Trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của địa phương, những năm qua, huyện đã triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp bắt đầu từ đổi mới tư duy, đổi mới sản xuất, đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái.
Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp
Cụ thể, huyện Hoà An đã chủ trương tái cơ cấu trồng trọt theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng gắn với thị trường tiêu thụ, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng; trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm của từng địa phương, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, nhất là giống, biện pháp canh tác tiên tiến, thu hoạch, bảo quản, chế biến nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị, tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao thu nhập.
Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo tại các xã Đức Long, Dân Chủ,… tạo được hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: Int) |
Theo đó, huyện chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với các địa phương xây dựng các mô hình, quy hoạch những vùng chuyên canh, như: Mô hình ớt tại 2 xã Hồng Việt, Đức Long với diện tích 4,2 ha; Mô hình trồng rau sạch an toàn, rau hữu cơ tại các xã: Hồng Việt, Hoàng Tung, Bế Triều với diện tích khoảng 5,5 ha; duy trì diện tích trồng rau xanh các loại với diện tích khoảng 300 ha… giá trị thu nhập bình quân hằng năm đạt từ 70 - 80 triệu đồng/ha; Mô hình trồng khoai tây thương phẩm với diện tích 26 ha, sản lượng đạt 400 tấn, giá trị thu nhập 60 - 70 triệu đồng/ha/năm.
Hay như mô hình gừng gié thương phẩm 10 ha tại các xã, giá trị thu nhập 110 triệu đồng/ha/năm; Mô hình lúa chất lượng cao Japonica diện tích 66 ha cho năng suất, sản lượng cao tại các xã: Hoàng Tung, Bế Triều, Hồng Việt; vùng chuyên canh sản xuất thuốc lá nguyên liệu với diện tích trên 1.600 ha tại các xã: Nam Tuấn, Đức Long, Dân Chủ, Đại Tiến…, năng suất đạt 25,25 tạ/ha, sản lượng đạt 4.118 tấn; giá trị thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/ha/năm.
Đáng chú ý, thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi, huyện đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc, tạo điều kiện về đất đai để mở rộng quy mô đất đai, trang trại, chính sách hỗ trợ tín dụng và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, HTX bao tiêu sản phẩm, tìm đầu ra ổn định.
Nhờ đó, nhiều mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi được hình thành và phát triển, tổng đàn gia súc đạt gần 63.000 con; giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 139,72 tỷ đồng. Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo tại các xã Đức Long, Dân Chủ,… tạo được hiệu quả kinh tế cao.
Theo đại diện HTX nông nghiệp Cốc Lùng (xã Đức Long), chăn nuôi trâu bò vỗ béo nếu áp dụng tốt kỹ thuật, biết cách phòng bệnh thì đàn gia súc phát triển ổn định, giá trị kinh tế đạt tương đối cao. Cứ 3-5 tháng có thể xuất ra thị trường một lứa, trung bình lãi từ 500.000 – 2.000.000 đồng/con/tháng.
“Việc đầu tư phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại, HTX, nhóm hộ liên kết chăn nuôi hiện nay là hướng đi đúng, rất có tiềm năng cho người nông dân. Nhưng để phát triển ổn định, Nhà nước cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi về vốn, kỹ thuật, phương pháp xử lý chất thải và kêu gọi liên kết doanh nghiệp, HTX trong việc thu mua bao tiêu sản phẩm”, vị đại diện này nói.
Tiếp tục xây dựng lộ trình đến 2025
Theo chia sẻ của ông Nông Văn Thu, xóm Nà Gọn, xã Đức Long, từ khi thực hiện Chương trình xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của xã thay đổi rất nhiều so với những năm trước đây, nhà cửa được xây dựng khang trang, đường sá đi lại thuận tiện. Không chỉ vậy, người dân còn được hưởng lợi từ các chương trình, dịch vụ, hướng dẫn cách làm ăn mới, tăng thu nhập, qua đó, từng bước ổn định cuộc sống.
Được biết, thời gian tới, huyện Hoà An tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng, tính bền vững đối với các tiêu chí đã đạt được ở các xã và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí còn lại theo lộ trình. Phấn đấu đến hết năm 2025, có trên 55% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 02 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Để hiện thực hoá lộ trình, huyện vẫn sẽ phát huy các tiềm năng sẵn có của địa phương nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững, nhất là tập trung chỉ đạo thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Trong đó, triển khai chương trình sản xuất nông nghiệp thông minh; chú trọng sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, khai thác có hiệu quả quỹ đất để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn.
Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung chỉ đạo, vận động người dân thực hiện trồng trọt theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng, sử dụng đất có hiệu quả; tập trung phát triển nâng cao năng suất, chất lượng thuốc lá nguyên liệu, chú trọng sản xuất rau an toàn; phát triển mạnh các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm của từng địa phương.
Ngoài ra, tiếp tục thành lập các tổ sản xuất, tổ hợp tác, HTX và các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp có điều kiện sản xuất tập trung; phát triển kinh tế hộ, liên kết hộ ở vùng cao, vùng khó khăn.
Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cao Bằng Hà Ngô Tuấn cho biết, thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cao Bằng tiếp tục tạo động lực để thúc đẩy hợp tác xã phát triển bền vững bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, vị trí của kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành chức năng tập trung nâng cao công tác quản lý, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể và hợp tác xã.
Bên cạnh đó, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cao Bằng tiếp tục hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, kết nối thị trường tiêu thụ; tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các hộ nông dân khi tham gia hợp tác xã, kinh tế tập thể và các hình thức tổ chức liên kết hợp tác sản xuất, kinh doanh theo chuỗi.
Nhật Nam