Trở về với sản vật quê hương
Anh Sơn cho hay, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Toán - Tin, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, anh xin vào giảng dạy tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Tiên Phước). Sau 2 năm giảng dạy, cảm thấy bản thân không hợp với nghề giáo nên anh quyết định ra Đà Nẵng học làm kinh doanh. Khi đã có được một số vốn trong tay, anh quyết định quay trở về quê mở Công ty TNHH MTV Đặc sản xứ Tiên.
Anh Sơn đầu tư 200 triệu đồng để thực hiện mô hình trồng rau sạch (Ảnh: TL) |
“Hơn 5 năm ở Đà Nẵng, mình nhận thấy nhiều người ưa chuộng sản vật quê nhà nhưng lại chưa có điều kiện quảng bá. Nếu sản vật xây dựng được thương hiệu, uy tín thì sẽ đem lại thu nhập cao cho người dân địa phương. Chính suy nghĩ này đã thôi thúc mình trở về”, anh Sơn chia sẻ.
Mỗi năm, công ty của anh Sơn thu mua rất nhiều đặc sản như: nghệ xứ Tiên, tiêu Tiên Phước, lòn bon, mật ong rừng... để tiêu thụ cũng như quảng bá sản phẩm ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, đa số đặc sản ở Tiên Phước chủ yếu theo mùa và chưa tập trung nên việc thu mua còn một số khó khăn cho người dân địa phương.
Tháng 9/2017, khi có đủ điều kiện, anh Sơn cùng 8 người khác ở trong xã thành lập HTX Nông nghiệp Tiên Châu, do chính anh làm Giám đốc. Với hướng đi trồng rau sạch, anh đã mạnh dạn thuê 1,6ha tại một cánh đồng ở thôn Hội An để có đất trồng rau. Tiếp đó, anh đầu tư 200 triệu đồng để làm nhà lưới, giếng khoan, mở đường vào khu trồng rau.
Khu đất này vốn dĩ bỏ hoang, cây dại mọc đầy, nên lúc anh quyết định trồng rau theo phương pháp kỹ thuật mới thì nhiều người ái ngại vì sợ công sức bỏ ra nhiều mà chất lượng và đầu ra không có gì đảm bảo. “Nhưng bản thân mình lại nghĩ khác, thị trường bây giờ đang rất ưa chuộng sản phẩm sạch nên mình mới mạnh dạn thuê đất để trồng rau thí điểm theo phương pháp hữu cơ”, anh cho biết thêm.
Mở rộng quy mô
Từ khi bắt tay vào triển khai mô hình, anh thường xuyên tìm kiếm tài liệu liên quan đến kỹ thuật trồng rau sạch trên mạng. Mô hình triển khai đến đâu, anh tham khảo đến đó và tự đúc kết kinh nghiệm qua từng lứa rau.
Các sản phẩm biến đổi gen đều không được phép sử dụng trong ruộng rau hữu cơ (Ảnh: TL) |
Nhận thấy mô hình đi đúng hướng, anh quyết định mở rộng quy mô và trồng thêm nhiều loại rau. Đến nay, HTX của anh trồng hơn 20 loại rau củ quả, như xà lách, đậu bắp, cà chua, đậu cô ve, ngọn bí, rau tần ô, khổ qua...
Được biết, mỗi thành viên tham gia trồng rau ở HTX đều trồng 2 - 3 loại rau củ quả theo mùa để phục vụ nhu cầu thực phẩm hàng ngày của người dân trong huyện. Mỗi hộ tham gia trồng đều phải tuân theo quy định của HTX.
Theo đó, các loại phân bón hóa học, chất kích thích sinh trưởng và các sản phẩm biến đổi gen đều không được phép sử dụng trong ruộng rau hữu cơ. Người nông dân tham gia trồng rau tại HTX sẽ được hướng dẫn sử dụng các loại phân bón ủ từ các loại cây, sản phẩm thải của gia súc, gia cầm, bảo đảm cung cấp chất dinh dưỡng cho rau một cách tự nhiên.
Với tiêu chí “sạch” được đặt lên hàng đầu, từ khâu xuống giống, thu hoạch và cả phân bón đều được kiểm soát chặt. Sản phẩm rau sạch của HTX lại được chính Công ty Đặc sản xứ Tiên của anh Sơn bao tiêu sản phẩm, sau đó cung cấp rau sạch trên địa bàn huyện.
Mỗi ngày, HTX cho ra thị trường khoảng 80 - 100kg rau an toàn. Đều đặn mỗi tháng, HTX cung cấp ra thị trường 3 - 4 tấn rau sạch, cho doanh thu hơn 150 triệu đồng.
HTX Nông nghiệp Tiên Châu là một trong hai mô hình rau sạch đầu tiên ở huyện Tiên Phước. Mô hình rau sạch của HTX đã góp phần tạo động lực thúc đẩy, phát triển du lịch sinh thái nơi làng quê Tiên Phước.
Ngọc Giang