Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã thực hiện đồng bộ hàng loạt chủ trương, chiến lược về xóa đói, giảm nghèo để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các địa phương, giữa miền núi với miền xuôi.
Ông Tô Đức, Chánh Văn phòng Quốc gia giảm nghèo cho hay, hiện nay, vùng lõi nghèo tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm trên 57% số hộ nghèo của cả nước. Với rất nhiều nỗ lực, bức tranh kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có những bước chuyển biển tích cực. Tuy nhiên, đến nay vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn cứ là vùng “lõi nghèo”, vùng khó khăn nhất của cả nước.
Nỗ lực thoát nghèo ở vùng lõi
Hiện nay, thu nhập bình quân của hộ đồng bào DTTS ở nhiều nơi chỉ bằng 40 - 50% bình quân thu nhập trong khu vực, tỷ lệ dân số là người DTTS chiếm 14,7% nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 57,16 % tổng số hộ nghèo của cả nước.
Vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn là vùng “lõi nghèo”, vùng khó khăn nhất của cả nước. |
Vùng "lõi nghèo" thường là địa bàn khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp, kinh tế - xã hội chậm phát triển, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, giảm nghèo thiếu bền vững, khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các dân tộc, vùng miền ngày càng tăng lên.
Trước tình hình trên, để đáp ứng nguyện vọng thoát nghèo của các vùng "lõi nghèo" trên toàn quốc, Đảng, Nhà nước đang đưa ra nhiều chủ trương mới nhằm thúc đẩy giảm nghèo bền vững trong đó tập trung xây dựng các mô hình HTX kiểu mới, phát triển bền vững.
Huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên là huyện vùng sâu, vùng xa và cũng là vùng nghèo nhất cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Do vậy, từ khi có các chương trình 30a, 135… đã tác động tích cực, làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS Mường Nhé.
Ông Khoàng Văn Cớm, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nông nghiệp – xây dựng và dịch vụ Mường Toong (xã Mường Toong) cho biết: Trước đây, đời sống của người dân trong xã rất khó khăn, thiếu thốn nhưng nhờ được Nhà nước đầu tư về cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi và tham gia mô hình kinh tế tập thể, HTX…, người dân đã triển khai chăn nuôi, nuôi thủy sản. HTX cũng đầu tư máy sản xuất cám để hỗ trợ người dân. Hoạt động này giúp nhiều hộ gia đình có đời sống ổn định. Mỗi năm thu nhập từ nuôi lợn, chăn nuôi trâu, bò, nhiều gia đình có thu nhập hàng chục triệu đồng.
Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn huyện Mường Nhé có 13 tổ hợp tác, 5 HTX mới thành lập. Các HTX, tổ hợp tác này đang giúp các chính sách giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội đến gần với người dân.
Tiêu biểu như HTX dịch vụ trồng và chế biến quế Huổi Pinh (xã Mường Toong) và HTX nông nghiệp Hữu cơ Suối Voi (xã leng Su Sìn)… đều tích cực tạo điều kiện hỗ trợ người nghèo về các điều kiện sản xuất. Từ đó phát triển các ngành nghề truyền thống, phù hợp với tình hình thực tế của huyện miền núi, biên giới Mường Nhé.
Từ tỷ lệ hộ nghèo hơn 74% vào năm 2015 đến nay, huyện Mường Nhé đã giảm xuống chỉ còn gần 59%. Huyện có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, văn hóa, xã hội chuyển biến tích cực, chất lượng sự nghiệp giáo dục, y tế được nâng lên.
Linh hoạt các giải pháp giảm nghèo
Dù có nhiều thành tựu, song thực tế cũng cho thấy kết quả giảm nghèo ở các vùng "lõi nghèo" chưa thật sự bền vững, dễ tái nghèo, chênh lệch giàu nghèo giữa vùng, các nhóm dân cư chưa được thu hẹp.
Nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS chiếm còn cao; chuẩn thu nhập trong chuẩn nghèo hiện chỉ bằng 45% chuẩn mức sống tối thiểu, chưa được điều chỉnh kịp thời.
Nhiều địa phương đã đã xây dựng được các HTX điển hình nhằm hỗ trợ đồng bào DTTS thoát nghèo. |
Để giúp người dân ở khu vực “lõi nghèo” thoát nghèo, một số địa phương đã tập trung triển khai đồng bộ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững qua các giai đoạn, đồng thời có nhiều cách làm sáng tạo, hỗ trợ người dân giảm nghèo một cách hiệu quả, như hỗ trợ cây, con giống, cứng hóa đường giao thông, đưa lưới điện về bản…
Mường Khương là một trong những huyện đứng đầu của tỉnh Lào Cai về tỷ lệ hộ nghèo, với người dân nơi đây thì “thoát nghèo” hiểu đơn giản là có đủ tiền để trang trải cuộc sống gia đình, có tiền nộp học phí, mua sách vở, quần áo cho con đi học; xây được nhà cửa vững chắc để ở...
Tuy nhiên, mơ ước giản đơn này không phải ai cũng làm được, nếu không có sự quyết tâm, nỗ lực mạnh dạn thay đổi tư duy làm kinh tế để thoát nghèo.
Hiện, Mường Khương đang tập trung canh tác loại cây ăn quả tại thị trấn Mường Khương và các xã Thanh Bình, Tung Chung Phố, Tả Ngài Chồ với tổng diện tích hơn 815 ha, trong đó có 400 ha đang cho thu hoạch quả.
Ở các vùng trồng tập trung đều đã hình thành được các HTX nhằm hỗ trợ đồng bào DTTS người Pa Dí, Phù Lá, Nùng… chuyển đổi đất ruộng bậc thang thiếu nước hoặc đất đồi trồng ngô sang trồng quýt rải vụ theo tiêu chuẩn an toàn để nâng cao hiệu quả kinh tế, xóa nghèo nhanh và bền vững.
Theo các thành viên HTX Nông nghiệp công nghệ cao Mường Khương (thị trấn Mường Khương), trồng quýt theo tiêu chuẩn VietGAP giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi hơn trước rất nhiều, đặc biệt là giá bán mỗi kg quýt đã tăng từ 1,2 - 1,5 lần so với trước đây.
Chỉ tính riêng những đồi quýt chín sớm (thu hoạch từ tháng 8-10) cho năng suất trung bình 10 tấn/ha, giúp thành viên, người dân thu về 150 triệu đồng/ha, cao gấp 8-10 lần so với trồng ngô.
Vườn nhà chị Lò Dìn Phủng (thị trấn Mường Khương) có 8.000 cây quýt, trong đó một nửa diện tích đang cho thu hoạch. Dự tính doanh thu của gia đình từ quýt trong năm 2022 đạt khoảng 500 triệu đồng. Nếu tất cả diện tích trên đều cho thu hoạch, gia đình chị sẽ có doanh thu tiền tỷ từ trồng quýt.
Có thể thấy, với các nguồn lực đầu tư của Trung ương, địa phương, cùng với sự vào cuộc tập trung, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân thì đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng "lõi nghèo" có cơ hội từng bước thoát nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.
Kim Yến