Thuận Quý là một xã thuần nông nằm ven biển của huyện Hàm Thuận Nam. Sau khi đạt chuẩn xã nông thôn mới từ vài năm trước, bộ mặt nông thôn ở đây đã có sự thay đổi tích cực. Cùng với đó, địa phương xác định phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, trong đó có cây thanh long, là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Chuỗi giá trị thanh long VietGap ở Thuận Quý
Để giữ vững các tiêu chí nông thôn mới và hướng tới đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, thời gian qua xã Thuận Quý đã xây dựng thành công các mô hình về liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đã đem lại hiệu quả. Điển hình như mô hình sản xuất thanh long tiêu chuẩn VietGap theo chuỗi liên kết giá trị, đặc biệt là mô hình “Nông lâm kết hợp” đã mang lại hiệu quả cao…
HTX Dịch vụ Sản xuất Thanh Long Thuận Quý hiện có 100ha thanh long được chứng nhận VietGap. |
Bên cạnh đó, chính quyền xã đã hướng dẫn nông dân ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, áp dụng khoa học kỹ thuật, xen canh cây trồng hợp lý để phát triển kinh tế hợp tác và kinh tế hộ gia đình, nhờ đó mà người dân yên tâm hơn trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp.
Trong xã Thuận Quý có HTX Dịch vụ Sản xuất Thanh Long Thuận Quý đang xây dựng mô hình HTX sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị trái thanh long. HTX tích cực vận động bà con tham gia HTX để tập hợp nguồn lực góp công sức và huy động vốn đầu tư thiết bị bảo quản, sơ chế để nâng cao chất lượng sản phẩm thanh long đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm
Ngành nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam đã hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chế biến bảo quản sản phẩm, bảo vệ môi trường và chứng nhận VietGap cho gần 100ha thanh long của HTX Thuận Quý.
Bên cạnh đó, HTX đã hoàn thiện dây chuyền thiết bị, công nghệ để nâng cao chất lượng và hỗ trợ truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm thanh long. Ngoài ra, HTX còn tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, qua đó tạo động lực cho HTX tham gia bền vững vào chuỗi giá trị sản phẩm thanh long xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Tam, Giám đốc HTX Thuận Quý, cho biết: HTX hoàn thiện sản phẩm từ khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản để xây dựng quy chuẩn thực hành sản xuất tốt, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bà con thành viên HTX rất phấn khởi vì sản phẩm đã đủ điều kiện cho hợp đồng xuất khẩu thanh long.
Chế biến sâu cho trái thanh long ở Hàm Kiệm
Còn ở xã nông thôn mới Hàm Kiệm (huyện Hàm Thuận Nam), có tận mắt đến đây sẽ thấy màu xanh bạt ngàn của vườn thanh long tạo nên bức tranh quê trù phú. Những con đường bê tông thẳng tắp, những ngôi nhà mới khang trang mọc lên, các công trình dân sinh được xây dựng kiên cố đã minh chứng cho sự thay đổi diện mạo của vùng quê căn cứ cách mạng ngày nào.
Sản phẩm tương thanh long của HTX dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Kiệm. |
Trong xã có HTX dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Kiệm với mô hình chế biến các sản phẩm từ trái thanh long. Điển hình như làm tương từ trái thanh long. Đây là một trong những ý tưởng mới lạ, độc đáo và đã ứng dụng vào thực tế từ tâm huyết của bà Hồ Thị Bạch Hoàng, Giám đốc HTX.
Bà Hoàng đã suy nghĩ, Bình Thuận là vùng đất thanh long, trái thanh long lại có nguồn dinh dưỡng cao, nếu được chế biến thành tương sẽ là thực phẩm tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Vì vậy, nếu sản phẩm tương thanh long ra đời được thị trường chấp nhận sẽ phần nào giúp người nông dân giải quyết thêm một phần sản lượng trái tươi, có thêm thu nhập. Những yếu tố đó càng thôi thúc bà Hoàng quyết tâm hơn trong việc sản xuất tương từ trái thanh long.
Cách đây 2 năm, tương thanh long với 2 loại sản phẩm đỏ và đen có các hương vị như ngọt, mặn, chua cay của HTX dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Kiệm đã ra đời và được thị trường chào đón. Tuy nhiên, để sản phẩm được tiêu dùng rộng rãi hơn thì HTX còn nhiều việc phải làm.
Việc làm tương từ thanh long không phải là sản phẩm đầu tiên của HTX với trái thanh long. Trước đó, HTX dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Kiệm từng làm các loại bánh mứt thanh long, siro thanh long, búp thanh long muối, rượu thanh long…
Hiện nay chính quyền huyện Hàm Thuận Nam đang có dự án liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế gắn với tiêu thụ sản phẩm thanh long an toàn, theo hướng GlobalGAP tại HTX dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Kiệm với diện tích 103,6 ha.
Bà Hồ Thị Bạch Hoàng kỳ vọng thời gian tới sẽ có đầu ra ổn định hơn nữa cho các mặt hàng chế biến từ trái thanh long của HTX. Hơn nữa, người trồng thanh long rất cần sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các HTX, doanh nghiệp sản xuất thanh long trong tỉnh Bình Thuận. Trong đó, các doanh nghiệp lớn cần tạo điều kiện hỗ trợ cho các HTX, tổ hợp tác quy mô nhỏ phát triển bền vững hơn, nông dân trồng thanh long sẽ yên tâm sản xuất.
Giúp nông dân nhận thức lợi ích liên kết chuỗi
Hy vọng với những mô hình mới của HTX dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Kiệm sẽ góp phần giúp cho xã Hàm Kiệm sớm về đích xã nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.
Trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam đã hình thành 4 dự án liên kết sản xuất theo hình thức liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm trên cây thanh long. |
Cùng với hai xã Thuận Quý và Hàm Kiệm, tính đến nay toàn huyện Hàm Thuận Nam có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác giảm nghèo của huyện có những chuyển biến, nhất là xây dựng phát triển nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo và hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết thanh long nhằm tạo sinh kế bền vững. Thành quả này có sự đóng góp tích cực của hoạt động kinh tế tập thể khi đã có những bước chuyển biến, với 14 HTX đang hoạt động.
Với cây trồng chủ lực là thanh long, mục tiêu của huyện Hàm Thuận Nam là sản xuất ra các sản phẩm đạt chất lượng, an toàn tới người tiêu dùng, đảm bảo quy trình an toàn cho người sản xuất và ổn định đầu ra sản phẩm, do đó huyện đã áp dụng chương trình sản xuất liên kết chuỗi thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP.
Huyện Hàm Thuận Nam hiện có diện tích canh tác cho cây thanh long là 13.699 ha, trong đó có 7.624 ha/4.711 hộ/218 tổ, nhóm được cấp chứng nhận VietGap, chiếm 56% tổng diện tích thanh long của huyện. Ngoài ra, huyện Hàm Thuận Nam còn áp dụng chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGap với diện tích được công nhận là 457 ha và 100 ha được cấp chứng nhận sản xuất hữu cơ.
Thời gian qua trên địa bàn huyện đã hình thành 4 dự án liên kết sản xuất theo hình thức liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ trên cây thanh long.
Với lợi thế có cây thanh long là cây trồng chủ lực, huyện đã triển khai và huy động được một số HTX sản xuất nông nghiệp và các tổ, nhóm sản xuất thanh long VietGAP tham gia chuỗi liên kết với 3 HTX: HTX Hàm Minh 30, HTX Hàm Kiệm, HTX Quốc Cường và 1 Tổ hợp tác sản xuất thanh long VietGAP (tại xã Mương Mán). Đồng thời, đã kêu gọi được 4 doanh nghiệp, 1 HTX tiêu thụ trái thanh long tham gia vào các dự án liên kết.
Với các dự án trên, trong đó tập trung chủ yếu vào sản phẩm trái thanh long, bước đầu chính quyền huyện Hàm Thuận Nam đã giúp đầu ra cho nông dân với giá thành ổn định, tránh tình trạng ép giá khi tới mùa vụ. Đồng thời, giúp nông dân nhận thức được lợi ích của việc tham gia chuỗi liên kết giá trị, và tự nguyện tham gia mô hình kinh tế tập thể. Từ đó tạo cho đời sống của người nông dân trồng thanh long ngày càng nâng lên, góp phần cho địa phương tăng thêm nội lực để đạt và giữ vững các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Thanh Loan