Miền núi Quảng Ngãi là nơi có nhiều hồ, đập thủy lợi, sông, suối thuận lợi cho phát triển nuôi cá nước ngọt. Toàn vùng hiện có hơn 750ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản. Tận dụng thế mạnh này, đồng bào các dân tộc thiểu số ở các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây, Tây Trà, Trà Bồng đã phát triển nghề nuôi cá ở hộ gia đình.
Hỗ trợ phát triển nghề nuôi cá
Với nguồn nước trong lòng hồ cùng nguồn thức ăn phong phú cho cá phát triển tốt, anh Phạm Văn Khanh, ở xã Ba Động, huyện Ba Tơ đã triển khai mô hình nuôi cá ở hồ thủy lợi Suối Loa. Từ 2 lồng nuôi cá điêu hồng, đến nay anh Khanh đã có 8 lồng nuôi, chủ yếu là 3 loại cá lăng nha, thát lát và điêu hồng.
Qua hai năm nuôi cá, gia đình anh dần ổn định cuộc sống. Theo anh Khanh, anh nuôi chủ yếu cá thát lát với số lượng là 10.000 con, sau gần 5 tháng thả nuôi, cá sinh trưởng tốt, trọng lượng bình quân trên 100 g/con, tỷ lệ sống đạt trên 90%.
Nuôi cá lồng bè trong lòng hồ mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con miền núi Quảng Ngãi (Ảnh: TL) |
Có thể nói, mô hình nuôi cá lồng bè ở hồ thủy lợi bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, thu hút nhiều hộ dân tự làm lồng bè nuôi cá. Theo đó, chính quyền huyện Ba Tơ đã có những chính sách hỗ trợ người dân vay vốn không lãi suất để mở rộng mô hình nuôi cá nước ngọt.
Năm qua, Trung tâm khuyến nông phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp 2 huyện Sơn Hà và Ba Tơ triển khai mô hình thử nghiệm nuôi cá thát lát thương phẩm trong lồng trên các lòng hồ thủy lợi, thủy điện.
Các hộ nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% con giống, thức ăn và thuốc, hóa chất. Khi bắt đầu thả nuôi, tuần đầu tiên, cán bộ và người nuôi cá phải túc trực thường xuyên tại bè để kiểm tra dịch bệnh, giúp cá thích hợp với môi trường mới. Sau đó, người dân làm theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.
Lãnh đạo huyện Ba Tơ cho biết, để giúp nông dân nắm vững về quy trình, kỹ thuật nuôi cá thát lát thương phẩm trong lồng, trung tâm khuyến nông đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho 50 lượt nông dân trong và ngoài mô hình. Bên cạnh đó, chọn cá đồng đều, nguồn cá giống uy tín, để đảm bảo kiểm soát được nguồn dịch bệnh.
Hiệu quả từ liên kết chuỗi
Từ thành công mô hình này, nhiều xã đã thành lập THT liên kết nuôi cá theo chuỗi mang lại giá trị kinh tế cao. Trong đó, nổi trội hơn cả là THT nuôi cá (xã Ba Liên, huyện Ba Tơ). Có thể nói, đây là mô hình hợp tác nuôi cá nước ngọt hiệu quả nhất ở miền núi Quảng Ngãi.
THT nuôi cá Ba Liên được thành lập trên tinh thần tự phát, cùng nhau xây dựng những quy định hoạt động trên tinh thần dân chủ, hợp lý. Mỗi thành viên THT trang bị phương tiện đánh bắt ghe, xuồng và lưới giống nhau.
Mùa thu hoạch cá ở Ba Liên (Ảnh: TL) |
Mỗi năm mỗi hộ đóng góp tiền xây dựng quỹ cho tổ 1,2 triệu đồng để tổ chi cho việc mua con giống thả nuôi tái tạo nguồn lợi thủy sản và bồi dưỡng cho đội bảo vệ cá. Hàng năm thời gian chăm sóc, bảo vệ từ tháng 1 đến tháng 5. Mùa thu hoạch cá từ tháng 6 đến tháng 12. Đến mùa thu hoạch, tư thương đến tận hồ để mua cá hằng ngày.
THT có 43 hộ đồng bào dân tộc Hrê tham gia nuôi các loại cá mè, cà trôi, cá trắm cỏ trên diện tích mặt hồ hơn 200 ha... Thu nhập từ nghề nuôi cá của các thành viên trong tổ cũng khác nhau. Người đánh bắt giỏi thì có mức thu nhập cao hơn. Có hộ đạt mức thu nhập 30 triệu đồng/tháng.Từ ngày xây dựng THT bà con trong tổ rất phấn khởi, đoàn kết cùng giúp nhau thoát nghèo.
Ông Phạm Văn Lênh, Tổ trưởng THT nuôi cá phấn khởi: “Ba Liên không có nghề gì thuận lợi và có thu nhập bằng nghề nuôi cá. Mỗi năm từ nghề này, bà con trong tổ hợp tác thu hoạch được từ 80 đến 90 tấn cá các loại, tính ra tổng thu cũng được gần một tỷ đồng”.
Hiện, mô hình này đang được nhiều hộ gia đình các dân tộc, các địa phương trong tỉnh thăm quan học tập kinh nghiệm để tìm cách thoát nghèo.
Nguyễn Đan