Kể từ năm 2017 đến nay, huyện Tây Sơn đã triển khai thành công gần 20 mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở địa phương. Điển hình như mô hình chuyển đổi cây lạc gieo trồng trên đất lúa, chăn nuôi bò thịt, sản xuất lúa hữu cơ…
Chú trọng sản xuất sạch
Thuận Nghĩa là một thôn thuộc thị trấn Phú Phong, với hơn 50% số hộ trên địa bàn phát triển nghề trồng rau an toàn, gồm các loại rau quả đặc trưng như khổ qua, dưa leo, cải thảo, su hào, rau ngò…
Sau nhiều năm phát triển, để định hướng người dân sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, HTX nông nghiệp Thuận Nghĩa được thành lập, dẫn dắt các thành viên, hộ liên kết phát triển theo hướng VietGAP.
Các mô hình trồng rau màu theo hướng VietGAP đang được huyện Tây Sơn chú trọng phát triển (Ảnh TL) |
Giám đốc Quách Văn Cầu cho biết, HTX hiện có 6 nhóm sản xuất, được hỗ trợ để ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật, nâng cao giá trị canh tác và góp phần bảo vệ môi trường.
Trong quá trình sản xuất, thành viên HTX áp dụng quy trình VietGAP với những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Đơn cử, khi sử dụng phân bón, HTX ưu tiên dùng các loại phân chuồng ủ hoai, được xử lý vi sinh kỹ lưỡng trước khi bón cho cây trồng. Khối lượng phân bón khi sử dụng được HTX tính toán cụ thể, tránh tình trạng tồn dư, gây ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước.
Nhờ sản xuất khoa học, HTX nông nghiệp Thuận Nghĩa đang có bước phát triển ổn định, duy trì đà tăng trưởng 15 - 30%/năm về doanh thu, đời sống của thành viên, người lao động ngày càng được nâng cao.
Cũng gặt hái thành công nhờ sản xuất sạch, HTX nông nghiệp Tây Bình, xã Tây Bình đang là đầu tàu dẫn dắt hàng chục hộ thành viên và nông dân liên kết phát triển mô hình trồng lúa hữu cơ.
Với phương pháp hữu cơ, các hộ sản xuất loại bỏ hoàn toàn hóa chất độc hại, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật thân thiện môi trường.
Chính việc sản xuất khoa học gắn với bảo vệ môi trường đang giúp các cánh đồng lớn của HTX đạt năng suất bình quân 6,8 - 7,4 tấn/ha, thâm canh có thể đạt trên 7,5 tấn/ha. Khả năng thích hợp trên nhiều chân đất khác nhau, khả năng chịu ngập và chịu phèn mặn khá tốt.
Sức lan tỏa mạnh mẽ
HTX nông nghiệp Phú Phong 1, thị trấn Phú Phong cũng đang là một nhân tố điển hình trong phát triển sản xuất sạch. Mô hình trồng lúa quy mô lớn của HTX đang tạo hiệu ứng tích cực đến hàng trăm hộ nông dân trong và ngoài huyện.
Sản xuất lúa tại Tây Sơn đang được định hướng phát triển theo hướng hiện đại, chú trọng môi trường sinh thái (Ảnh TL) |
Bắt đầu tạo nên những thay đổi tích cực, có lợi nhuận ổn định từ năm 2018, nhưng phải đến năm 2019, HTX Phú Phong 1 mới khẳng định được vị thế vững chắc và trở thành một trong 9 HTX hoạt động hiệu quả trên địa bàn huyện Tây Sơn.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, những năm qua, thành viên HTX Phú Phong 1 và người dân trên địa bàn được hướng dẫn quy trình canh tác hữu cơ, VietGAP, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật, ưu tiên các loại phân bón thân thiện môi trường.
Ngoài ra, nhờ ý thức của người sản xuất ngày càng cao, trên những cánh đồng của HTX không còn tình trạng vứt vỏ bao bì, chai lọ, rác thải bừa bãi, từ đó giảm thiểu thoái hóa nguồn đất, nguồn nước, gia tăng chất lượng môi trường.
Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, các mô hình sản xuất xanh trên địa bàn huyện Tây Sơn đang cho thấy nhận thức của nông dân đã thay đổi về căn bản. Tư duy của nông dân đã chuyển biến theo hướng an toàn, hiệu quả và bắt đầu manh nha phát triển nông nghiệp sạch gắn với du lịch sinh thái.
Năm 2020, ngành nông nghiệp huyện Tây Sơn đang thực hiện nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, đặc biệt là tiếp tục triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, duy trì và phát triển vùng sản xuất rau Thuận Nghĩa theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, tăng cường phát triển các cánh đồng mẫu lớn, đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, nhất là chuỗi giá trị.
Nhật Minh