Sau hơn 10 năm tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện cùng với sự đồng lòng hưởng ứng của nhân dân, doanh nghiệp, Chương trình xây dựng NTM và NTM nâng cao của tỉnh Bình Dương đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Hướng tới những mục tiêu mới
Theo đó, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang và hiện đại, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, môi trường có nhiều chuyển biến tích cực, an ninh trật tự xã hội được giữ vững.
Đặc biệt, các địa phương luôn quan tâm tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế, cá nhân đầu tư sản xuất, khuyến khích phát triển các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ trong nông thôn.
Chương trình xây dựng NTM và NTM nâng cao của tỉnh Bình Dương đã đạt nhiều kết quả tích cực (Ảnh: Int) |
Theo thống kê, tỉnh Bình Dương đã có 22/46 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Hiện, tỉnh đang tiếp tục tập trung xây dựng xã NTM nâng cao, xã nông thôn kiểu mẫu và chương trình mỗi xã một sản phẩm cho những xã còn lại.
Được biết, theo kế hoạch đề ra, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 100% (41/41 xã) số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 24% (10/41 xã) số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 100% huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; tỉnh Bình Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.
Bên cạnh đó, hoàn thành xây dựng thí điểm "Làng thông minh" trên địa bàn xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên và nhân rộng đối với các xã còn lại, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương; hoàn thành việc thực hiện thí điểm Đề án xây dựng NTM trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện đối với huyện Bàu Bàng và nhân rộng đối với các địa bàn còn lại, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Đồng thời, nhân rộng và tôn vinh các điển hình tiên tiến có những mô hình mới; sáng kiến, kinh nghiệm hay, những cách làm sáng tạo trong thực hiện phong trào thi đua.
Thực hiện kế hoạch, tỉnh đã từng bước hoàn thiện cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, tuyên truyền đổi mới tư duy, giúp nông dân hiểu được liên kết sản xuất sẽ tạo nên sức mạnh, góp phần nâng cao thu nhập cũng như chất lượng cuộc sống cho lao động nông thôn.
Trong đó, hoạt động hiệu quả của nhiều mô hình HTX nông nghiệp đã góp phần thực hiện tốt tiêu chí đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các địa phương. Hình thức tổ chức sản xuất là tiêu chí bắt buộc trong xây dựng NTM nhằm hướng tới nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân nông thôn.
Nhiều mô hình HTX nông nghiệp hiệu quả
Điển hình, huyện Bắc Tân Uyên nổi tiếng với cam, quýt, bưởi chất lượng nhờ có sự đóng góp tích cực của các HTX nông nghiệp thông qua việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Các HTX nông nghiệp đã đưa thương hiệu cây ăn trái có múi Bắc Tân Uyên vươn xa trên thị trường, thúc đẩy quá trình xây dựng NTM. Đến nay huyện Bắc Tân Uyên có 7/8 xã đạt 19/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng NTM nâng cao (Đất Cuốc, Lạc An, Tân Định, Hiếu Liêm, Thường Tân, Tân Mỹ và Bình Mỹ).
HTX cây ăn quả Tân Mỹ tham gia Đề án hỗ trợ xây dựng HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị do Liên Minh HTX Việt Nam thực hiện (Ảnh: Int) |
Với sản phẩm chủ lực là các sản phẩm về nông nghiệp, cụ thể là cây ăn trái có múi và thịt gia súc gia cầm. Những năm qua xã Hiếu Liêm luôn nỗ lực tuyên truyền vận động nông dân tập hợp, liên kết để phát triển mô hình kinh tế tập thể. Hiện xã có 2 HTX (HTX Nhân Đức và HTX Ngọc Quang Thanh).
Trong xây dựng NTM, các HTX đã cùng chính quyền xã triển khai thực hiện công tác quy hoạch, phân vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện cho các hộ tổ chức sản xuất bảo đảm quy hoạch. Đồng thời chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đưa giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác ngày càng tăng cao, góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Nhờ hoạt động hiệu quả, hàng năm mỗi HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động tại địa phương, tạo ra thu nhập hàng tỷ đồng cho thành viên.
Hay như huyện Dầu Tiếng là huyện NTM đầu tiên của tỉnh, có thế mạnh về nông nghiệp, hiện nay huyện có 14 HTX nông nghiệp với 124 thành viên, tổng doanh thu đạt gần 14 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 2,7 tỷ đồng.
Các HTX nông nghiệp như: Minh Hòa Phát, Tâm Phát (xã Minh Hòa)... hoạt động ổn định, đã chuyển đổi, mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng chủng loại cây trồng, cung ứng cây con giống, vật tư nông nghiệp… đóng góp tích cực cho việc thực hiện xây dựng NTM ở địa bàn.
Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể (KTTT) huyện Dầu Tiếng, để thúc đẩy phát triển KTTT nói chung và lĩnh vực HTX nông nghiệp nói riêng, thời gian tới huyện tiếp tục hỗ trợ mở rộng các ngành nghề người dân có nhu cầu, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, vận tải...
Được biết, để hỗ trợ các HTX nông nghiệp phát triển bền vững, Liên minh HTX tỉnh đã ban hành nhiều chính sách như hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học góp phần giảm chi phí sản xuất. Tăng cường đầu tư, nâng cấp về cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho nông nghiệp, nông thôn, nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, trẻ hóa. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động hỗ trợ tài chính, tín dụng để gia tăng sức mạnh kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có HTX cây ăn quả Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên) và HTX ổi Thanh Kiên (huyện Phú Giáo) tham gia Đề án hỗ trợ xây dựng HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị do Liên Minh HTX Việt Nam thực hiện với tổng số tiền 444,7 triệu đồng. Hiệu quả bước đầu giảm chi phí đầu vào của HTX từ 18 - 22%, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho thành viên và người lao động.
Nhật Nam