![]() |
HTX Kim Phượng hoạt động hiệu quả trên sàn thương mại điện tử của tỉnh Thái Nguyên (Ảnh Tư liệu) |
Đưa nông sản lên sàn
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, thương mại điện tử ngày càng cho thấy vai trò quan trọng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân nâng cao giá trị canh tác, vươn lên làm giàu bền vững.
Xác định thương mại điện tử là hướng đi tất yếu để duy trì sự tăng trưởng bền vững, mở hướng thoát nghèo cho thành viên, nhiều HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã chủ động tìm đến các sàn giao dịch để đăng ký qua đó tiếp cận được với các kênh phân phối lớn.
Việc đưa nông sản lên sàn giao dịch đã giúp các đơn vị sản xuất cũng như doanh nghiệp địa phương trong quảng bá, mở rộng thị trường, kết nối với đối tác và tạo sự thuận tiện hơn cho người tiêu dùng.
Không chỉ trên sàn thương mại điện tử của tỉnh, nhiều HTX còn chủ động tiếp cận các sàn khác như Voso.vn, gcaeco.vn, postmart.vn…
Điển hình có thể kể đến HTX Chăn nuôi, sản xuất nông sản sạch xã Kim Phượng, huyện Định Hóa. Kể từ năm 2018 đến nay, thông qua sàn thương mại điện tử của tỉnh, HTX đã tiếp nhận thành công hàng trăm đơn hàng từ các tỉnh miền Bắc, Trung, Nam mua sản phẩm mỳ gạo bao thai.
Chỉ trong 2 năm qua, HTX đã tiêu thụ trên 6 tấn mỳ gạo bằng hình thức này. Đặc biệt, qua sàn thương mại điện tử, HTX đã kết nối thành công với nhiều đối tác, từ đó mở rộng thêm thị trường tiêu thụ, nâng cao giá bán, ổn định thu nhập cho thành viên, hộ liên kết.
Bà Ma Thị Hằng, Giám đốc HTX Kim Phượng, cho biết hiện đại hóa sản xuất kết hợp với thương mại điện tử giúp HTX tăng doanh thu, đảm bảo đời sống cho thành viên, người lao động.
Năm 2018, bình quân thu nhập của các thành viên, người lao động HTX đạt 45 – 70 triệu đồng/năm. Hiện, HTX không có hộ nghèo, đời sống được nâng lên cả về vật chất và tinh thần.
“Trung bình 1 công lao động mỗi ngày vận hành dây chuyền có thể chế biến 150kg nguyên liệu, trong khi chế biến thủ công cần tới 5 công. Do độ hao hụt ít hơn và giá thành sản xuất giảm, mỗi ngày, cứ 150kg gạo nguyên liệu chế biến bằng máy, HTX có thể thu lãi 1,9 triệu đồng, cao hơn chế biến thủ công 1 triệu đồng…”, Giám đốc Ma Thị Hằng nhấn mạnh.
![]() |
Lên sàn thương mại điện từ giúp HTX nâng cao thương hiệu (Ảnh TL) |
Cần đẩy mạnh hỗ trợ
Phát huy lợi thế sẵn có của vùng chè, HTX Chè Thủy Thuật (xã Phúc Trìu, Tp.Thái Nguyên) đã từng bước đổi mới, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh.
Cách làm của HTX đã nâng cao chất lượng sản phẩm trên thị trường và từng bước cải thiện môi trường sản xuất trên vùng đất có truyền thống về cây chè, mang lại lợi nhuận cao cho thành viên.
Chị Phạm Thị Thủy, Giám đốc HTX Chè Thủy Thuật, cho biết tháng 7/2019, sau khi Hội Nông dân tỉnh có chương trình về việc quảng bá, giới thiệu và cung cấp nông sản trên sàn Voso.vn, HTX đã đăng ký để đưa sản phẩm chè lên sàn.
Từ khi tham gia sàn giao dịch điện tử và được hỗ trợ thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, các sản phẩm chè của HTX được thị trường ngoài tỉnh biết đến nhiều hơn, đối tác cũng được mở rộng, do vậy mà số lượng hàng hóa sản xuất, tiêu thụ đã tăng lên đáng kể.
Hiện, sản phẩm chính của HTX gồm 4 loại là nhất tâm trà, chè tôm móc câu, chè đinh, chè thượng hạng. Thị trường tiêu thụ của HTX gồm ở trong và ngoài tỉnh, như Hà Nội, Phú Thọ, Hải Phòng, Tp.HCM và cả thị trường Đài Loan (Trung Quốc).
Thị trường ổn định giúp giá trị sản xuất của thành viên HTX gia tăng. Với phương thức sản xuất mới, áp dụng KH-KT, máy móc hiện đại, năng suất bình quân trong sản xuất chè của HTX liên tục tăng 8 - 10 tấn/ha lên mức 12 - 14 tấn/ha.
Giá thành sản phẩm của HTX cũng được nâng cao từ mức 100.000 - 160.000 đồng/kg lên mức trên 250.000 đồng/kg. Năm 2019, thu nhập bình quân của thành viên HTX đạt trên 30 triệu đồng/người/năm.
“Sau 2 năm đầu đối mặt nhiều khó khăn, đến nay thành viên HTX có thể tự tin thoát nghèo, vươn lên làm giàu bằng cây chè. Năm 2020, HTX phấn đấu thu nhập bình quân của thành viên lên 45 – 50 triệu đồng/năm”, Giám đốc Phạm Thị Thủy nhấn mạnh.
Nhật Minh