Ông Tô Đức, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho biết, nhiều huyện nghèo, xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Các địa phương này là vùng “lõi nghèo”, có địa hình hiểm trở, kinh tế, xã hội và cơ sở hạ tầng còn khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao, một số nơi còn trên 40% như: Huyện Mường Nhé (Điện Biên) là 59,97%; huyện Nậm Pồ (Điện Biên) là 51,74%; huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) là 42,21%; huyện Đồng Văn (Hà Giang) là 41,96%...
HTX đồng hành tạo chuyển biến
Huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên có 14 dân tộc sinh sống, trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, từ lâu được biết đến là vùng lõi nghèo ở khu vực Tây Bắc. Những năm qua, từ các chương trình, dự án hỗ trợ của Đảng và Nhà nước như Chương trình 30a, Chương trình 135, chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX, bộ mặt nông thôn vùng cao Mường Nhé đã có nhiều khởi sắc.
HTX đã chủ động chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. |
Xác định nông - lâm nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, HTX nông nghiệp hữu cơ Suối Voi (xã Leng Su Sìn) được thành lập, vừa tận dụng tối ưu được lợi thế của địa phương, cùng chính sách của Nhà nước đã làm tốt công tác đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho lao động nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.
Ngày đầu thành lập, HTX gặp không ít khó khăn. Song với sự quan tâm của các cấp, ngành, Liên minh HTX tỉnh và Trung ương tạo điều kiện hỗ trợ về máy móc, thiết bị, nhà xưởng, xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, từng bước nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm của HTX.
Ông Nguyễn Ngọc Tú, Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Suối Voi cho biết: Mặc dù, mới thành lập từ cuối năm 2019, đến nay có 11 thành viên tham gia chuyển đổi từ trồng ngô, sắn sang trồng mắc ca, cao su, cây dược liệu, gia vị theo hướng hữu cơ, đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực.
Ðặc biệt, khi tham gia HTX, các thành viên đều được tham gia tập huấn, đào tạo một trong số các nghề mà HTX đăng ký kinh doanh.
“Dù trước đây, bà con dân tộc Hà Nhì tại xã Leng Su Sìn đã làm nghề liên quan đến chăn nuôi, trồng trọt nhưng chúng tôi vẫn khuyến khích, động viên bà con tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nghề do HTX tổ chức. Có kiến thức cùng với việc tích cực học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất nên hiệu quả kinh tế của các thành viên đều tăng đáng kể sau khi tham gia vào HTX”, ông Tú cho biết.
Ông Giàng A Mươn là một trong những thành viên HTX làm giàu nhờ trồng cây dược liệu. Năm 2020, ông được tham gia lớp dạy nghề do HTX phối hợp Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức. Chỉ sau 3 tháng, từ chỗ làm nghề theo kinh nghiệm, ông Mươn trở thành nông dân sản xuất theo quy trình hiện đại.
“Không ngờ lớp học lại tác động mạnh tới kỹ thuật canh tác của tôi như vậy. Trước đây, tôi chỉ canh tác theo kiểu truyền thống, giờ thì biết áp dụng lối canh tác hiện đại như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, cách bảo quản nông sản sau thu hoạch, marketing cho sản phẩm”, ông Mươn nói.
Có thể thấy, bên cạnh sự nỗ lực vươn lên, đổi mới về nội dung hoạt động và tổ chức sản xuất kinh doanh của các HTX, còn có sự giúp đỡ của Liên minh HTX tỉnh và sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ngành, địa phương đã và đang tạo động lực để các HTX trên địa bàn huyện ngày càng được củng cố và nâng cao hiệu quả. Đồng thời, dần khẳng định vị trí, vai trò của HTX trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Thoát nghèo từ chính nội lực
Để giúp người dân ở khu vực lõi nghèo thoát nghèo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã tập trung triển khai đồng bộ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững qua các giai đoạn, đồng thời, có nhiều cách làm sáng tạo, hỗ trợ người dân giảm nghèo một cách hiệu quả.
HTX đã triển khai các mô hình, dự án giảm nghèo ở vùng lõi nghèo nhằm phát triển tăng thu nhập cho người dân. |
Từ đó, triển khai các mô hình, dự án giảm nghèo vùng lõi nghèo nhằm phát triển các vùng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tạo sinh kế, việc làm, thu nhập cho người dân, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, kết nối với thị trường, với HTX bao tiêu sản phẩm đầu ra, ứng phó với dịch bệnh, biến đổi khí hậu.
Theo đó, huyện Đồng Văn đã triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng và nhân rộng các mô hình về xóa đói giảm nghèo.
Trên địa bàn huyện hiện có 10 HTX, 26 tổ hợp tác tham gia liên kết tiêu thụ, chế biến sản phẩm nông nghiệp như Tam giác mạch, mật ong Bạc Hà, ớt gió, lê, mận, sâm khoai và các sản phẩm từ lanh,....
Một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả trong thu hút thành viên, tạo việc làm cho lao động nông thôn là HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Sà Phìn A xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn (HTX Lanh Trắng), khi mới thành lập chỉ có 20 hội viên, chuyên sản xuất các sản phẩm thêu, dệt, nhuộm vải lanh truyền thống.
Sau 5 năm, HTX có bước phát triển nhanh chóng, hình thành chuỗi khép kín, tự cung cấp nguyên vật liệu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho 95 hội viên ở xã Sà Phìn và nhiều xã trong huyện Đồng Văn.
Theo chị Sùng Thị Sy, Giám đốc HTX cho biết, chúng tôi luôn có đơn đặt hàng ổn định từ các nước như Hà Lan, Đức, Mỹ, Nhật. Bên cạnh đó, các cửa hàng thời trang trong nước cũng đến đây nhập sản phẩm của HTX. Với công việc đều đặn, mỗi thành viên HTX có thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng. Riêng năm 2021, nhờ tham gia HTX, đã có 4 hộ thoát nghèo, có thu nhập ổn định.
“Để triển khai giảm nghèo hiệu quả ở “vùng lõi” trong giai đoạn tới, cần phải xem đầu tư giảm nghèo là vấn đề kinh tế chuyển từ đầu tư giảm nghèo theo diện rộng sang đầu tư giảm nghèo theo chiều sâu. Theo đó phương thức hỗ trợ người nghèo phải chuyển từ hỗ trợ riêng lẻ theo hộ gia đình sang mô hình HTX sản xuất phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, triển khai các mô hình, dự án giảm nghèo vùng lõi nghèo nhằm phát triển các vùng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tạo sinh kế, việc làm, thu nhập cho người dân”, ông Tô Đức, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho hay .
Đoàn Huyền