Đặc biệt, với sự đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, HTX, Thanh Hóa đã đạt được những kết quả khả quan trong công cuộc giảm nghèo, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân.
Thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân
Thanh Hóa là tỉnh có diện tích rộng, người dân chủ yếu phát triển nông – thủy sản là chính. Thông qua chính sách giảm nghèo đã xuất hiện nhiều mô hình HTX hiệu quả, giúp hàng nghìn hộ nghèo thay đổi cách thức sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập cho thành viên.
![]() |
Để đạt được mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh phát triển thủy sản ở các xã bãi ngang ven biển. |
Tại xã Nga Tân, huyện Nga Sơn, đang tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở vùng bãi ngang.
Đại diện HTX nuôi trồng thủy sản Nga Tân cho biết, HTX đã bước đầu thay đổi tư duy sản xuất của người dân.
Nếu trước đây, người dân tự chủ động nguồn giống, dẫn đến tình trạng khó kiểm soát nguồn gốc dịch bệnh, thì hiện nay HTX đã xây dựng quy trình sản xuất, giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm của thành viên từ đầu vào đến đầu ra, như: con giống, quy trình sản xuất, cách sử dụng thức ăn, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, HTX hỗ trợ người dân chuyển đổi từ nuôi trồng thủy sản quảng canh sang nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao, với tổng diện tích hơn 10 ha, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2 - 2,5 lần so với nuôi thâm canh cải tiến.
Hiện nay, xã Nga Tân có 250 ha nuôi trồng thủy sản, với 130 hộ dân tham gia nuôi trồng. Người dân trong xã đã chuyển đổi 45 ha sang nuôi tôm công nghiệp, trong đó có 5 hộ dân mạnh dạn chuyển đổi từ nuôi trồng thủy sản quảng canh sang nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao với diện tích 15 ha. Với hình thức nuôi tôm công nghệ cao, nhiều hộ gia đình có thu nhập từ 1-5 tỷ đồng/ha, giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Ông Mai Văn Toại, Chủ tịch UBND xã Nga Tân cho biết: Trong những năm qua, xã đã khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất sản xuất cói không hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, nhất là áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từ đó đã mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nhiều hộ dân trên địa bàn.
“Trước đây, nhiều hộ dân của xã Nga Tân nuôi trồng thủy sản tự phát, manh mún, nhỏ lẻ. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Do vậy, việc thành lập HTX nuôi trồng thủy sản làm cầu nối cho người dân trong phát triển nuôi trồng thủy sản là cần thiết, được địa phương quan tâm. Để mô hình HTX nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, nâng cao đời sống của người dân, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện để HTX từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và thực sự là hạt nhân tập hợp người dân trong sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong nuôi trồng thủy sản, tạo nên sức sống mới của xã bãi ngang ven biển này”, ông Toại chia sẻ.
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Để góp phần giảm nghèo bền vững, nhiều địa phương bãi ngang của tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm đến việc hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất. Trong đó, chú trọng những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.
![]() |
Phát triển các mô hình kinh tế, trong đó nổi bật là mô hình HTX, đã giúp các xã bãi ngang, ven biển có nhiều khởi sắc. |
Về một số xã vùng bãi ngang ven biển huyện Hoằng Hóa những ngày này có thể thấy và cảm nhận được ít nhiều sự đổi thay trong diện mạo nông thôn và đời sống người dân.
Đó là kết quả sau khi thực hiện công tác giảm nghèo bền vững của địa phương. Hoằng Phụ là xã bãi ngang ven biển nên khai thác, chế biến thủy hải sản là một trong những ngành nghề chủ lực để thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo nơi đây
HTX sản xuất, chế biến nước mắm Khúc Phụ đã vươn lên phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu nước mắm truyền thống của người Việt.
Nước mắm Khúc Phụ là sản phẩm sạch bởi những người sản xuất luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, không sử dụng bất cứ một hoá chất nào để tạo hương, tạo mùi hay màu, tất cả đều có được từ cá và muối.
Quá trình sản xuất nước mắm được bắt đầu ngay từ trên tàu. Sau khi vớt từ dưới biển lên, cá được rửa sạch bằng nước biển, loại bỏ tạp chất rồi trộn với muối theo tỷ lệ thích hợp. Cá được bảo quản trong hầm tàu, được phủ bằng một lớp muối dày khoảng 5cm. Khi về đến bãi biển Hoằng Phụ, cá được bốc dỡ cho vào thùng ủ tiếp. Khoảng 9 - 18 tháng, HTX bắt đầu rút nước mắm.
Theo Giám đốc HTX Nguyễn Minh Quyết, nước mắm Khúc Phụ chỉ được chế biến từ cá cơm, không lẫn với bất kỳ hải sản nào. Vì được muối ngay từ lúc cá còn tươi sống nên giá trị dinh dưỡng trong nước mắm cao, hương vị thơm ngon hơn.
Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá, để công tác giảm nghèo tại các xã bãi ngang ven biển đạt hiệu quả cao, mang lại sức sống mới, thời gian tới, bên cạnh việc phát huy tối đa các nguồn lực cho công tác giảm nghèo thì việc phát huy nội lực trong nhân dân mới là tiền đề góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển.
“Từ xuất phát điểm thấp, điều kiện sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển của tỉnh Thanh Hóa đã chuyển mình đi lên nhờ tập trung phát triển các mô hình kinh tế, trong đó nổi bật là mô hình HTX, đã giúp các xã bãi ngang, ven biển có nhiều khởi sắc, kinh tế - xã hội từng bước phát triển, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt”, ông Giang nhấn mạnh.
Kim Yến