Thời gian qua, tuyến đường ĐH5.ĐG bắt đầu từ đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận xã Zà Hung kéo dài qua trung tâm xã A Rooi được huyện Đông Giang đầu tư kiên cố hóa. Từ khi trục xương sống này đưa vào sử dụng, công việc thu mua nông sản của người dân rất thuận lợi.
Nhiều mô hình điểm cần lan toả
Nhờ đó, người dân tiêu thụ sản phẩm cũng dễ dàng và có giá bán cao hơn trước. Tuyến đường này đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và là điều kiện để người dân thoát nghèo, cùng chung tay xây dựng xã NTM.
Nhờ trồng chè dây Ra Zéh mà nhiều hộ dân ở xã Tư đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. |
Ông Đinh Văn Hươm - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, 5 năm qua, địa phương đã kiên cố hóa hơn 12km mặt đường ĐH và gần 11km đường liên xã, liên thôn. Đến nay, 40/40 thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn.
Bên cạnh đó, huyện còn chú trọng hoàn thiện hạ tầng điện; xây dựng mới và sửa chữa công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, trạm y tế, trường học, trụ sở làm việc… Giai đoạn 2015 - 2020, Đông Giang chi hơn 597 tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng.
Giai đoạn 2016 - 2020, Đông Giang huy động 1.184,28 tỷ đồng xây dựng NTM. Trong đó, vốn trực tiếp từ ngân sách nhà nước chiếm 101,7 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình dự án khác 536,99 tỷ đồng; vốn tín dụng 519,06 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp hơn 22 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 4,46 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, Đông Giang còn hỗ trợ đầu tư, hướng dẫn phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho nhân dân từ các đặc trưng miền núi như heo địa phương, cây keo, chuối mốc, chè xanh, chè dây Ra zéh, ớt A Riêu, rượu Ka kun…
Trong đó, chè dây Ra Zéh đã trở thành sản phẩm độc quyền của xã Tư (Đông Giang). Với những lợi ích kinh tế mà loại chè này mang lại, địa phương đã đẩy mạnh xây dựng thương hiệu chè dây Ra Zéh, tạo động lực phát triển kinh tế của địa phương.
Theo đó, HTX Nông nghiệp xã Tư được thành lập, chọn sản phẩm chè dây Ra Zéh là sản phẩm chủ lực. HTX tích cực hỗ trợ các thành viên trong các khâu trồng, chăm sóc, thu hái chè dây và làm đầu mối thu mua sản phẩm chè dây của thành viên để cung cấp ra thị trường.
Anh Lâm Văn Thông, thành viên HTX phấn khởi nói: “Nhờ được sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, HTX Nông nghiệp xã Tư, đầu năm 2018 tôi bắt đầu canh tác trồng chè dây Ra zéh, đến nay tổng diện tích trồng chè dây Ra zéh của tôi là 1,8ha, mỗi năm cho sản lượng khoảng 25 tấn, sau khi trừ các khoảng chi phí tôi lãi cũng được hơn 150 triệu đồng, từ đó đã giúp cho gia đình tôi thoát nghèo, ổn định cuộc sống”.
Không chỉ xã Tư, xã Ba ở Đông Giang cũng được xem là một điển hình trong xây dựng NTM. Ông Nguyễn Xuân Nghiêm - Chủ tịch UBND xã Ba cho biết, năm 2015, xã Ba được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM đầu tiên của huyện Đông Giang. Có được thành quả trên, hệ thống chính trị địa phương đã đoàn kết một lòng, phát huy dân chủ, nỗ lực phấn đấu khắc phục mọi khó khăn.
Bên cạnh đó, địa phương còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân các thôn triển khai xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu. Do đó đã khơi dậy được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân.
Thời gian tới, địa phương cố gắng duy trì, tiếp tục phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, tiến tới xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Qua rà soát, 3 thôn (thôn Ba, thôn Ban Mai 1, Ban Mai 2) đều đạt 9/10 tiêu chí. Theo đó, xã chọn 3 thôn này đăng ký xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Giữ vững và phát huy
Theo báo cáo số liệu xây dựng NTM, đến tháng 5.2020, Đông Giang có 2/10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và 8 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu. Tiêu chí đạt bình quân của các xã là 13,7, không còn xã đạt dưới 8 tiêu chí (tăng 11,5 tiêu chí/xã so với năm 2010). Thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 24,4 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 23,28%, giảm bình quân hơn 5%/năm.
Nhờ đó, diện mạo nông thôn của huyện đã đổi thay mạnh mẽ với kết cấu hạ tầng dần khang trang, đồng bộ; môi trường ngày càng tốt hơn; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu được giữ gìn và phát huy.
Nông thôn mới Đông Giang ngày càng khởi sắc. |
Mặc dù hết sức nỗ lực, những thành quả Đông Giang đạt được là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM ở Đông Giang vẫn còn nhiều mặt gặp khó khăn, hạn chế.
Theo ông Nguyễn Hữu Sanh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Giang, để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM trong thời gian tới, Phòng NN&PTNT huyện Đông Giang đã tham mưu nhiều giải pháp như đánh giá, xét duyệt các tiêu chí phải thông qua sự hài lòng của người dân. Chú trọng đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác NTM các cấp.
Bên cạnh đó, vận động, tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và đồng thuận trong cộng đồng dân cư, để người dân phát huy tích cực vai trò chủ thể. Thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất gắn với xây dựng NTM. Đồng thời, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, xây dựng các thiết chế văn hóa.
Cùng với đó, huyện nhân rộng mô hình “Thôn xanh, sạch, đẹp” làm tiền đề phát triển du lịch cộng đồng; tranh thủ nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp thông qua liên doanh, liên kết sản xuất. Nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản theo chuỗi cung ứng và lĩnh vực phi nông nghiệp để tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Với những thành công kể trên, huyện Đông Giang phấn đấu đến 2025 có 1 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu, 1 xã đạt chuẩn xã NTM mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM, 5 thôn đạt khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Nhật Nam