Thúc đẩy liên kết để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp (Ảnh Tư liệu) |
Đẩy mạnh liên kết, chú trọng ATLĐ
Hướng tới mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, kể từ năm 2010 đến nay, huyện Hưng Hà đã tích cực chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh quá trình dồn điền đổi thửa, xây dựng các vùng trồng cây ăn quả, vùng chăn nuôi tập trung…
Đồng thời, huyện chỉ đạo sát sao, đôn đốc các HTX nông nghiệp tổ chức liên kết sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cho người nông dân. Đến nay, toàn huyện Hưng Hà có gần 40 HTX có mô hình liên kết sản xuất.
Các địa phương trong huyện cũng đẩy mạnh liên kết sản xuất, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm thường xuyên với nhiều doanh nghiệp có uy tín để mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá bán sản phẩm.
Để quy hoạch được vùng sản xuất, HTX nông nghiệp xã Dân Chủ đã tham mưu với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, vận động nông dân chuyển đổi giống lúa dài ngày kém hiệu quả sang cấy lúa ngắn ngày năng suất cao.
Đặc biệt, HTX đã quy hoạch vùng sản xuất theo quy mô cánh đồng mẫu trồng ngô ngọt, bí xuất khẩu, đồng thời thực hiện liên kết 4 nhà, ký hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu nông sản cho nông dân. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế đem lại cao, giúp nông dân yên tâm sản xuất.
Ông Đinh Văn Sâm – Giám đốc HTX, cho biết trong quá trình chuyển đổi, bên cạnh giá trị kinh tế, HTX đặc biệt chú trọng đến vấn đề ATLĐ nhằm đảm bảo lợi ích toàn diện cho thành viên, nông dân liên kết.
Đơn cử, trong sản xuất lúa, HTX gắn quá trình cơ giới hóa với đảm bảo ATLĐ cho thành viên. Đội ngũ vận hành máy được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, đồng thời nắm vững kiến thức về ATLĐ trong sản xuất.
Nếu trước đây, các vụ tai nạn do máy cày, máy bơm, máy tuốt lúa thường xuyên xảy ra gây ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn sức khỏe của người sản xuất, thì nay khi yếu tố kỹ thuật được đảm bảo, những vụ tai nạn nặng gần như không còn.
Ngoài ra, khi tham gia sản xuất, các hộ được HTX hỗ trợ, khuyến khích trang bị đầy đủ đồ bảo hộ như mũ bảo hiểm, khẩu trang, găng tay chuyên dụng… để đảm bảo sức khỏe, tránh tai nạn lao động, từ đó gia tăng hiệu quả canh tác.
Vấn đề ATLĐ ngày càng được chú trọng, đặc biệt là tại các HTX ở Hưng Hà (Ảnh TL) |
Những kết quả tích cực
Giống như HTX nông nghiệp xã Dân Chủ, vấn đề ATLĐ cũng đang được đặc biệt chú trọng tại HTX nông nghiệp Điệp Nông, xã Điệp Nông. Sau nhiều năm hoạt động, HTX đang là đầu tàu về chuyển dịch cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả cao tại địa phương.
Ông Trần Minh Chiêu - Giám đốc HTX, cho biết: “HTX đang liên kết với 9 doanh nghiệp để tiêu thụ 12 - 15 loại nông sản. HTX đã chủ động thuê lại các diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả để phát triển vùng rau chuyên canh, mang lại giá trị bình quân 100 - 200 triệu đồng/ha/năm”.
Để phát triển bền vững, trong 3 năm trở lại đây, HTX Điệp Nông liên tục tổ chức tập huấn ATLĐ, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý, năng lực sản xuất cho thành viên, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất, gia tăng các chế độ đãi ngộ để thu hút lao động trẻ có trình độ cao.
“Trong quá trình sản xuất, bên cạnh yếu tố kỹ thuật, HTX thường xuyên tổ chức khám sức khỏe cho thành viên. Khi tham gia các khâu sản xuất như bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, thành viên được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ để tránh gây ra các bệnh về đường hô hấp, viêm da…”, ông Chiêu nhấn mạnh.
Không chỉ riêng các mô hình ở xã Điệp Nông và Dân Chủ, các địa phương khác trong huyện Hưng Hà cũng đã nhân rộng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả.
Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, đến nay, huyện Hưng Hà đã từng bước hình thành các vùng sản xuất mang tính hàng hóa như vùng trồng cây ăn quả xã Hồng An có diện tích trên 140ha; vùng liên kết bao tiêu sản phẩm trồng bí diện tích 70ha tại xã Dân Chủ; vùng trồng cây dược liệu diện tích 70ha của xã Thống Nhất…
Nhật Minh