Vốn có truyền thống phát triển cây dược liệu từ lâu đời, cùng với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, HTX thuốc Nam Ba Vì, xã Yên Bài, huyện Ba Vì đến nay đã phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ trong cả nước, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho bà con trong vùng.
Làm giàu từ mô hình HTX
Bà Lý Thị Mai, Chủ tịch HTX thuốc nam Ba Vì cho biết, xuất phát từ nghề làm thuốc nam chữa bệnh gia truyền của cha ông để lại, sau nhiều năm kế thừa và học tập, nâng cao chuyên môn tay nghề, năm 2016 được sự đồng ý, hỗ trợ từ chính quyền địa phương, gia đình bà cùng một số hộ dân ở thôn Yên Sơn, xã Yên Bài đã thành lập HTX thuốc nam Ba Vì.
Nhiều gia đình người Dao ở huyện Ba Vì đã tham gia HTX để xây dựng và phát triển nguồn dược liệu quý hiếm. |
“Từ khi HTX hình thành, nhiều bà con đã được tạo công ăn việc làm và có thu nhập ổn định từ 7,5 - 8 triệu đồng/người/tháng”, bà Mai nói.
Chị Lăng Thị Xuân, công nhân HTX thuốc nam Ba Vì chia sẻ, nhờ làm công nhân của HTX nên gia đình chị có nguồn thu ổn định, cuộc sống đỡ vất vả hơn trước rất nhiều.
“Trong gia đình có người ốm đau bệnh tật, mình cũng có thể xoay xở, không phải đi xa về nội thành chữa trị mà tận dụng luôn nguồn dược liệu quý có tại HTX để chữa bệnh”, chị Xuân nói.
Xã Yên Bài là vùng đồi núi, khí hậu mát mẻ quanh năm nên hầu như khắp nơi đều là cây thuốc quý, được bà con trong vùng phát triển và kết hợp thành các vị thuốc quý.
Khi nguồn dược liệu trong tự nhiên cạn kiệt, khan hiếm, để chủ động nguồn dược liệu duy trì và phát triển nghề, nhiều gia đình người Dao ở huyện Ba Vì đã tham gia HTX để xây dựng và phát triển nguồn dược liệu cũng như bảo tồn và phát triển các bài thuốc nam mà ông cha để lại.
Nhờ phát triển dược liệu, hiện mỗi hộ gia đình có thu nhập bình quân hàng trăm triệu đồng mỗi năm, đưa bản người Dao nơi đây thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Việc từ bỏ tập tục du canh, du cư cũng đã xóa bỏ tình trạng chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy.
Ông Nguyễn Xuân Chiến, Chủ tịch UBND xã Yên Bài đánh giá, cây dược liệu được coi là cây trồng mũi nhọn của ngành trồng trọt trong quá trình thực hiện tái cơ cấu bởi hiệu quả kinh tế cao, nhu cầu thị trường lớn. Những năm gần đây, Hà Nội đã quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển cây dược liệu. Hiện, Vườn quốc gia Ba Vì đang cùng chính quyền địa phương hướng dẫn bà con phát triển nghề đông y, xây dựng thương hiệu thuốc nam của người Dao.
“HTX thuốc nam Ba Vì đã được đông đảo người dân của các tỉnh thành trong cả nước biết đến và được giới thiệu ra cả nước ngoài như Nhật Bản và một số nước châu Âu, giúp thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc nơi đây, từ đó nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu từ dược liệu”, ông Chiến chia sẻ.
Mở rộng diện tích, xóa nghèo bền vững
Trong khi đó, tại huyện Sóc Sơn, HTX Tâm Ngọc, xã Đông Xuân đã chọn phát triển những giống cây thảo dược như cà gai leo, cỏ ngọt, đinh lăng nếp, dã cam thảo… để làm sinh kế cho các thành viên HTX.
Những sản phẩm của các HTX ngày càng được đông đảo người tiêu dùng tin tưởng, từ đó thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững. |
Những loại cây này phù hợp với thể trạng sức khoẻ của các thành viên là người khuyết tật trong HTX vì dễ trồng, thuận tiện chăm sóc, chỉ cần sử dụng phân hữu cơ và dọn cỏ là có thể sống tốt.
Chị Trần Thị Thuần, Giám đốc HTX Tâm Ngọc chia sẻ, hiện tại, 43 thành viên của HTX dù có hoàn cảnh và khuyết tật khác nhau, người thì khuyết chân, người thiếu tay, người khiếm thính…, nhưng tất cả đều được sắp xếp công việc phù hợp với khả năng và sức khoẻ, để ai cũng thấy mình còn có ích cho gia đình và xã hội. HTX không nhận bất kỳ khoản chi phí nào từ phía gia đình người khuyết tật.
Nhờ sự nỗ lực của bản thân mỗi thành viên, cộng hưởng với sự quan tâm, chia sẻ của các cá nhân, tổ chức trong xã hội, thu nhập của thành viên HTX Tâm Ngọc đạt trung bình từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng, tuỳ theo khả năng làm việc, giúp cho nhiều thành viên ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
“Vừa qua, HTX Tâm Ngọc có thêm vùng chuyên trồng cây thảo dược tại Hàm Yên - Tuyên Quang nhằm mở rộng nguồn nguyên liệu để chế biến túi trà thảo mộc hiện đang rất được ưa chuộng. Mới đây, chúng tôi còn trồng cả gạo lứt huyết rồng, một số loại rau, củ, quả như mướp, bí, dưa lê, ổi, bưởi, mít… và gà thả vườn vừa để phục vụ đời sống, tăng cường sức khỏe lại vừa gia tăng thu nhập cho các thành viên”, chị Thuần phấn khởi cho biết.
Chia sẻ về dự định tương lai, chị Thuần mong muốn có thể huy động thêm vốn, mua sắm thêm một số trang thiết bị máy móc như máy thu hoạch, máy băm thái, máy đóng gói trà túi lọc… nhằm hỗ trợ thành viên người khuyết tật làm nông nghiệp thuận lợi hơn.
Đồng thời, phát triển thêm các loại cây thảo dược có giá trị kinh tế cao như trà hoa vàng, đinh lăng… để tạo thêm nhiều việc làm, hỗ trợ nhiều người khuyết tật hơn, tăng thu nhập và cải thiện đời sống thành viên.
Với những thành công của một số mô hình trồng dược liệu trên địa bàn Thủ đô, giúp xóa nghèo, ổn định cuộc sống thành viên và người lao động, bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội đánh giá, cây dược liệu là nguồn thuốc quý của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi nhiều dịch, bệnh nguy hiểm đã và đang xuất hiện. Nhiều người dân đã quay lại sử dụng các loại thuốc bào chế từ dược liệu truyền thống. Việc các HTX liên kết với người dân để phát triển đã giải quyết được vấn đề việc làm cho bà con, góp phần tăng thêm thu nhập, hiểu biết hơn về các kỹ thuật trồng và chăm sóc, từ đó giúp nhiều gia đình tăng năng suất vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
“Đặc biệt, nhờ xây dựng được chuỗi liên kết, sản xuất tiêu thụ nên những sản phẩm của các HTX ngày càng được đông đảo người tiêu dùng tin tưởng, từ đó thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững ở Thủ đô”, bà Hương nhấn mạnh.
Kim Yến