Ngọc Đào là một xã thuộc huyện Hà Quảng. Nếu như năm 2014, nhiều con đường trong xã vẫn là đường đất hoặc đã được đổ bê tông nhưng theo kiểu bỏ dở vì thiếu nguồn lực thì nay, tất cả các tuyến đường ở Ngọc Đào đã được bê tông. Xã đã có đường ô tô đến tận trung tâm huyện, giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn.
Giảm nghèo từ cây thuốc lá
Trước đây, người dân trong xã Ngọc Đào tuy tập trung làm nông nghiệp nhưng chỉ canh tác lúa, ngô, lạc, thuốc lá và kết hợp chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún nên tổng thu nhập hằng năm của các hộ dân thấp. Người dân cũng không có khái niệm và hứng thú với mô hình kinh tế tập thể, HTX.
Vậy nhưng thời gian gần đây, người dân đã coi liên kết 4 nhà, tham gia HTX là điều hiển nhiên, giúp thuận lợi trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế.
Chẳng hạn như với truyền thống trồng cây thuốc lá, người dân xã Ngọc Đào đã liên kết và tham gia HTX Ngọc Đào, từ đó HTX và địa phương liên kết với Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá để phát triển loại cây này theo hướng hàng hóa.
Hàng năm, nhân dân được hỗ trợ kỹ thuật, giống, lò sấy, cho vay phân bón, hướng dẫn kỹ thuật gieo ươm, trồng, chăm sóc, ngắt ngọn, thu hái và bao tiêu sản phẩm.
Anh Đàm Văn Cường (xã Ngọc Đào), cho biết trước đây chăm cây thuốc lá rất cực, người dân phải thường xuyên đi bẻ chồi. Tuy nhiên, từ khi được hỗ trợ kỹ thuật, người dân có thể diệt chồi bằng thuốc nên giảm bớt công chăm sóc mà vẫn bảo đảm năng suất, chất lượng.
Hiện, thuốc lá là một trong những cây trồng chủ lực ở Ngọc Đào giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương. Vụ đông xuân năm 2022 - 2023, xã Ngọc Đào phối hợp với nhà đầu tư, HTX và bà con nhân dân triển khai gieo trồng 353,2 ha thuốc lá. Trung bình thu nhập mỗi hộ trong xã là khoảng gần 90 triệu đồng/năm, góp phần đáng kể vào chương trình xóa đói giảm nghèo của địa phương. Đến nay, thu nhập bình quân của người dân đã đạt 40 triệu đồng/năm.
Theo đánh giá của UBND xã Ngọc Đào, hầu hết các hộ đã sắm được xe máy, máy cày, ô tô, các thiết bị nghe nhìn phục vụ nhu cầu cuộc sống. Năm 2000, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 35%, đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo vẫn trên 20% nhưng đến nay đã giảm xuống dưới 5%. Có được điều này là nhờ người dân và địa phương đã có cái nhìn đúng đắn về cây thuốc lá. Thuốc lá không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà đã trở thành cây làm giàu cho nông dân.
Cũng lấy thuốc lá làm cây trồng thế mạnh, xã Đa Thông đã phát triển 157 ha, trong đó 98% là cây giống mới như: G6, G7, G12. Trước đây, do chưa biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cuộc sống người dân trong xã luôn gặp khó khăn, hàng năm thiếu lương thực từ 1 - 2 tháng. Tuy nhiên, việc liên kết với doanh nghiệp để cam kết bao tiêu, hỗ trợ giống, phân bón đồng thời thành lập tổ hợp tác trồng cây thuốc lá để thuận tiện phát triển sản xuất trên quy mô lớn đã giúp nhiều người dân có nguồn thu cao hơn trước.
Anh Dương Văn Thuật (xóm Long Giang, xã Đa Thông) cho biết, cây thuốc lá mang về cho gia đình anh trung bình 40-50 triệu đồng/năm trên diện tích 4.000 m2. Đây là mức thu nhập khá cao so với trồng ngô, rau màu.
Theo thống kê, huyện Hà Quảng đã phát triển 1.070 ha cây thuốc lá. Xác định, thuốc lá là một trong những cây trồng mang lại nguồn thu khá tốt, giúp người dân ở nhiều xã giảm nghèo, các cơ quan chức năng huyện Hà Quảng đã phối hợp với các doanh nghiệp chuyên sản xuất thuốc lá nhằm tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất loại cây trồng này. Doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm thông qua HTX, đồng thời hỗ trợ cho người dân vay vốn ưu đãi để xây dựng lò sấy thuốc lá.
Mở rộng cây trồng, vật nuôi
Không chỉ tập trung phát triển cây thuốc lá, được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, người dân trong huyện Hà Quảng đã phát triển đa dạng các loại cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa, đầu tư mạnh về khoa học kỹ thuật.
Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp - Chăn nuôi Bảo Hưng (xã Trường Hà) đã giúp người dân, thành viên nâng cao thu nhập, giảm nghèo từ chăn nuôi liên kết. Hiện HTX có 3.000 con gà mái (mỗi ngày cho khoảng 700 quả trứng), 40 con lợn nái, lợn thịt. Trang trại chăn nuôi của HTX được đầu tư bài bản, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Mô hình của HTX đã thu hút sự liên kết của doanh nghiệp trong bao tiêu, từ đó giúp HTX có nguồn thu hàng tỷ đồng/năm. Riêng người lao động làm trong HTX có thu nhập trung bình từ 6-7 triệu đồng/tháng.
Cây thuốc lá đang mang lại nguồn thu khá cho người dân ở Hà Quảng. |
Còn tại HTX Hùng Linh (thị trấn Xuân Hòa), nhờ chuyển đổi từ chăn nuôi đơn thuần, HTX đã chủ động kết nối tìm kiếm khách hàng để tiêu thụ sản phẩm. Với gần 500 con vịt, ngoài việc cung cấp trứng ra thị trường, HTX đã mua máy ấp trứng để sản xuất con giống tại chỗ đảm bảo chất lượng, phục vụ nhu cầu của bà con nông dân trên địa bàn. Hướng đi này đã góp phần tăng thêm nguồn thu nhập, giúp 3 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo liên kết cùng HTX thoát khỏi cuộc sống khó khăn.
Không dừng lại ở đó, huyện Hà Quảng còn nổi lên rất nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, có tính liên kết cao. Chẳng hạn như mô hình trồng ngô ngọt tại xã Quý Quân, Sóc Hà và xã Lương Can với sự tham gia của gần 100 hộ dân, HTX tại 3 xã và doanh nghiệp chế biến rau củ ở Bắc Giang. Doanh nghiệp đã bao tiêu bắp ngô phục vụ chế biến, ngoài ra còn có 1 HTX ở Đông Anh (Hà Nội) ký hợp đồng thu mua cây ngô với giá từ 500 đến 700 đồng/kg để ủ chua thức ăn cho gia súc.
Ngoài ra còn có mô hình trồng gừng trâu, nghệ đỏ (Lục Khu), mô hình trồng thanh long ở xã Trường Hà… cũng đang giúp người dân có thu nhập bình quân đạt 85 - 100 triệu đồng/ha/năm, cao hơn cây ngô, lạc truyền thống.
Cuộc sống đổi thay
Có thể thấy, Hà Quảng là huyện miền núi, vùng cao biên giới nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Cao Bằng, dân số trên 58.000 người, trong đó 90% là đồng bào dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Mông, Dao. Tuy nhiên, thay vì sản xuất ì ạch, nhiều vùng đất sỏi đá bỏ hoang hoặc cho thu nhập thấp thì này huyện đã có sự đổi thay đáng kể. Cuộc sống của người dân từng ngày được nâng cao nhờ đầu tư đúng hướng cho phát triển kinh tế.
Trong đó, thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, huyện đã tuyên truyền, phổ biến chính sách, dự án giảm nghèo đến các tầng lớp dân cư, người nghèo và đối tượng thụ hưởng bằng nhiều hình thức để giúp các hộ vươn lên thoát nghèo.
Việc hỗ trợ doanh nghiệp, HTX phát triển kinh tế hàng hóa đang mang lại hiệu quả thiết thực trong nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân. Có HTX đã được hỗ trợ theo Nghị quyết số 58/2016/NQ-HĐND để gia tăng cơ hội đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, HTX Thắng Lợi được hỗ trợ vốn xây dựng đường nội trại, hệ thống nhà kho, hệ thống chuồng trại; HTX Nông nghiệp - Chăn nuôi Bảo Hưng được hỗ trợ chi phí xây dựng nhà kho, chuồng nuôi gà, nuôi lợn, chuồng cách ly, đường dây cấp điện, hạ tầng thoát nước, hố ga.
Huyện cũng lồng ghép nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững như 135, 30a với nguồn vốn các chương trình mục tiêu Quốc gia khác, nhằm khuyến khích sự đóng góp của nhân dân và các đối tượng được thụ hưởng chính sách cùng cả cộng đồng trong liên kết sản xuất. Huyện cũng phát triển 44 HTX nông nghiệp, tạo thuận lợi trong liên kết và thu hút doanh nghiệp vào đầu tư.
Nhờ đó, đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước được nâng cao. Mỗi năm huyện giảm được 4-5% tỷ lệ hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 39,95% vào năm 2022.
Anh Triệu Quốc Kim, Trưởng xóm Lũng Tỳ, xã Lương Thông cho biết, xóm có 51 hộ dân tộc Mông, Dao sống rải rác nhưng nhờ chương trình 135, Nghị quyết 30a… đời sống bà con trong xóm đã có nhiều đổi thay. Hiện người dân đã thành lập được tổ liên kết trồng lạc, đỗ tương và thực hiện chuyển đổi những vùng kém hiệu quả sang trồng lúa nước, nuôi trâu bò vỗ béo… cho hiệu quả kinh tế cao.
Huyền Trang