Phát triển nhờ nông nghiệp
Theo chia sẻ của ông Ngô Văn Phi - Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Minh: “Tại địa phương hiện có 241ha đất lúa và tất cả đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa. Những năm qua, HTX đứng ra làm khâu trung gian để nông dân bắt tay với doanh nghiệp tổ chức sản xuất giống lúa hàng hóa nên giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích tăng mạnh”.
HTX Nông nghiệp Đại Minh đứng ra làm trung gian để nông dân bắt tay với doanh nghiệp tổ chức sản xuất giống lúa hàng hóa (Ảnh: TL) |
Thông qua HTX, khoảng 1.000 hộ dân Đại Minh liên kết với Tập đoàn ThaiBinh Seed - Chi nhánh miền Trung & Tây Nguyên sản xuất 4 loại giống lúa thuần gồm BC15, TBR1, TBR225, HT1 với quy mô vụ đông xuân 180ha và hè thu khoảng 50 - 100ha. Bình quân mỗi vụ, 1ha lúa giống đạt năng suất 73 tạ.
Doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nhà nông với mức giá từ 7.500 - 8.500 đồng/kg tùy theo từng loại giống. Bình quân 1ha lúa giống mang lại cho nông dân xã Đại Minh từ 55 - 62 triệu đồng/vụ, tăng 14 - 20 triệu đồng/ha so với canh tác lúa thương phẩm.
Ông Nguyễn Văn Quang - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Đại Lộc cho biết, nông dân của huyện gieo sạ 4.300ha lúa mỗi vụ. Thời gian qua, nhờ chú trọng đầu tư nhiều khâu nên năng suất liên tục tăng. Đông xuân 2019 - 2020, năng suất lúa bình quân đạt 64,5 tạ/ha, tăng 6,5 tạ/ha so với cách đây 5 năm. Nhờ điều kiện thổ nhưỡng thích hợp, kỹ năng canh tác của nông dân khá cao và đặc biệt là các ngành, các cấp đẩy mạnh việc liên doanh - liên kết nên nhiều năm nay, Đại Lộc được xem là vựa sản xuất lúa giống có quy mô lớn không chỉ của Quảng Nam mà cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Hằng năm, nông dân hợp tác với hàng chục doanh nghiệp sản xuất khoảng 1.500ha lúa giống hàng hóa, trong đó có 1.300ha lúa thuần và 200ha lúa lai. Diện tích lúa này tập trung chủ yếu tại thị trấn Ái Nghĩa và các xã Đại Quang, Đại Hiệp, Đại Minh, Đại Phong, Đại Cường, Đại Thắng... So với làm lúa thương phẩm, việc sản xuất lúa giống thuần giúp thu nhập của nhà nông tăng thêm 20 - 30% và nếu sản xuất hạt giống lúa lai thì giá trị kinh tế tăng gấp 3 lần.
Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc nhận xét, những năm qua, địa phương nỗ lực cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, quan tâm hỗ trợ nông dân chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Huyện Đại Lộc có tổng cộng 2.800ha đất màu, nhờ ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi nên đến thời điểm này đã có 80% diện tích chủ động nước tưới.
“Với cách bố trí sản xuất hợp lý, bình quân mỗi năm 1ha đất màu canh tác các loại cây trồng cạn và rau củ quả ở Đại Lộc đạt giá trị 150 triệu đồng. Riêng một số khu vực các xã Đại Hòa, Đại An, Đại Cường, Đại Nghĩa thu về hơn 200 triệu đồng/ha/năm” - ông Mẫn nói.
Phấn đấu về đích đúng hẹn
Ông Trần Bình Tân - cán bộ chuyên trách NTM Đại Lộc cho biết, toàn huyện có 17 xã tham gia xây dựng NTM. Năm 2010, khi bắt tay vào thực hiện chương trình, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn NTM của một xã ở Đại Lộc là 5,76 tiêu chí. Đến nay, tổng số tiêu chí đạt chuẩn NTM của Đại Lộc là 288 tiêu chí, bình quân mỗi xã đạt 16,94 tiêu chí (tăng 11,18 tiêu chí/xã so với năm 2010).
Nông nghiệp bứt phá đã tạo gam màu sáng trong xây dựng NTM Đại Lộc (Ảnh: TL) |
Nhờ nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép nhiều kênh vốn, giai đoạn 2011 - 2020, huyện Đại Lộc đầu tư gần 987 tỷ đồng cho chương trình NTM. Trong đó, chủ yếu là xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, giáo dục, văn hóa, y tế, điện, nước sinh hoạt, chợ nông thôn. Đồng thời, hỗ trợ phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, kinh tế hợp tác, đào tạo nghề, khôi phục và phát triển các ngành nghề nông thôn...
Tính từ năm 2014 - 2019, toàn huyện đã có 12 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM gồm Đại Hiệp, Đại An, Đại Cường, Đại Minh, Đại Phong, Đại Hồng, Đại Hòa, Đại Thắng, Đại Nghĩa, Đại Quang, Đại Đồng, Đại Lãnh. Đặc biệt, năm 2019, Đại Hiệp được công nhận xã NTM nâng cao và vừa tổ chức lễ công bố.
Đáng chú ý, từ năm 2017 - 2019, Đại Lộc có 12 thôn được UBND huyện công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu.
“Theo kế hoạch, năm 2020 này, Đại Lộc sẽ có thêm xã Đại Hưng cán đích NTM, Đại Thắng và Đại Quang đạt chuẩn xã NTM nâng cao, Đại Hiệp đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Bên cạnh đó, 5 xã gồm Đại An, Đại Cường, Đại Minh, Đại Phong, Đại Hồng sẽ được công nhận lại sau 5 năm. Ngoài ra, toàn huyện sẽ có thêm 11 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu”, ông Tân cho biết.
Hiện, 2 xã Đại Tân và Đại Chánh đã đạt 10 tiêu chí/xã, Đại Sơn đạt 11 tiêu chí, Đại Thạnh đạt 14 tiêu chí. Theo kế hoạch, năm 2023, xã Đại Sơn và Đại Thạnh sẽ đạt chuẩn NTM; năm 2024, Đại Tân và Đại Chánh sẽ cán đích.
“Thời gian tới, các ngành liên quan của huyện và chính quyền 4 xã nêu trên sẽ nỗ lực tổ chức thực hiện những phần việc còn lại để về đích NTM đúng hẹn. Từ đó, Đại Lộc sẽ trở thành huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2024”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc Hồ Ngọc Mẫn khẳng định.
Ngọc Giang