6 năm trước, ông Ngà ở xã Phú Lập (huyện Tân Phú) đã bắt đầu nuôi dê nhưng chỉ nuôi với số lượng rất ít 3 - 4 con nhằm phụ thêm kinh tế gia đình. Còn hơn 2 năm trở lại đây, được sự hỗ trợ của HTX dịch vụ chăn nuôi - mua bán dê Văn Phong, ông mạnh dạn phát triển đàn dê lên 20 con.
Toàn bộ dê được HTX bao tiêu
Dù số lượng tăng lên gấp 5 lần, nhưng ông Ngà không hề lo lắng bởi có đầu ra ổn định, toàn bộ dê được HTX bao tiêu. Thêm vào đó, thức ăn cho dê cũng đơn giản, tận dụng nguồn lá cây sẵn có từ cây keo, sầu đâu. Dê ít bệnh nên lợi nhuận của ông Ngà cũng cao hơn.
Phát triển chuỗi liên kết nuôi dê được xem là rất phù hợp với người nông dân trên địa bàn huyện Tân Phú. |
HTX dịch vụ chăn nuôi - mua bán dê Văn Phong hoạt động ở xã Phú Lộc cách đây 4 năm, ban đầu có 11 thành viên. Trong quá trình hoạt động, HTX đã đem lại hiệu quả cho từng thành viên, từ đó các nông dân trong xã thấy được hiệu quả kinh tế từ HTX, đã làm đơn tự nguyện xin tham gia vào HTX, nâng tổng số đến tháng 5/2023 có 47 thành viên.
Hiện HTX đã xây dựng được 3 trại nuôi dê tổng đàn gồm 1.400 con dê và 40 con heo rừng giống sinh sản, lợi nhuận mỗi tháng 300 triệu đồng, đã đi vào hoạt động ổn định đem lại hiệu quả cho các thành viên, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương.
Bên cạnh đó, HTX còn hợp tác với nông dân các xã trên địa bàn huyện để hợp đồng chăn nuôi theo phương thức hỗ trợ dê giống không tính lãi và thu mua dê thành phẩm.
Giám đốc của HTX là ông Nguyễn Văn Phong - là chủ trại dê Văn Phong tại xã Phú Lập, với nguồn thu nhập hàng năm từ nuôi dê hơn 2 tỷ đồng/năm. Hiện ông Phong có 3 cơ sở trang trại nuôi dê thịt nằm trên địa bàn huyện Tân Phú.
Theo ông Phong, những nông dân địa phương khi tham gia HTX đã được học thêm nhiều lớp tập huấn kỹ thuật của HTX, của Hội Nông dân xã để chăm sóc cho đàn dê. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện để vay vốn, hỗ trợ cho thành viên phát triển kinh tế thêm, mang lại lợi nhuận cho bà con.
Hiện nay số lượng dê của HTX được tiêu thụ trong khắp cả nước. Bình quân mỗi ngày, HTX xuất bán từ 40-50 con. “Chúng tôi muốn hỗ trợ bà con phát triển chăn nuôi dê, xóa đói giảm nghèo, vươn lên phát triển kinh tế ở huyện miền núi Tân Phú. Đó là tâm huyết của HTX dịch vụ chăn nuôi mua bán dê Văn Phong”, ông Phong chia sẻ.
Người nuôi có lời nhờ chăn nuôi dê sinh sản gắn với liên kết
Ngoài ra, HTX này còn bao tiêu đầu ra ổn định cho 13 hộ trồng bắp bán cây, với mức lãi mỗi hộ là 30 triệu đồng/1 hecta trong vòng 2 tháng. Không chỉ dừng lại ở đó, vẫn còn thị trường cho con dê, HTX sẽ tiếp tục cùng hộ chăn nuôi tại địa phương phát triển mạnh đàn dê trong thời gian tới.
Mô hình nuôi dê sinh sản và liên kết trong chăn nuôi của HTX dịch vụ chăn nuôi - mua bán dê Văn Phong mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Thực tế cho thấy, trong khi có những trại nuôi dê than trời vì dê thịt có những giai đoạn rớt giá khiến nông dân thua lỗ, thì vẫn có những cách làm bền vững để người nuôi có lời như cách làm của HTX Văn Phong.
Đó là do HTX thực hiện mô hình chăn nuôi dê sinh sản gắn với liên kết trong chăn nuôi nên người nuôi dê ở đây vẫn có lãi dù có thời điểm giá dê xuống thấp. Trong khi các trang trại chăn nuôi dê vỗ béo gặp khó thì HTX vẫn xuất bán đều. Vừa qua, trên 600 con dê giống đã được xuất bán, dù giá chỉ 90 ngàn đồng/kg thì người nuôi vẫn thu lợi nhuận từ 200-300 ngàn đồng/con. Và số dê giống cũng đang chuẩn bị để tiếp tục xuất bán.
Theo ông Nguyễn Văn Phong, đa số những người nuôi vỗ béo là nuôi đứt đoạn, một lứa họ nhập về 300-400 con để nuôi trong vòng 3-4 tháng, họ bán xong rồi nghỉ. Như vậy, không có sự duy trì bền vững được.
Trên thực tế, chăn nuôi dê vỗ béo nông dân có thể thu lợi nhuận cao khi dê thịt được giá, nhưng khi thời điểm giá dê rớt xuống thấp như vừa qua, người nuôi sẽ bị thua lỗ. Trong khi đó, với hoạt động chăn nuôi dê sinh sản sẽ chủ động được đầu vào, tận thu được thức ăn cho dê nên giảm chi phí đầu tư và luôn có thu nhập ổn định.
Như trường hợp HTX Văn Phong chủ yếu là nuôi những con dê sinh sản, có tính liên tục hàng năm. Ví dụ như đợt này, giá rẻ thì dân vẫn nuôi được kéo dài qua đợt sau, hoặc qua tháng sau khi giá lên thì người dân vẫn có để bán ra và vẫn có lời. Từ đó sẽ có được sự duy trì luân phiên như thế thì chắc chắn bà con sẽ có nguồn lời ổn định.
Đây cũng là một cách mà HTX “giải mã” để thị trường không “hiểu lầm” về sản phẩm chăn nuôi này. Nhất là khi nhu cầu thịt dê của người tiêu dùng tại các nhà hàng, quán ăn, cũng như sử dụng tại gia đình ngày càng tăng thì thị trường tiêu thụ thịt dê ngày càng lớn.
Góp phần vào “điểm sáng” giảm nghèo
Nuôi dê thương phẩm được xem là một trong những mô hình thoát nghèo hiệu quả trên địa bàn huyện Tân Phú những năm qua. Để bà con thoát nghèo hiệu quả thông qua hoạt động chăn nuôi này đòi hỏi cần tham gia vào liên kết chuỗi như cách làm của HTX nhằm đảm bảo đầu ra, giá cả ổn định, mang lại thu nhập tốt cho nông dân và từ đó nhân rộng cho các hộ nghèo cùng tham gia.
Từ hoạt động chăn nuôi dê hiệu quả với dấu ấn của HTX đã góp phần đưa huyện Tân Phú trở thành điểm sáng giảm nghèo ở tỉnh Đồng Nai. |
Đơn cử như hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Phúc ở xã Phú Xuân (huyện Tân Phú) đã thoát nghèo bền vững nhờ mô hình nuôi dê. Hiện tại gia đình ông Phúc đã phát triển đàn dê lên đến hàng chục con, kinh tế gia đình đang dần khấm khá.
Tính đến nay đàn dê toàn huyện Tân Phú có khoảng hơn 49.593 con dê, trong đó số nhiều chủ yếu tập trung trên địa bàn các xã Phú Lập, Phú Thịnh, Phú Lộc, Tà Lài, Núi Tượng, Trà Cổ, Phú Bình. Đàn dê có sự phát triển tăng vọt trong những năm gần đây là do giá dê thịt có những lúc nằm ở mức cao từ 100.000 đến 120.000 đồng/kg dê thịt, còn dê cái giống bán cũng được từ 1,5 đến 2,5 triệu/con.
Theo ngành Nông nghiệp huyện, trước tình hình biến đổi khí hậu, dê là vật nuôi chịu được điều kiện kham khổ tốt hơn các con vật khác. Trong điều kiện khắc nghiệt như hiện nay, nuôi dê sẽ rất phù hợp với người nông dân trên địa bàn huyện.
Hiện tại, đàn dê ở huyện Tân Phú không đủ cung ứng cho các nhà hàng, cơ sở ăn uống tại các huyện, thành phố của tỉnh Đồng Nai mà còn cung cấp cho các tỉnh Lân cận như Bình Dương, Tp.HCM...Gần đây, Ngân hàng chính sách Xã hội huyện Tân Phú cũng đã quan tâm tạo điều kiện cho nhiều hộ dân vay vốn chăn nuôi dê thịt trên địa bàn các xã, thị trấn trong huyện.
Từ hoạt động chăn nuôi dê hiệu quả với dấu ấn của HTX đã góp phần đưa huyện Tân Phú trở thành điểm sáng giảm nghèo ở tỉnh Đồng Nai. Nếu như năm 2015 huyện này có 2.836 hộ nghèo đa chiều, số hộ nghèo này của chiếm hơn 1/5 số hộ nghèo toàn tỉnh thì đến năm 2022, theo chuẩn nghèo của Trung ương, huyện đã giảm còn 1.035 hộ nghèo.
Thanh Loan