Tại câu hỏi chất vấn NHNN, đại biểu Quốc hội Ma Thị Thuý cho rằng, hiện nay, một số chính sách tín dụng lãi suất không có nhiều ưu đãi so với lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại như là chính sách tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, chính sách tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn...
Trong khi đó lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ là 4,5%/năm, lãi suất cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh của các ngân hàng thương mại từ 8,5 đến 9,5%/năm, trung và dài hạn từ 10% đến 11,6%/năm.
“Vì vậy, đề nghị Chính phủ xem xét giảm lãi suất cho vay đối với các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội cho phù hợp”, đại biểu Ma Thị Thúy cho hay.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. |
Về lãi suất cho vay của một số chương trình tín dụng chính sách, NHNN cho biết, hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đang triển khai hơn 20 chương trình tín dụng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và một số các dự án do tổ chức quốc tế, chính quyền địa phương uỷ thác thực hiện.
Chính sách ưu đãi lãi suất đối với khách hàng vay vốn tại NHCSXH được thiết kế theo thứ tự ưu tiên: Lãi suất chương trình cho vay người sử dụng lao động trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là 0%/năm.
Lãi suất áp dụng đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như: Cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số lãi suất 1,2%-3,3%/năm; Cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở lãi suất 3%/năm; Cho vay nhà ở xã hội lãi suất là 4,8%/năm; Cho vay hộ nghèo sản xuất, kinh doanh, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn lãi suất là 6,6%/năm.
Lãi suất áp dụng đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo: Cho vay hộ cận nghèo lãi suất là 7,92%/năm; Cho vay hộ mới thoát nghèo lãi suất là 8,25%/năm.
Lãi suất cho vay đối với các đối tượng khác: Cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh và thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là 9%/năm (0,75%/tháng), theo phản ánh của cử tri. Đây là 2 chương trình tín dụng được triển khai cho vay bằng nguồn vốn do NHCSXH tự huy động.
Như vậy, mức lãi suất cho vay đối với hộ gia đình sản xuất kinh doanh và thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn mặc dù cao hơn các nhóm đối tượng còn lại của NHCSXH, tuy nhiên đã có sự ưu đãi về lãi suất so với lãi suất trung, dài hạn đang áp dụng tại các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, quy trình, thủ tục cho vay tại NHCSXH khá đơn giản; việc giải ngân, thu nợ được thực hiện tại điểm giao dịch xã, sẽ giảm được tối đa chi phí đi lại cho người dân, đặc biệt người dân tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Về đề nghị Chính phủ xem xét giảm lãi suất cho vay đối với các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH, Thống đốc NHNN cho rằng: Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn đang được triển khai theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg và chương trình cho vay thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn theo Quyết định 92/2009/QĐ-TTg do Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Hiện Bộ Tài chính đang chủ trì nghiên cứu sửa đổi 2 chương trình tín dụng chính sách này.
“Trong thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Tài chính khi có yêu cầu trong việc nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh lãi suất đối với chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh và thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn, phù hợp với diễn biến lãi suất thị trường và khả năng cân đối, bố trí nguồn vốn cấp bù chênh lệch lãi suất của ngân sách nhà nước cho NHCSXH”, Thống đốc khẳng định.
Liên quan đến chính sách tiền tệ, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng trong phiên thảo luận toàn thể tại Hội trường ngày 25/7/2021 cho rằng: “Về chính sách tiền tệ, việc dòng vốn đang bị phân tán mạnh vào những kênh thu hút vốn khác ngoài ngân hàng là chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp các sản phẩm liên kết, bảo hiểm, đầu tư, quỹ hưu trí của các công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư đang gây ra những méo mó, sai lệch, mất cân bằng tài chính, đã có những cảnh báo từ các cơ quan nhà nước phụ trách. Tuy nhiên, vai trò, trách nhiệm của NHNN trong hóa giải rủi ro thị trường tài chính, tiền tệ là rất lớn".
Về ý kiến của Đại biểu, Thống đốc NHNN giải thích, trong chỉ đạo, điều hành CSTT, tín dụng, NHNN thực hiện đồng bộ các giải pháp khuyến khích dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông.
Nhờ đó tín dụng tăng trưởng hợp lý, hiệu quả, chất lượng tín dụng và an toàn hệ thống được nâng cao; tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng của tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro giảm dần qua các năm. Trong đó, tỷ trọng tín dụng đầu tư, kinh doanh chứng khoán chiếm tỷ trọng nhỏ (0,5%) trong tổng dư nợ nền kinh tế; tăng trưởng tín dụng bất động sản giảm dần và tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng là nhu cầu thiết yếu của người dân và nền kinh tế (chiếm hơn 60% dư nợ bất động sản).
Bên cạnh đó, NHNN thường xuyên tăng cường thanh tra, giám sát, chỉ đạo các TCTD tăng cường kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động và kiểm soát sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Thống đốc cho rằng, những tháng đầu năm 2021 vừa qua, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh, giá bất động sản tăng cao nhất là giá đất nền ở địa phương có thông tin quy hoạch đô thị, giao thông, hạ tầng hoặc điều chỉnh tăng giá đất... Diễn biến này có nhiều nguyên nhân, một phần do đại dịch Covid-19 khiến triển vọng kinh tế khó khăn, mặt bằng lãi suất huy động ngân hàng giảm, nhiều doanh nghiệp, người dân có nguồn tiền nhưng thiếu cơ hội mở rộng sản xuất, kinh doanh nên gia tăng đầu tư chứng khoán, bất động sản.
Việc giám sát rủi ro các thị trường này thuộc phạm vi quản lý của nhiều bộ, ngành. Thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành liên quan (Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường) phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường giám sát, quản lý và cảnh báo rủi ro, thông báo công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất; phát hiện, ngăn chặn, răn đe, xử phạt nghiêm các hành vi thao túng, đầu cơ tăng giá; đẩy mạnh nguồn cung bất động sản... Về phía ngành ngân hàng, từ đầu năm 2021, NHNN đã chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; do đó, tín dụng các lĩnh vực này trong tầm kiểm soát.
“Với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, thời gian tới NHNN tiếp tục điều hành hoạt động tín dụng an toàn, lành mạnh, hướng dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời, tăng cường giám sát hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chỉ đạo TCTD mở rộng quy mô tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng và kiểm soát nợ xấu, kiểm soát tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro”, Thống đốc NHNN khẳng định.
Thanh Hoa