng đang có, tỉnh Long An đặt mục tiêu có ít nhất 20.000 ha cánh đồng lớn trồng lúa cao sản ở các huyện thuộc vùng Ðồng Tháp Mười, 2.000 ha thanh long ở huyện Châu Thành, 3.000 ha rau tại huyện Cần Giuộc, huyện Ðức Hòa, Tp.Tân An…
Cùng với đó, tỉnh đang đẩy mạnh phương án vận động, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao trong chuyên canh rau màu để từng bước tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, bảo đảm sức khỏe người trồng và mang lại sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Ðể đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Long An đang đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế tham gia phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là ưu tiên về công nghệ sinh học, thâm canh, chế biến sâu, công nghệ thông tin và tự động hóa.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia chuỗi giá trị, xây dựng các đầu mối cung cấp dịch vụ ươm công nghệ mới trong lĩnh vực công nghệ sinh học.
Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác… xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản nông sản…
Nhật Minh