Thời gian qua, huyện đặt mục tiêu mỗi năm giảm 5% tỷ lệ hộ nghèo trở lên. Việc đạt được con số này thời gian đầu đối với Văn Quan là không hề dễ dàng vì huyện có xuất phát điểm thấp. Đa số người dân có tâm lý ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Xác định nguyên nhân để hỗ trợ phù hợp
Tuy nhiên, xác định dù khó mấy cũng làm, huyện đã chú trọng phân loại hộ nghèo theo các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều, xác định rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo của từng hộ, nhóm hộ để có giải pháp hỗ trợ phù hợp và hiệu quả.
Qua phân loại cho thấy, các chỉ số thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ cao như chất lượng nhà ở; nghèo do không có vốn sản xuất kinh doanh, không có kỹ năng lao động, sản xuất… từ đó, huyện đã có các giải pháp để giải quyết đúng, trúng khó khăn của người dân.
Cụ thể như để nâng cao kiến thức, kỹ năng lao động, sản xuất cho người dân, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, huyện đã mở các lớp dạy nghề tại một số xã cho 210 học viên.
Đặc biệt, khi thấy lợi thế nuôi trồng thủy sản ở thị trấn Văn Quan, xã Bình Phúc, Tú Xuyên, huyện đã thống kê, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ và người dân về kỹ thuật chăn nuôi, chăn thả, chăm sóc cá đúng quy trình kỹ thuật. Từ đó, người dân thay đổi phương thức sản xuất, chăn nuôi thủy sản kết hợp sử dụng rau, cỏ và bổ sung thêm thức ăn tinh cho cá một cách phù hợp.
Bà Triệu Thị Ngân (dân tộc Tày, xã Tú Xuyên) cho biết, nhờ được hỗ trợ đào tạo nghề nuôi cá lồng, đến nay sản lượng cá ước tính bình quân của gia đình bà đạt 360kg cá/lồng/năm, doanh thu mỗi lồng ước đạt 30 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, đời sống gia đình đã bớt vất vả hơn, kinh tế cũng ổn định.
Để tháo gỡ khó khăn về vốn, huyện đã cùng Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục thực hiện hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi cho các hộ nghèo, cận nghèo, giúp 2.125 lượt hộ vay có vốn sản xuất (số liệu tính đến cuối 2022). Ngoài ra, huyện thí điểm nhân rộng 5 mô hình, dự án giảm nghèo tại các xã: Liên Hội, Lương Năng, Khánh Khê, Bình Phúc và Trấn Ninh để tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo…
Nhằm tạo bước đệm cho hộ nghèo làm kinh tế, Văn Quan đã đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người nghèo, cận nghèo tham gia liên kết, phát triển HTX và hỗ trợ các HTX tiếp cận với các chính sách hỗ trợ.
Cụ thể như tại HTX nông sản sạch Lạng Sơn (xã Tú Xuyên) đã tiếp cận được với chính sách đặc thù “khuyến khích đầu tư phát triển hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nông thôn”. Trong đó, HTX được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 1,7 tỷ đồng, nguồn vốn đối ứng của HTX là 2,4 tỷ đồng. Khi có vốn, HTX đã liên kết với hộ nông dân, hình thành các nhóm hộ để trồng các loại rau màu giống mới có giá trị kinh tế cao.
Hỗ trợ người dân tiếp cận các chính sách hỗ trợ tạo nền tảng để họ phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. |
Các hộ dân khi tham gia mô hình được hưởng lợi từ chính sách khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, được doanh nghiệp hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Nông sản của người nông dân (hoa cúc chị, rau bí nụ, súp lơ baby...) được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn và ít rủi ro. Với những hộ tham gia trồng súp lơ baby, sau 2,5 tháng, năng suất đạt 250kg/sào, với giá từ 10.000- 15.000đồng/kg, hộ gia đình trồng cây này có giá trị kinh tế gấp 1,5 lần so với trồng khoai tây, bắp cải.
Ngoài tiếp cận chính sách liên kết sản xuất, huyện Văn Quan còn đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người nghèo, cận nghèo tiếp cận các chính sách giảm nghèo khác thông qua mô hình HTX. Bởi qua HTX, người nghèo, cận nghèo sẽ được tạo dựng nền tảng nhất định như hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, từ đó sử dụng đồng vốn vay hoặc tiếp cận các chính sách được hiệu quả.
Cụ thể như các hộ dân, thành viên HTX Nông lâm thương mại tổng hợp Trấn Ninh (xã Trấn Ninh) đã được tiếp cận với Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Chương trình 135). Trong đó, người dân, thành viên được hỗ trợ sản xuất giống lúa Japonica TBJ3 Nhật Bản theo chuỗi giá trị.
Mô hình này thu hút 52 hộ tham gia thì có đến 25 hộ nghèo, 24 hộ cận nghèo. Người dân được hỗ trợ kỹ thuật và 100% chi phí mua giống, 100% phân bón hữu cơ vi sinh và NPK. Nhờ đó, đã có những hộ thoát nghèo nhờ tham gia HTX và đầu tư sản xuất lúa hàng hóa. Khi tiếp cận các chính sách và dự án này đã giúp HTX Trấn Ninh vươn lên thành một trong những HTX tiêu biểu của cả nước thực hiện hiệu quả chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Thiết kế chương trình hỗ trợ phù hợp
Có thể thấy, các chính sách hỗ trợ người dân giảm nghèo rất đa dạng và được triển khai dưới nhiều hình thức, chương trình khác nhau. Đây cũng là ưu điểm nhưng cũng là bất lợi đối với người dân, đặc biệt là với những hộ nghèo. Bởi họ ít quan tâm và ít có khả năng tiếp cận với các chính sách hỗ trợ. Điều này có thể do bản thân người dân chủ chủ động nhưng cũng có thể do điều kiện khách quan như thiếu thông tin tuyên truyền, khó tiếp cận chính sách (không có internet…).
Bà Hoàng Thị Tuyết, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội và Dân tộc huyện Văn Quan cho biết, chính sách giảm nghèo của Nhà nước đã có nhưng để đến được với người nghèo còn phụ thuộc vào thực tiễn triển khai tại các địa phương.
Ngay như ở Văn Quan, chính sách hỗ trợ giảm nghèo được thực hiện đa dạng từ cả nguồn ngân sách trong chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ các dự án, từ ngân sách của địa phương… Và mỗi đối tượng lại được tiếp cận chính sách hỗ trợ một cách khác nhau, đảm bảo phù hợp.
Chẳng hạn như để nâng cao chất lượng nhà ở cho hộ nghèo, năm 2022, Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện đã vận động được 100 triệu đồng hỗ trợ một số hộ nghèo tại xã Bình Phúc và xã Liên Hội cải tạo, nâng cấp nhà ở.
Hoặc để giúp hộ nghèo tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ, huyện đã kết hợp với ngân hàng chính sách xây dựng các chương trình cho vay để quyết việc làm, chương trình vệ sinh nước sạch nông thôn…Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đã góp phần giúp người nghèo có vốn để đầu tư chăn nuôi trâu, bò, mua giống, phân bón, trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây chứa dầu, phục vụ cho sản xuất và kinh doanh dịch vụ buôn bán nhỏ, xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh.
Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các chính sách trong công tác giảm nghèo, huyện cũng khuyến khích người dân chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, tham gia các HTX nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ngay tại xã An Sơn, người dân đã mạnh dạn xây dựng các mô hình nuôi ngựa, trồng bưởi, trồng mắc ca, trồng các loại rau giống mới… để vươn lên phát triển kinh tế. Chính vì vậy, chỉ trong năm 2022, toàn xã có 77/404 hộ nghèo thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 27% xuống còn 22%.
Đạt được mục tiêu, hướng đến thoát nghèo
Bên cạnh đó, huyện còn đẩy mạnh hỗ trợ các HTX tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, làm nền tảng để thu hút người dân phát triển kinh tế. Như HTX Văn Quan Xanh (thị trấn Văn Quan) khi có kế hoạch sản xuất theo hướng bền vững, khai thác thế mạnh địa phương đã được tạo điều kiện tiếp cận chính sách Nhà nước hỗ trợ cơ sở hạ tầng, phát triển chuỗi giá trị. Từ đó, HTX có thể xây dựng nhà kho và hệ thống lưới điện phục vụ cho hoạt động chế biến dầu sở. Cùng đó, HTX đối ứng thêm kinh phí để đầu tư hệ thống máy móc.
Đến nay, sản phẩm dầu sở Văn Quan của HTX đã được xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, đáp ứng đủ điều kiện để đưa ra thị trường… Các thành viên và nhiều hộ dân trong HTX đều có đời sống khá giả.
Có thể thấy, nhờ tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo tiếp cận với các chính sách hỗ trợ mà đời sống của người dân trong huyện đã được khởi sắc.
Thống kê của UBND huyện cho thấy, năm 2022, toàn huyện đã giảm 816 hộ nghèo (tương ứng 6,19%), đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 16,1%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Trong khi đó, đầu năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện vẫn còn ở mức cao, chiếm 22,21% (2.999 hộ). Như vậy, với kết quả trên, mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5%/năm trở lên của huyện đã đạt được.
Trong năm 2023, huyện dự kiến sẽ có gần 500 hộ gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo được hỗ trợ kinh phí xây mới, sửa chữa nhà ở. Huyện cũng đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho đi lại, lưu thông hàng hóa, từ đó tạo động lực hoàn thành mục tiêu thoát nghèo vào năm 2025.
Tùng Lâm