Xác định sản xuất ngư nghiệp là ngành trọng tâm trong cơ cấu phát triển kinh tế của địa phương nên chính quyền địa phương các xã bãi ngang đã định hướng và động viên nhân dân tích cực tham gia phát triển KTTT, HTX, bám biển, mạnh dạn đầu tư, mua sắm các phương tiện sản xuất phù hợp với từng thời vụ của vùng bãi ngang.
Từ phát huy vai trò của KTTT, HTX
Tại xã bãi ngang Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, với mong muốn đa dạng hóa và nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương, HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ thủy sản Ngư Nam (HTX Ngư Nam) đã cho ra đời sản phẩm cá lóc khô tẩm gia vị. Sản phẩm khá đặc sắc này đã được công nhận đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021, là cơ hội để vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh.
![]() |
Các HTX vùng bãi ngang đã góp phần thực hiện chiến lược xóa đói, giảm nghèo ở Quảng Bình. |
Anh Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc HTX cho biết, với mong muốn tăng sản lượng tiêu thụ cá lóc ổn định cho người dân, hạn chế tình trạng bị ép giá thu mua cá lóc tươi, năm 2021, HTX Ngư Nam đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để chế biến món cá lóc khô tẩm gia vị, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho bà con, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
Đặc biệt, được sự hướng dẫn, hỗ trợ của các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương, sản phẩm cá lóc khô tẩm gia vị của HTX đến nay đã có bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận an toàn thực phẩm…
Theo anh Phước, trong quá trình chế biến, không chỉ có công thức tẩm ướp phù hợp, nguyên liệu đầu vào cũng được HTX lựa chọn kỹ lưỡng. Cá phải bảo đảm tươi sống. Khi làm cá, phải lấy được tia máu bám sát sống lưng, rửa lại bằng rượu trắng để khử mùi tanh và khứa dọc đều để thấm gia vị…
Hiện HTX Ngư Nam còn đa dạng thêm các sản phẩm có nguyên liệu tại địa phương như mực khô, mực ống tươi, ếch sấy khô tẩm gia vị… Nhờ uy tín và sự ổn định về chất lượng nên sản phẩm ngày càng được khách hàng tin tưởng, đón nhận. Thị trường các sản phẩm cá khô, mực khô của HTX Ngư Nam hiện nay được tiêu thụ nhiều nhất ở TP. Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Hữu Hiến, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy chia sẻ, với sự đóng góp của các HTX trong chiến lược xóa đói, giảm nghèo, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm chỉ còn 3,1% theo chuẩn mới, thu nhập bình quân theo đầu người đạt gần 52 triệu đồng/năm, 100% số hộ có tivi và các phương tiện nghe nhìn khác, 100% số hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia và dùng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ lao động có việc làm đạt 93%.
Đến giảm nghèo bền vững
Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đánh giá, hiện nay, vùng bãi ngang của tỉnh bao gồm các xã Phù Hóa huyện Quảng Trạch, Xã Liên Trạch huyện Bố Trạch, xã Ngư Thủy Bắc và Ngư Thủy huyện Lệ Thủy. Nhằm phát triển kinh tế, giảm tỉ lệ nghèo, tỉnh lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương với chương trình giảm nghèo, đồng thời huy động mọi nguồn lực, tận dụng mọi lợi thế sẵn có của địa phương để có giải pháp giảm nghèo bền vững.
![]() |
Các xã bãi ngang cần sự tham gia của người dân để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững. |
Theo đó, từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ 57.229 triệu; nguồn ngân sách địa phương đối ứng 8.238 triệu đồng, tỉnh đã phân bổ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022.
Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội phân bổ cho các địa phương có hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ về nguồn vốn đúng kế hoạch, tiến độ. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đã luôn đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
“Nhờ những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, công tác giảm nghèo của Quảng Bình đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Đầu năm 2022, hộ nghèo của toàn tỉnh có 16.657 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,52% và hộ cận nghèo là 13.731, chiếm tỷ lệ 5,38% tổng số hộ toàn tỉnh. Tính đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,52% xuống còn 5,0%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,62% xuống còn 4,76%”, ông Hồ An Phong chia sẻ.
Theo lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, trong năm 2023, tỉnh Quảng Bình tiếp tục phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,8, giảm tỷ lệ hộ cận nghèo 0,5%. Theo đó, tỉnh sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, sự vận động quần chúng của mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, sự tham gia của người dân để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.
Đối với các xã bãi ngang, Sở cũng đề xuất lên UBND tỉnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo được giá trị và lợi nhuận cao trên một đơn vị diện tích, giúp hộ gia đình đưa ngành nghề mới vào sản xuất làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp.
Nhờ thực hiện lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước, cùng với việc phát triển khu vực KTTT, HTX và việc tuyên truyền, khuyến khích người dân tự giác nâng cao ý thức trong công tác xóa đói, giảm nghèo, bộ mặt các xã bãi ngang của tỉnh Quảng Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực, mang lại sức sống mới cho người dân nơi đây.
Để tiếp tục giúp người dân giảm nghèo bền vững và nâng cao thu nhập, trong thời gian tới, Quảng Bình sẽ chú trọng củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình HTX, nhân rộng các mô hình HTX, trang trại, tổ hợp tác làm ăn có hiệu quả với đa dạng ngành nghề.
Đoàn Huyền