Thoại Sơn là một trong những vùng trồng cây ăn quả truyền thống của tỉnh An Giang trong nhiều thập kỷ qua. Với những thay đổi về tư duy sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nông dân trên địa bàn huyện từng bước phát triển thành công những mô hình cho doanh thu bạc tỷ.
Bội thu từ cây trồng cũ
Mô hình trồng bưởi da xanh theo hướng công nghệ cao của bà Lê Thị Hạnh, xã Vọng Thê là một trong những điển hình thành công nhất. Từ hơn 5 ha trồng lúa kém hiệu quả, trang trại bưởi da xanh của bà Hạnh hiện cho thu hoạch bình quân trên 50 tấn bưởi mỗi năm.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, bà Hạnh đã chủ động áp dụng quy trình canh tác theo hướng VietGAP, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân vô cơ; thuốc bảo vệ thực vật phải là chế phẩm sinh học, thuốc nằm trong danh mục cho phép của ngành nông nghiệp.
Cây ăn quả là cây trồng truyền thống đang mang lại thu nhập cao cho người dân An Giang. |
Bên cạnh hoàn thiện quy trình sản xuất, bà Hạnh đầu tư xây dựng thêm hệ thống nhà kho phân bón, nơi pha thuốc bảo vệ thực vật… Nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, bà Hạnh giảm đáng kể chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng nông sản, góp phần bảo vệ môi trường.
“Với 5,3 ha bưởi da xanh được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, tỷ lệ thu hoạch trung bình từ 50 - 60 tấn bưởi, giá bán từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, bình quân mỗi năm gia đình tôi thu về khoảng 1 tỷ đồng”, bà Lê Thị Hạnh hồ hởi chia sẻ.
Cùng với cây ăn quả, rau màu cũng đang là một trong những mô hình sản xuất truyền thống mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân An Giang nhờ thay đổi cách nghĩ, cách làm. Mô hình liên kết trồng rau an toàn của HTX nông sản an toàn Kiến An, huyện Chợ Mới là một minh chứng.
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX, cho biết HTX hiện có 55 thành viên, diện tích canh tác 21,6 ha, chủ yếu là rau màu các loại. Để việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của thành viên mang tính bền vững, những năm qua, HTX chủ động nghiên cứu thị trường, tìm công ty, doanh nghiệp uy tín để liên kết.
Đặc biệt, HTX duy trì thực hiện tốt liên kết tiêu thụ sản phẩm cây ngò gai. Đến nay, diện tích liên kết tiêu thụ là 5,8ha với 15 thành viên tham gia. Bình quân mỗi năm, HTX liên kết tiêu thụ trên dưới 380 tấn rau ngò gai cho đối tác. Tính bình quân lợi nhuận 3 triệu đồng/tấn, năm 2023, thành viên và nông dân liên kết với HTX thu về trên 1 tỷ đồng.
Hoạt động của HTX Kiến An đang trở thành điểm tựa liên kết sản xuất, tiêu thụ của thành viên, đồng thời góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất theo hợp đồng tại địa phương, giúp nông dân an tâm đẩy mạnh sản xuất thoát nghèo, làm giàu.
Thắng đậm với cây trồng mới
Bên cạnh những loại cây trồng truyền thống đã thành thương hiệu, những năm gần đây, nông dân An Giang cũng tích cực “bắt trend” triển khai những loại cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao, như hồng xiêm, dưa lưới, hay đặc biệt là cây sầu riêng.
Sải bước trong khu vườn trồng 130 gốc sầu riêng, ông Phạm Minh Hưởng, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn, cho hay năm nay thời tiết không quá thuận lợi, năng suất sầu riêng giảm, nhưng nhờ giá cao nên ông vẫn thu về hơn 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Toàn bộ vùng trồng sầu riêng hiện tại, theo ông Hưởng, vốn là đất trồng lúa và hoa màu có năng suất kém, giá trị kinh tế thấp. Cách đây gần 5 năm, nhận thấy tiềm năng của cây sầu riêng nên ông quyết định chuyển đổi sang trồng loại cây đang được mệnh danh là “cây tỷ đô” này.
Sầu riêng cũng đang cho thấy giá trị cao, giúp nông dân An Giang thoát nghèo, làm giàu. |
Năm 2024 là năm thứ 2 vườn sầu riêng của ông Hưởng cho thu hoạch. Vụ trước, với 120 gốc sầu riêng Thái, 10 gốc sầu riêng Ri6, gia đình ông thu về hơn 2 tấn trái, lợi nhuận đạt trên 200 triệu đồng. Năm nay, năng suất đạt hơn 3 tấn, lợi nhuận dự kiến trên dưới 300 triệu đồng.
“Sầu riêng là giống cây mang lại lợi nhuận kinh tế cao, càng lâu năm càng cho sản lượng nhiều. 2 vụ vừa qua vườn sầu riêng ra trái, tôi xử lý để mỗi cây chỉ có 20-35 trái. Từ vụ sau, mỗi cây có thể để 50-60 trái (tùy sức khỏe của cây), năng suất có thể tăng gấp đôi hiện tại. Nếu thời tiết thuận lợi, giá bán ổn định, tôi có thể thu về trên nửa tỷ đồng”, ông Hưởng chia sẻ.
Cũng liên tục có những vụ mùa bội thu với cây sầu riêng, ông Võ Văn Em, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới những năm qua gia nhập hàng ngũ “nông dân tỷ phú” ở An Giang. Sau nhiều năm phát triển mô hình, ông Bảy Em đang sở hữu vườn sầu riêng hơn 12ha.
Với kinh nghiệm trồng cây ăn trái lâu năm, vườn sầu riêng của ông Bảy Em luôn cho năng suất bình quân 20 tấn/ha. Năm 2024, với giá bán sầu riêng cao kỷ lục, đạt bình quân 80.000 - 100.000 đồng/kg, mỗi ha canh tác mang lại cho gia đình ông trên dưới 2 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 1,5 - 1,7 tỷ đồng/ha.
“Sầu riêng nhà tôi trồng theo hướng hữu cơ, công nghệ sản xuất sạch, chất lượng, nên được thương lái tới tận vườn thu mua, sản phẩm không đủ cung cấp cho doanh nghiệp, vừa đáp ứng người tiêu dùng trong nước, vừa xuất khẩu”, ông Bảy Em hồ hởi nói.
Hướng đến nông nghiệp xanh, bền vững
Với những thành công đang có, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao, hình thành chuỗi giá trị, phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp, nhằm “mở đường lớn” cho nông dân thoát nghèo, làm giàu.
Đơn cử, nhằm phát huy thế mạnh ngành hàng lúa gạo, xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, tỉnh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp về tiếp cận nguồn vốn, tích tụ đất đai, chính sách thuế… Đồng thời, tỉnh thúc đẩy hình thành và phát triển ổn định các HTX, tổ hợp tác, qua đó tăng dần tỷ lệ sản xuất có liên kết tiêu thụ qua từng năm.
Năm 2024, An Giang đặt mục tiêu thành lập mới ít nhất 45 HTX nông nghiệp, không chỉ tăng mạnh về số lượng mà phải có ít nhất 80% HTX hoạt động hiệu quả, 30% HTX tham gia liên kết tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp.
An Giang cũng tiếp tục đẩy nhanh triển khai phương thức hỗ trợ doanh nghiệp tham gia góp vốn, nhân sự, ứng dụng công nghệ vào HTX nông nghiệp, nhằm tăng nguồn vốn hoạt động, tập trung đất đai, tạo vùng sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị quy mô lớn, có khả năng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ…
Minh Khuê