Với đam mê khởi nghiệp từ chăn nuôi, sau khi tôt nghiệp đại học, anh Nguyễn Đức Cương và Võ Đông Biểu (Đại Lộc, Đại Đồng) đã mạnh dạn thuyết phục gia đình về ý tưởng đầu tư của mình. Lúc bấy giờ, việc xây dựng một mô hình kinh doanh có đầu tư đối với hai sinh viên vừa ra trường là cả một vấn đề.
Đàn heo rừng sinh trưởng tốt trong môi trường tự nhiên (Ảnh: TL) |
Khởi nghiệp từ...nuôi dế
Tháng 10/2015, nhờ sự ủng hộ của gia đình, các anh thành lập THT Đại Đồng Phát với số vốn đầu tiên là 500 triệu đồng. Trước tiên, các anh thử sức với việc nuôi dế trong trang trại lúc bấy giờ rộng 0,5ha. Tiếp sau đó là những chuỗi ngày khó khăn đưa tới.
Theo như chia sẻ của hai anh: “Vòng đời của dế ngắn, chỉ 2 tháng là có dế thương phẩm, sau đó, chúng đẻ trứng và chết, nhưng đi hỏi các quán nhà hàng, quán nhậu thì không ai mua, đành sơ chế và cất vào tủ lạnh ăn dần”.
Không chịu từ bỏ ước mơ của mình, sau vài tháng trời khởi nghiệp, họ may mắn tìm được đầu ra ổn định và quyết định bỏ thêm vốn mở rộng quy mô đầu tư.
Tháng 6/2016, THT chuyển lên HTX Đại Đồng Phát, thời điểm đó, số vốn bỏ ra đã chạm ngưỡng 1tỷ đồng. Nhìn nhận xu hướng của thị trường, hai thanh niên tiếp tục đầu tư vào nuôi rắn mối, nuôi gà và mở rộng quy mô nuôi heo rừng, heo thịt, nuôi cá.
Bên cạnh đó, nghiêng về lĩnh vực trồng trọt, hai người trẻ không ngại học hỏi mở rộng đất trồng chanh không hạt, chuối lùn... Hai ao nuôi cá trắm cỏ, cá gáy để cải thiện kinh tế đã hình thành trên diện tích hàng trăm mét vuông. Cả hàng trăm gốc chanh không hạt được trồng đã mang lại hiệu quả cao.
Mặc dù chỉ mới thành lập nhưng doanh thu của HTX đạt đến con số 150 triệu đồng/năm. Đến nay, mỗi năm HTX thu về doanh thu hơn 300 triệu đồng.
Đến phát triển chăn nuôi heo rừng
Vốn có nền tảng kiến thức, nhanh nhạy, các anh dễ dàng tiếp cận kỹ thuật nuôi heo rừng và đúc kết kinh nghiệm qua nhiều đợt đi tham quan mô hình. Theo đó, các anh đã bỏ ra cả trăm triệu đồng để mua con nái giống heo rừng có nguồn gốc Thái Lan vốn mắn đẻ, nuôi con tốt từ trại giống Hòa Sơn và con đực giống heo rừng trong nước từ một gia trại quân đội.
Qua 2 năm thả nuôi, con lai F1 đầu dòng được giữ lại làm giống để nhân đàn, còn các lứa heo rừng F2 sau 1,5 tháng tách mẹ được đưa vào nuôi thương phẩm đạt trọng lượng khoảng 40 - 60kg là xuất bán. Thông thường, mỗi con heo rừng lai tầm 30kg hơi có giá 4,2 - 4,5 triệu đồng, con 40kg hơi tầm 5 đến 6 triệu đồng.
Ngoài heo rừng, HTX còn phát triển heo nái sinh sản và heo siêu nạc (Ảnh: TL) |
Khu chăn nuôi heo của HTX nằm trong tổng diện tích 5.000m2, thuộc gò Miếu Ông (thôn Lâm Tây), cao ráo, thuận lợi về điện, nước. Với heo đực giống và nái sinh sản, trọng lượng mỗi con cả trăm ký, giá trị lên tới cả trăm triệu đồng/con tùy từng thời điểm. Đến nay, đàn heo rừng ở khu chăn nuôi lên tới hơn 60 con.
Không chỉ nuôi heo rừng, HTX Đại Đồng Phát còn mở rộng diện tích chuồng trại chừng 50m2 nuôi heo nái sinh sản và heo siêu nạc với tổng đàn lên tới 40 con.
Theo đó, mô hình nuôi heo sinh sản theo hướng công nghiệp có sự liên kết với doanh nghiệp đã được hình thành trên diện tích chuồng trại chừng 100m2.
Hiện, HTX đã kết nối với Tập đoàn Cipi, đầu tư chuồng trại cả trăm triệu đồng nuôi heo nái sinh sản và hậu bị, tạo con lai sữa và chuyển sang nuôi heo thịt theo hướng công nghiệp.
Với những thành công đem lại, mô hình kinh tế của các anh đã được thanh niên trên địa bàn học hỏi, phát triển. “Muốn một phong trào nào đó có sức ảnh hưởng mạnh đến đoàn viên, thanh niên thì cần có sự tiên phong, gương mẫu của thủ lĩnh. Nếu mạnh miệng hô hào mà khoanh tay đứng nhìn thì mọi sự việc rất khó thành công”, anh Nguyễn Đức Cương - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Đồng Phát chia sẻ.
Ngọc Giang