Ở xã Ea Pô có HTX Sản xuất thương mại – dịch vụ Bình Minh chuyên sản xuất, kinh doanh các ngành hàng hồ tiêu, ca cao, cà phê… Đây là một trong những đơn vị tiêu biểu ở huyện trong phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Tập hợp nông dân sản xuất hồ tiêu bền vững
HTX Bình Minh đang liên kết với 88 thành viên sản xuất 97,83 ha hồ tiêu theo chuẩn Rainforest Alliance. Sản phẩm của HTX được các công ty gia vị của nước ngoài ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định.
HTX Sản xuất thương mại – dịch vụ Bình Minh phấn đấu có khoảng 300 ha hồ tiêu được chứng nhận Rainforest Alliance. |
Ông Lê Anh Sơn, Giám đốc HTX cho biết, trong số 88 thành viên đã được chứng nhận sản xuất hồ tiêu bền vững Rainforest Alliance, có tới 70 hộ là dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Thái…
Quy mô hoạt động của HTX Bình Minh không chỉ dừng lại trong địa bàn huyện Cư Jút mà còn được mở rộng ở nhiều địa bàn như: Đắk Song, Đắk Mil, Krông Nô… Các hoạt động của HTX đã mang lại rất nhiều lợi ích cho nông dân, nhất là khâu tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.
HTX này đang phối hợp cùng Công ty Freshler Việt Nam đưa các sản phẩm như: Tiêu xanh ngâm mắm, tiêu trắng, tinh bột nghệ, tinh bột nghệ mật ong... vào 19 siêu thị bán lẻ
Với phương châm sản phẩm nông sản phải đảm bảo 2 yếu tố: Chất lượng tốt và số lượng lớn, HTX Bình Minh đã liên kết cùng các HTX, nhóm hộ để chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, tạo ưu thế trong đàm phán thị trường.
Để tập hợp nông dân sản xuất hồ tiêu bền vững, HTX đã tìm hướng đi mới. Dự kiến trong năm tới, HTX thu hút khoảng 250 hộ tham gia trồng hồ tiêu bền vững, và phấn đấu có khoảng 300 ha hồ tiêu được chứng nhận Rainforest Alliance.
Đến nay, chỉ riêng ngành hàng hồ tiêu, HTX Bình Minh đã liên kết với 13 HTX và 1 nhóm hộ (khoảng 775 nông hộ), với diện tích sản xuất đạt 1.138,6 ha, sản lượng hơn 2.710 tấn/năm.
Trong chuỗi liên kết hồ tiêu, HTX Bình Minh đã liên kết với Công ty TNHH Chế biến gia vị Ned Spice Việt Nam để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Hiện, HTX đã xuất khẩu được trên 300 tấn hồ tiêu thông qua công ty này. Nhờ đó, doanh thu xuất khẩu hồ tiêu của HTX đạt trên 19 tỷ đồng/năm, trong đó giá trị gia tăng cho nông dân đạt gần 900 triệu đồng.
Thời gian qua, HTX này đã phối hợp doanh nghiệp tăng cường tập huấn tại vườn rẫy về kỹ thuật chăm sóc hồ tiêu bền vững theo các tiêu chuẩn VietGAP, Rainforest Alliance cho 300 nông dân thuộc các xã Đắk Wil, Đắk D’rông, Cư K’nia, thị trấn Ea T’ling (huyện Cư Jút).
Thông qua các buổi tập huấn như vậy giúp cho nông dân có kỹ năng thăm vườn, đánh giá mức độ sinh trưởng, phát triển của hồ tiêu, đánh giá mức độ gây hại của sâu bệnh hại. Từ đó, nông dân từ bỏ tập quán trồng trọt, chăm sóc hồ tiêu bằng thuốc hoá học độc hại, nắm vững kiến thức, góp phần thúc đẩy các dự án sản xuất, kinh doanh hồ tiêu Việt Nam phát triển bền vững.
Liên kết trồng gấc giúp nâng cao thu nhập
Còn ở thị trấn Ea T'ling (huyện Cư Jút) có HTX Nông - Lâm nghiệp Nam Hà trong nhiều năm nay đã liên kết với hơn 300 nông hộ ở địa phương và các vùng lân cận để trồng gấc.
Liên kết trồng gấc cùng HTX Nông - Lâm nghiệp Nam Hà giúp nông dân huyện Cư Jút nâng cao thu nhập. |
HTX này thu mua gấc của thành viên với giá từ 7.000 - 10.000 đồng/kg. Với năng suất khoảng 4 tấn/vụ, chưa trừ chi phí, người trồng sẽ có thu khoảng 24 triệu đồng/sào.
Đây là nguồn thu đáng kể khi ngành nông nghiệp đang khuyến khích nông dân đa dạng hóa cây trồng, đồng thời tận dụng được vật tư từ các vườn tiêu sâu bệnh. Mỗi năm, 1 ha gấc, nông dân có lời từ 100 - 150 triệu đồng.
Đến nay, vùng nguyên liệu gấc của HTX Nam Hà đã lên tới 150ha, tạo việc làm cho hơn 300 lao động, tập trung ở các huyện: Cư Jút, Đắk Mil, Krông Nô (Đắk Nông), Ea Kar và Buôn Đôn (Đắk Lắk).
Theo ông Trần Văn Định, Giám đốc HTX Nam Hà, với vùng nguyên liệu rộng lớn, HTX đầu tư xây dựng nhà máy chế biến để nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân. Hiện nay, HTX trực tiếp sản xuất các sản phẩm như: dầu gấc nguyên chất, hóa mỹ phẩm gấc, viên nang gấc, màng gấc, bột gấc đông lạnh, phở gấc, bún gấc, bánh tráng gấc…
Với diện tích hiện có, năng suất bình quân 20-30 tấn quả/ha, mỗi năm sản lượng gấc của HTX đạt 3.000 tấn, doanh thu của thành viên và nông hộ đạt hơn 21 tỷ đồng. Trong số 300 hộ nông dân đang liên kết trồng gấc với HTX, những năm gần đây, mỗi năm có từ 15 - 20 hộ thoát nghèo.
Bằng cách làm hiệu quả như vậy, những năm tới, HTX Nông-Lâm nghiệp Nam Hà xác định mở rộng vùng nguyên liệu gấc lên 400ha, đảm bảo việc làm ổn định cho 800 lao động, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa.
Cùng với hai HTX điển hình nêu trên, trong những năm qua, mô hình HTX trên địa bàn huyện Cư Jút hoạt động có hiệu quả, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Huyện Cư Jút hiện có 25 HTX. Các HTX trên địa bàn đều phát huy được vai trò kết nối với các doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản cho các thành viên và các hộ gia đình trên địa bàn. Các thành viên HTX được tham gia tập huấn, chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phương thức sản xuất.
Tạo hướng đi đúng cho kinh tế tập thể
Cùng với đó, huyện Cư Jút còn tạo điều kiện cho các chủ thể kinh tế tập thể tiếp cận các chương trình, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước để các tổ chức kinh tế tập thể vươn lên đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tạo hướng đi đúng cho kinh tế tập thể giúp cho huyện Cư Jút vững vàng nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. |
Xác định kinh tế tập thể là một trong những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển đúng hướng, bền vững, những năm qua, huyện Cư Jút đã có những giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, vai trò của chính quyền địa phương đã thể hiện nổi bật trong chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách có liên quan đến kinh tế tập thể.
Theo ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Cư Jút, huyện đang triển khai chính sách kêu gọi, hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với nông dân, HTX, tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, sản xuất nông nghiệp của huyện từng bước chuyển từ nông nghiệp số lượng sang chất lượng, giá trị cao.
Bên cạnh đó, Hội nông dân huyện Cư Jút đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tham gia vào các HTX, tổ hợp tác. Nhờ đó, khu vực kinh tế này không ngừng phát triển, góp nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao đời sống cho nông dân.
Đơn cử như ở xã Tâm Thắng, với yêu cầu đổi mới sản xuất, Hội Nông dân xã đã vận động thành lập Tổ hội trồng nấm hữu cơ. Tổ hội có 14 thành viên, với diện tích nhà xưởng trên 3.000 m2, chủ yếu trồng nấm mèo, nấm sò, nấm rơm… Sản phẩm của Tổ hội được đánh giá đạt chất lượng cao, đang bán tại thị trường trong tỉnh, các tỉnh lân cận.
Hiện nay, UBND huyện Cư Jút đang hỗ trợ Tổ hội trồng nấm hữu cơ Tâm Thắng các thủ tục chứng nhận sản phẩm OCOP. Đây là cơ sở để tiến tới thành lập HTX trồng nấm.
“Chúng tôi tin rằng, khi HTX được thành lập, sản xuất, chế biến nấm sẽ được nâng cao giá trị, tăng hiệu quả kinh tế hơn cho nông dân”, ông Đỗ Lần, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tâm Thắng cho biết.
Thời gian qua, huyện Cư Jút đã triển khai nhiều giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và thoát nghèo bền vững. Nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn đã góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của đại bộ phận người dân, từ đó giúp đời sống của bà con trong huyện được nâng lên về mọi mặt, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng được kéo giảm. Trong năm 2022, toàn huyện có 1.183 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,33%, huyện đang nỗ lực để năm 2023 giảm tỷ lệ này xuống còn 3,17%.
Đặc biệt là huyện đã lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong nội dung tái cơ cấu nông nghiệp. Trong đó, huyện chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, Cư Jút có 7/7 xã giữ vững được 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Với quyết tâm nâng cao mức độ đạt các tiêu chí trong thời gian tới, huyện phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Thanh Loan
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 -2025 |