Theo thống kê năm 2015, toàn huyện có 2.826 hộ nghèo, trong đó 1.047 hộ thuộc diện chính sách bảo trợ xã hội không đủ điều kiện thoát nghèo cùng với một số hộ lại có hoàn cảnh neo đơn, khuyết tật chưa được hưởng chính sách bảo trợ xã hội nên việc thực hiện giảm nghèo gặp không ít những khó khăn. Tuy nhiên, từ những mô hình hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác, chặng đường thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Duy Xuyên đã mang lại hiệu quả đáng ghi nhận.
Giảm nghèo nhờ HTX
Ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam ai cũng biết anh Võ Ngọc Sơn (xã Đại Minh) là người bỏ công việc lương cao ở TP HCM về quê làm giàu từ trang trại. Hiện nay, trang trai nuôi heo của anh Sơn có hơn 5.000 con heo thịt và heo nái. Chuồng trại được đầu tư bài bản từ điện chiếu sáng, hệ thống làm mát, điều hòa nhiệt độ phù hợp cho đàn vật nuôi. Hệ thống máng ăn hoàn toàn tự động.
Cơ sở sản xuất đá của HTX Duy Phú đã tạo công ăn việc làm ổn định cho cho nhiều lao động địa phương (Ảnh: TL) |
Theo đó, mô hình chăn nuôi gà và heo giống của anh Sơn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Bên cạnh đó, anh Võ Ngọc Sơn còn mở các đại lý chuyên cung cấp thức ăn cho heo, gà tại thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc và cung cấp con giống cho nhiều nơi.
Tiếp nối thành công, anh Sơn đã thành lập HTX Nông nghiệp và dịch vụ kinh doanh tổng hợp Duy Đại Sơn (xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên). HTX đã thu hút 150 lao động, chủ yếu là thanh niên, con em hộ nghèo hoàn cảnh khó khăn. Hàng tháng, mỗi lao động thu nhập ổn định từ 6 - 15 triệu đồng.
“HTX chúng tôi chẳng những tạo công ăn việc làm cho rất nhiều thanh niên ở địa phương mà còn cung cấp lượng lớn thịt sạch cho thị trường. Toàn bộ quá trình chăn nuôi, chế biến được giám sát của đơn vị đo lường chất lượng tỉnh Quảng Nam. HTX cũng liên kết với những tổ hợp tác tạo việc làm, thành lập những tổ hợp tác và thu mua lại sản phẩm, cung cấp đầu ra đầu vào”, anh Sơn cho biết.
Một HTX khác cũng được xem là một điển hình giúp các thành viên xoá nghèo là HTX Nông nghiệp & kinh doanh tổng hợp Duy Phú (huyện Duy Xuyên). HTX không những góp phần giúp địa phương hoàn thành tiêu chí giảm nghèo trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, mà còn đóng góp 300 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, nhà sinh hoạt văn hóa thôn, trường học, nhà bia liệt sĩ và đặc biệt là hỗ trợ xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo.
Bên cạnh đó, HTX còn tích cực hỗ trợ xây dựng một số công trình an sinh xã hội tại các xã Duy Thu, Duy Hòa, Duy Tân. Hiện, cơ sở sản xuất đá của HTX Duy Phú đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 40 lao động, chủ yếu là người dân tại thôn Mỹ Sơn với mức lương bình quân hàng tháng 6 - 7 triệu đồng/người.
Hệ thống chính trị vào cuộc
Để có được những thành quả như hiện nay, bên cạnh những đóng góp của khu vực kinh tế hợp tác, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị huyện Duy Xuyên đã đóng góp không nhỏ vào quá trình giảm nghèo bền vững.
Thực hiện chương trình quốc gia về giảm nghèo bền vững, đời sống người dân Duy Xuyên được nâng lên rõ rệt (Ảnh: TL) |
Huyện đã triển khai hiệu quả công tác rà soát, nắm chắc tình hình hộ nghèo, cận nghèo; xác định nguyên nhân chính dẫn đến nghèo để có phương thức hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, triển khai hiệu quả hoạt động đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng các mô hình giảm nghèo trên cơ sở đổi mới cơ chế, chính sách trợ giúp và tăng cường huy động, lồng ghép các nguồn lực nhằm hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, xem đây là gốc để thoát nghèo bền vững.
Huyện đã tích cực lồng ghép và thực hiện tốt các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, các chính sách, đề án giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Chính phủ như: hỗ trợ các xã nghèo đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng với số vốn đầu tư trên 12 tỷ đồng; hướng dẫn các các bãi ngang ven biển xây dựng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình với số tiền 3,9 tỷ đồng và hỗ trợ 02 xã ngoài chương trình 134 là thị trấn Nam Phước và xã Duy Hòa xây dựng các mô hình giảm nghèo với số tiền 261 triệu đồng.
Nhờ những nỗ lực đó, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm đáng kể, từ 2.826 hộ, tỷ lệ 8,21% trong năm 2015 đến cuối năm 2019 còn 1.108 hộ, giảm 1.718 hộ, tỷ lệ 3,08%; hộ cận nghèo từ 1.754 hộ, tỷ lệ 5,04% đến nay còn 569 hộ, giảm 1.185 hộ, tỷ lệ 1,58%. Đời sống người nghèo được cải thiện đáng kể, hộ nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, cơ sở hạ tầng được đầu tư, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi tiến bộ, góp phần ổn định phát triển kinh tế xã hội.
Theo kế hoạch, huyện Duy Xuyên phấn đấu đến cuối năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 0,04% (không tính hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội).
Nhật Nam