Nhiều nông dân ở Ngăm Mạc đang thoát nghèo, làm giàu nhờ ớt chỉ thiên (Ảnh Tư liệu) |
Ớt chỉ thiên thành cây chủ lực
Mô hình trồng ớt chỉ thiên được HTX Ngăm Mạc chính thức triển khai từ năm 2016. Sau hơn 4 năm, mô hình đang cho hiệu quả cao về kinh tế với lợi nhuận bình quân 6 – 8 triệu đồng/sào.
Để nâng cao giá trị, các hộ dân tham gia mô hình được HTX hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, hỗ trợ giống, tập huấn sử dụng phân bón đúng cách, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định, phù hợp thị trường…
Sở hữu hơn 4 sào đất trồng ớt, bà Nguyễn Thị Khanh chia sẻ, ớt là cây dễ trồng, có sự thích nghi rất tốt với thổ nhưỡng, khí hậu ở Ngăm Mạc. Vào HTX, cái được lớn nhất là thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán cao.
“Ớt cho thu hoạch sau khoảng 3 tháng, năng suất trung bình đạt 1,4-1,5 tấn/sào. Doanh nghiệp đối tác của HTX đảm bảo thu mua với giá 7.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi sào ớt trừ chi phí còn lãi 7 - 8 triệu đồng/sào, gấp 5 lần so với trồng lúa”, bà Khanh phấn khởi nói.
Cũng hưởng lợi từ trồng ớt, anh Phan Duy Ích nhấn mạnh không chỉ về kinh tế, mô hình trồng ớt đang mang lại những lợi ích về môi trường, sức khỏe. Vào HTX, các thành viên được tập huấn sản xuất theo quy trình VietGAP, ứng dụng hiệu quả khoa học, kỹ thuật.
Sản xuất khoa học giúp các hộ tiết kiệm chi phí, gia tăng năng suất, đặc biệt là giảm các loại thuốc trừ sâu, phân bón hóa học độc hại, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường sinh thái.
Giám đốc HTX Ngăm Mạc, ông Nguyễn Đắc Thành cho biết: “Từ thành công của mô hình thí điểm, trong những vụ tới, HTX sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để mở rộng diện tích trồng ớt, nâng cao hiệu quả canh tác, đem lại thu nhập cao cho người dân, đồng thời phát huy lợi ích về môi trường sinh thái”.
Bên cạnh ớt, HTX Ngăm Mạc cũng rất thành công với rau VietGAP (Ảnh TL) |
Hiệu quả từ rau sạch
Bên cạnh cây ớt, HTX Ngăm Mạc cũng rất thành công với mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. HTX là đơn vị đi đầu trong sản xuất rau an toàn của huyện Gia Bình, xây dựng được vùng chuyên canh sản xuất các loại rau, củ, quả.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường và giảm bớt rủi ro về giá cả, cũng như đa dạng các sản phẩm, theo từng mùa vụ, HTX bố trí trồng các loại rau phù hợp. Vụ Xuân - Hè trồng rau muống, mồng tơi, rau đay… vụ Thu - Đông trồng su hào, bắp cải, súp lơ, bầu, bí, đậu bắp, khoai sọ…
Giám đốc Nguyễn Đắc Thành cho biết hiện nay, HTX đã ký hợp đồng với một số công ty tại tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương để bao tiêu các loại sản phẩm như: bầu, bí, ớt, bắp cải, xu hào… Các sản phẩm khác được các doanh nghiệp ở Hà Nội về thu mua cung cấp cho các siêu thị.
Để quảng bá thương hiệu sản phẩm, HTX xây dựng một số cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại trung tâm thị trấn Gia Bình, nhờ đó các sản phẩm được tiêu thụ thông qua nhiều kênh phân phối, tránh ứ đọng khi vào vụ thu hoạch rộ.
Cũng giống như trồng ớt, các mô hình sản xuất rau màu của HTX cũng tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất sạch, với các điều kiện khắt khe về vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái.
Là một trong những hộ đầu tiên triển khai sản xuất rau an toàn, gia đình bà Nguyễn Thị Mận đang có 2 sào chuyên canh cây màu theo hình thức luân canh 1 vụ khoai sọ, 1 vụ rau bắp cải.
Theo bà Mận, khi tham gia sản xuất rau an toàn, các hộ đều được tập huấn, cấp chứng chỉ, tuân thủ nghiêm chỉnh quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
“Các loại hóa chất, thuốc trừ sâu hóa học gây hại sức khỏe, môi trường bị loại bỏ hoàn toàn, thay vào đó là các loại phân bón, hoạt chất vi sinh do HTX tuyển chọn. Khi sử dụng, thành viên cũng phải tuân thủ quy tắc “4 đúng” (đúng loại, đúng liều lượng, đúng thời gian, đúng cách)”, bà Mận cho hay.
Nhật Minh