Cách đây vài tháng, ở ấp Đông Hòa B, xã Thới Tân (huyện Thới Lai) đã ra mắt HTX nông nghiệp Ổi ruột hồng Thới Tân. Đây là một nỗ lực liên kết rất lớn của bà con nông dân ở địa phương. Ông Lê Văn Truyền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thới Tân, cho biết: Sau một thời gian phối hợp với Liên minh HTX Tp. Cần Thơ và các ngành có liên quan, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, đã có nhiều hộ dân trồng ổi ruột hồng tham gia vào HTX.
Thới Tân chuyển mình
Hiện nay HTX này có 26 thành viên, diện tích canh tác khoảng 25 ha. Ổi ruột hồng của thành viên HTX đang cho trái, năng suất bình quân khoảng 55 – 60 tấn/năm/ha. Toàn bộ ổi của HTX đều được bao tiêu với mức giá 4.200 đồng/kg. Ước tính thu lợi nhuận mỗi ha khoảng 200 triệu đồng- 250 triệu đồng/ha/năm. Nếu so với làm lúa lợi nhuận 1 công ổi cao gấp 2-3 lần.
HTX nông nghiệp Ổi ruột hồng Thới Tân đang canh tác 25 ha ổi ruột hồng. |
Từ lúc tham gia vào HTX Ổi ruột hồng Thới Tân, các thành viên có thêm nhiều thuận lợi như được tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật canh tác nông nghiệp, cách thức chăm sóc cây trồng, hỗ trợ kỹ thuật bón phân, phun thuốc, hỗ trợ vốn, trao đổi kinh nghiệm canh tác, hỗ trợ nhau trong sản xuất và cuộc sống.
Bên cạnh HTX nêu trên thì xã Thới Tân còn có 42 tổ hợp tác đang đóng góp quan trọng vào tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã. Từ tiền đề phát triển kinh tế hợp tác đã và đang tạo thuận lợi để xã Thới Tân (đạt chuẩn xã nông thôn mới từ cách đây 5 năm) dồn sức để đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023.
Từ việc đổi mới sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân là mục tiêu chính của xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã Thới Tân vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện nay, trên địa bàn xã có 1.578,1ha đất sản xuất nông nghiệp với 7 cánh đồng lớn, tổng diện tích 900ha. Trong năm nay xã cũng xây dựng 4 sản phẩm OCOP, trong đó có một sản phẩm của HTX nông nghiệp Ổi ruột hồng Thới Tân.
Cùng với xã Thới Tân, trong năm nay huyện Thới Lai đang đang tập trung nguồn lực từng bước xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tính đến tháng 10/2023, huyện này có 12/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 7 xã nông thôn mới nâng cao và 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Thành quả này có sự đóng góp quan trọng của khu vực kinh tế hợp tác.
“Quả ngọt” từ chuỗi liên kết trồng nhãn
Điển hình như ở xã Tân Thạnh (huyện Thới Lai) sau khi xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao đang hướng đến chinh phục mục tiêu xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Liên kết trồng nhãn cùng các HTX giúp nông dân ở Thới Lai vươn lên giàu có. |
Trong xã Tân Thạnh hiện có 3 HTX và 35 tổ hợp tác sản xuất. Trong đó có HTX thanh nhãn Thuận Phát là một điển hình tiêu biểu về sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, thực hiện bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con nông dân như các loại nhãn, xoài, sầu riêng.
Sản phẩm thanh nhãn Tín Huy của HTX thanh nhãn Thuận Phát đã được Tp.Cần Thơ công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Thời gian qua HTX này (có diện tích canh tác hơn 25ha) đã vận động nhiều nhà vườn bắt tay hợp tác sản xuất các loại cây giống chất lượng cao, cung cấp cho nhiều nhà vườn đang có nhu cầu cải tạo lại vườn tạp để trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao.
Là một thành viên của HTX thanh nhãn Thuận Phát, ông Phạm Văn Mạnh, ở ấp Thới Thuận A, xã Tân Thạnh, cho biết nhờ được hỗ trợ vay vốn, giống cây, kỹ thuật của HTX nên ông lên bờ trồng thanh nhãn, lợi cao hơn nhiều lần trồng lúa.
Ông Nguyễn Đại Giao, Giám đốc HTX thanh nhãn Thuận Phát, cho biết HTX tích cực hướng dẫn nhà vườn các kỹ thuật canh tác từ cách trồng, chăm sóc đến thu hoạch cây ăn trái đều tuân thủ theo tiêu chuẩn GAP. Ngoài ra, HTX còn vận hành thêm các dịch vụ hỗ trợ thành viên bán sản phẩm, nông sản an toàn theo hợp đồng.
“Nhờ thực hiện đa dạng các dịch vụ hỗ trợ thành viên từ trồng đến thu hoạch, nên các mặt hàng trái cây, nông sản của HTX đã được nhiều doanh nghiệp, siêu thị ưu tiên lựa chọn để ký kết tiêu thụ với sản lượng ổn định”, ông Giao chia sẻ.
Từ việc phát triển các HTX đạt hiệu quả kinh tế cao như vậy đã góp phần giúp cho đời sống người dân ở xã Tân Thạnh ngày càng nâng cao, thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt trên 65,09 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn dưới 2,29%...
Hoặc như xã Định Môn (huyện Thới Lai) hồi tháng 4/2023 đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, sau khi đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao từ cách đây 3 năm. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 71,65 triệu đồng/người/năm, trên địa bàn xã hoàn toàn không còn hộ nghèo.
Hiện nay trên địa bàn xã Ðịnh Môn có 11 tổ hợp tác, 1 chi hội nghề nghiệp và 3 HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả đang góp phần thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang tập trung theo hướng hàng hóa. Xã còn phát triển sản xuất hữu cơ trên nhãn Idor, với diện tích 215ha đảm bảo liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, được chứng nhận VietGAP và đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Trong xã Định Môn có HTX nhãn Idor Ðồng Tâm là một điển hình của phát triển kinh tế hợp tác gắn với xây dựng nông thôn mới. Trung bình sản lượng nhãn của HTX này cung cấp cho thị trường khoảng 15 tấn/ha/năm.
Phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp
Nhờ liên kết giữa các hộ dân trồng nhãn, HTX nhãn Idor Ðồng Tâm có điều kiện tổ chức sản xuất nhãn cho trái rải vụ quanh năm và thuận lợi trong kết nối với doanh nghiệp xuất khẩu. Thành viên của HTX có thể đạt lợi nhuận hơn 150 triệu đồng/ha/năm. HTX hiện có gần 60 thành viên, với diện tích trồng nhãn Ido hơn 120ha, trong đó có 24ha đạt theo VietGAP. HTX cũng đang được ngành nông nghiệp huyện hỗ trợ xây dựng mô hình trồng nhãn theo hướng hữu cơ.
Huyện Thới Lai đang đặt mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. |
Trong năm 2023 này, thương hiệu nhãn ido Đồng Tâm của HTX cũng đã được Hội đồng đánh giá và phân hạng OCOP Tp. Cần Thơ công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc HTX nhãn idor Đồng Tâm, phấn khởi cho biết quá trình phát triển đi lên của HTX gắn chặt với quá trình xây dựng nông thôn mới ở xã Định Môn từ giai đoạn xã đạt chuẩn nông thôn mới, rồi nông thôn mới nâng cao và hiện giờ là xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo ông Hiền, nhận thức rõ xây dựng nông thôn mới là hướng tới mục tiêu đưa bộ mặt nông thôn và đời sống người dân lên tầm cao, cho nên với vai trò là Giám đốc HTX, vừa là nông dân hưởng lợi, nên HTX thường xuyên tham gia tổ chức các buổi tập huấn cho các thành viên. Đặc biệt là các chương trình phổ biến tiêu chuẩn xuất khẩu cho nông sản, để áp dụng cho vườn nhà và nhân rộng cho bà con thành viên.
Có thể thấy dấu ấn của các HTX, tổ hợp tác trong việc nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các xã của huyện Thới Lai là rất lớn. Hiện tại, trong huyện có hơn 30 HTX (thu hút trên 430 thành viên) và hơn 450 tổ hợp tác (thu hút trên 10.000 thành viên) đang ngày càng phát huy “vai lớn” trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và thực hiện chuẩn hóa sản xuất theo các quy trình, kỹ thuật tiên tiến.
Số lượng các HTX nông nghiệp phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị ở Thới Lai ngày càng tăng. HTX phát triển đa dạng các dịch vụ phục vụ thành viên, tạo cầu nối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, góp phần tạo thêm việc làm, thu nhập cho thành viên và lao động địa phương.
Đến nay, đa phần các HTX ở Thới Lai đều thực hiện liên kết đầu vào, đầu ra bằng các hợp đồng liên kết ổn định. Có nhiều HTX ứng dụng công nghệ cao và thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP, Global GAP. HTX giúp thu nhập nông nghiệp của các hộ thành viên tăng trung bình 10-15%, thậm chí tăng đến 20% nhờ việc giảm giá vật tư, phân bón đầu vào và tăng giá bán đầu ra các sản phẩm nông nghiệp
Tin rằng với “lá cờ đầu” của kinh tế tập thể đang phát triển vững mạnh như vậy sẽ góp phần giúp cho huyện Thới Lai sớm đạt mục tiêu huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.
Thanh Loan