Tính đến hiện tại, Bình Phước đã có 3 thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) là Đồng Xoài, Bình Long, Phước Long. 2 huyện Đồng Phú, Chơn Thành đang rà soát để hoàn tất hồ sơ theo quy định mới, trình trung ương công nhận đạt chuẩn NTM.
Vượt qua khó khăn
Về xã đạt chuẩn NTM, toàn tỉnh có 70 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 8 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao gồm: Tiến Hưng, Tân Thành (Đồng Xoài), Tân Tiến (Đồng Phú), Phước Tín (Phước Long), Minh Hưng (Chơn Thành), Lộc Thái, Lộc Hiệp (Lộc Ninh), Bù Nho (Phú Riềng) và 6 xã đang trình hội đồng thẩm định để công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Về các xã xây dựng NTM, tỉnh hiện có 20 xã đạt từ 11 - 18 tiêu chí.
NTM ở Bình Phước đổi thay từng ngày. (Ảnh: Int) |
Nhìn chung, trong công tác xây dựng NTM, tỉnh còn gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định như tại các xã, phần lớn các tiêu chí giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa chưa đạt do đây là các tiêu chí khó do vốn đầu tư lớn, một số địa phương còn thiếu quỹ đất để xây dựng các công trình công cộng.
Bên cạnh đó, giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh như cao su, điều, tiêu giảm; tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm gây thiệt hại nặng về kinh tế khiến việc vận động nhân dân đóng góp tiền, ngày công thực hiện xây dựng NTM ở địa phương còn khó khăn.
Ngoài ra, hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp vẫn còn hạn chế về hiệu quả hoạt động, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.
Được sự hỗ trợ tích cực của hệ thống chính trị cùng sự sáng tạo trong công tác triển khai thực hiện, phong trào xây dựng NTM tiếp tục lan tỏa sâu rộng và được người dân đồng tình hưởng ứng; nhận thức của người dân về xây dựng NTM ngày càng được nâng cao, người dân thực sự là chủ thể trong xây dựng NTM.
“Các huyện, thị xã, thành phố đều dành nguồn lực cho xã về đích, đây là yếu tố thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhiệm vụ”, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.
Đáng chú ý, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được các tổ chức, cá nhân áp dụng cho hiệu quả cao về kinh tế, môi trường và tạo việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận lao động tại địa phương. Nhiều nông hộ đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học vào sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, phát triển sản xuất gắn với liên kết theo chuỗi giá trị dần được hình thành và phát huy hiệu quả. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, các cấp hội nông dân đã phát triển mới 7 hợp tác xã (HTX), 24 tổ hợp tác.
Nhờ đó, đời sống người dân ổn định, từng bước đi lên, qua đó đóng góp được gần 28 tỷ đồng và 6.204 ngày công xây dựng NTM trong 6 tháng đầu năm.
Bệ đỡ từ HTX
Ở khu phố 7, thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản (Bình Phước), gia đình bà Nguyễn Thị Hiên đã chuyển đổi diện tích cao su già cỗi sang làm nông nghiệp công nghệ cao.
Với 3 sào dưa lưới trong nhà kính, vợ chồng bà đã đầu tư bài bản, chăm sóc tỉ mỉ dưới sự hướng dẫn thường xuyên và tích cực của kỹ sư nông nghiệp cũng như các thành viên dày dạn kinh nghiệm trong HTX Nông nghiệp hữu cơ Tân Khai.
Không chỉ vậy, bà còn chủ động tham gia vào HTX, không ngừng học hỏi và phát huy, mỗi năm từ 3 sào dưa lưới đã đem về cho gia đình bà Hiên hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Phát triển theo hướng nông nghiệp cao là đích đến của người dân Bình Phước. (Ảnh: Int) |
Bà Hiên cũng như nhiều nông dân và thành viên HTX ở thị trấn Tân Khai đã thực sự làm chủ loại cây trồng có giá trị kinh tế cao này, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần vào sự phát triển chung của kinh tế quốc dân như mục tiêu nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2030-2045 hướng tới.
“Trước đây, làm nông nghiệp là đầu tắt mặt tối nhưng năng suất thấp, thu nhập không cao. Hiện nay, nông dân đã hiểu và nhận thức rõ muốn tăng năng suất cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao mà giảm sức lao động thì phải áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Do đó, đối với mô hình trồng dưa lưới, các thành viên HTX Nông nghiệp hữu cơ Tân Khai đều đầu tư từ nhà kính đến thiết bị kỹ thuật, phân bón sinh học... để mang lại giá trị kinh tế cao nhất”, bà Hiên phấn khởi.
Trước xu thế mới, từ những định hướng của cơ quan chức năng, nhiều nông dân trên địa bàn khác đã tìm hiểu và chuyển sang các loại cây trồng mang tính bền vững, có giá trị kinh tế cao.
Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Văn Lục ở thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín, thị xã Phước Long (Bình Phước) có 3,5 ha cao su gần 30 năm tuổi. Ông Lục dự tính cắt bỏ diện tích cây già cỗi, giá trị kinh tế thấp chuyển sang trồng loại cây có giá trị kinh tế cao hơn.
“Nếu đủ năng lực thì chuyển đổi 100% sang trồng sầu riêng hoặc loại cây có giá trị cao hơn, còn nếu không thì chuyển đổi một nửa diện tích sang trồng cây ăn trái, nửa còn lại tiếp tục với cây cao su nhưng tìm nguồn giống tốt hơn”, ông Lục chia sẻ.
Theo người làm chủ 50 ha cây trồng có giá trị kinh tế cao như cao su, sầu riêng, ông Trương Văn Đảo, Giám đốc Hợp tác xã Cây ăn trái (thị xã Phước Long) đánh giá, hiện nay, nông dân Bình Phước nói chung, thị xã Phước Long nói riêng, ai ai cũng hăng hái tham gia sản xuất theo phương thức mới. Họ học nhau, hiện đại hóa từng bước trong canh tác nông nghiệp, cùng nhau hướng tới nền nông nghiệp hiện đại bền vững, vừa nâng cao năng suất vừa đem lại lợi ích kinh tế cao.
“Cấp ủy, chính quyền xã khuyến khích các nông hộ ứng dụng khoa học - kỹ thuật, tiến bộ công nghệ để nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp. Qua đó góp phần nâng cao đời sống người dân ở khu vực nông thôn, xây dựng thành công xã NTM nâng cao”, lãnh đạo xã Phước Tín cho biết.
Nhật Nam